Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát Thái Bình nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới
4/27/2021 4:18:46 PM Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng". Trải qua các gian đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam, công tác cán bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và chăm lo, xây dựng. Ngành Kiểm sát nhân dân trải qua hơn 60 năm xây dựng trưởng thành đã luôn thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đủ đức, đủ tài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong những năm qua Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã luôn đoàn kết, thống nhất bám sát sự Lãnh đạo của Tỉnh uỷ, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát Thái Bình vững mạnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đến nay đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát Thái Bình đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, các cán bộ, kiểm sát viên đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí tiên phong, gương mẫu trong công việc cũng như trong cuộc sống, gương mẫu chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế làm việc của ngành; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Toàn ngành Kiểm sát Thái Bình hiện nay được giao 193 biên chế (cấp tỉnh 63 người, cấp huyện 130 người) và 29 cán bộ hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó: 186 đồng chí là đảng viên; Kiểm sát viên cao cấp: 01; Kiểm sát viên trung cấp 53; Kiểm sát viên sơ cấp 83; Kiểm tra viên chính 05 đồng chí; Kiểm tra viên 24 đồng chí; Chuyên viên chính 01 đồng chí; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hai cấp là 48 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật 27, Cử nhân Luật 144; Đại học khác 12; Cao đẳng, trung cấp 08. Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp lý luận 33, trung cấp lý luận 53; cán bộ nữ: 112, chiếm tỷ lệ 58,6%.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu hướng hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra, theo đó có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc như hiện nay, cùng những tác động tích cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì những khó khăn, thách thức đối với ngành kiểm sát cũng ngày càng lớn. Trước tình hình vi phạm và tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, các đạo Luật về tư pháp mới ban hành, ghi nhận vai trò ngày càng lớn, trách nhiệm ngày càng nặng nề của ngành Kiểm sát; cùng với đó yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp về việc xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành KSND nói chung và VKSND tỉnh Thái Bình nói riêng. Do đó việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong sạch, có phẩm chất, năng lực nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm sát là một nội dung rất quan trọng và cấp thiết.

Qua thực tiễn tổng kết 60 năm công tác tổ chức cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân cũng như những kinh nghiệm thực tiễn của ngành Kiểm sát Thái Bình thấy rằng để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, trung thành với Đảng, tận tụy với công vụ, có đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trên cơ sở phát huy vai trò người đứng đầu, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng đối với công tác cán bộ. Có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác cán bộ với công tác tư tưởng, công tác tổ chức với công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tỉnh ủy. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ.

Thứ hai, thường xuyên thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo quản lý hai cấp, thực hiện nguyên tắc “động” và “mở”; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp qua đánh giá không có khả năng phát triển hoặc sau khi quy hoạch nhưng không phát huy được. Đồng thời gắn công tác quy hoạch với luân chuyển, đào tạo cán bộ; xây dựng kế hoạch luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ trong nguồn quy hoạch. Đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn nhằm tạo nguồn lãnh đạo quản lý có chất lượng cho trước mắt cũng như lâu dài.

Thứ ba, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, Kiểm sát viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành tạo điều kiện cho cán bộ giỏi một lĩnh vực, biết nhiều lĩnh vực; đồng thời kết hợp chuyển đổi vị trí công tác với đào tạo cán bộ nhằm khắc phục hạn chế sức ỳ cán bộ ở lâu tại một vị trí, một lĩnh vực, đơn vị công tác, tạo điều kiện cho cán bộ thay đổi môi trường công tác, được tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Thứ tư, xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tốt mới có đội ngũ cán bộ có chất lượng, có năng lực, đủ bản lĩnh để đảm nhiệm công tác được giao. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đào tạo tại chỗ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Lãnh đạo các đơn vị cấp huyện và cấp Phòng phân công Kiểm sát viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mới được bổ nhiệm, chuyên viên mới được tuyển dụng theo hình thức cầm tay chỉ việc để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ trẻ. Thúc đẩy phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát động gắn với thực hiện tốt phong trào thi đua do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát động “Trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc, gương mẫu, đúng mực trong cuộc sống”.

Thứ năm, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, chỉ có đánh giá đúng, thực chất cán bộ mới bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý nhằm phát huy năng lực của cán bộ. Đánh giá cán bộ là yếu tố thường xuyên trong quá trình quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ. Phải lấy hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, làm thước đo chủ yếu đánh giá cán bộ. Thực hiện mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá. Đối với lãnh đạo quản lý phải xem xét kết quả chỉ tiêu công tác của đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách để đánh giá, nhất là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện việc đánh giá đúng năng lực, sở trường của từng cán bộ một cách công tâm, công bằng giúp cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ phát huy được sở trường của mình từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đội ngũ cán bộ để mỗi cán bộ luôn tự ý thức rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ. Phải xác định việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ là yêu cầu có tính thường xuyên, liên tục; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ,

Thứ bảy, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện tốt chính sách cán bộ. Tăng cường rà soát nắm bắt những vấn đề lịch sử chính trị, chú trọng nắm tình hình và giải quyết những vấn đề chính trị nếu có phát sinh ở cán bộ, qua đó nắm chắc tình hình chính trị, diễn biến tư tưởng của đội ngũ cán bộ. Tiến hành quản lý hồ sơ, thẩm định về tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, bảo đảm các chế độ đối với cán bộ, làm cho cán bộ yêu ngành hơn, yên tâm công tác để cống hiến tạo động lực mạnh mẽ để phát huy tài năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ.

Thứ tám, cần quan tâm hơn đến đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác cán bộ cho đội ngũ làm công tác cán bộ để họ thực sự là lực lượng tham mưu tích cực trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát Thái Bình thật sự “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nay.

          Với những giải pháp như trên, chúng tôi tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ kiểm sát của ngành Kiểm sát Thái Bình sẽ ngày càng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành.

 Phòng 15 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

  

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 106

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5331224