Thông tin tuyên truyền
Ngành kiểm sát Thái Bình 55 năm xây dựng và phát triển
7/27/2015 8:55:16 AM Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố; theo đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình được thành lập và đi vào hoạt động. Qua các chặng đường cách mạng 55 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các cấp và của nhân dân, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành hữu quan, ngành Kiểm sát Thái Bình đã không ngừng phấn đấu để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, đổi mới đất nước.

Trong những năm đầu mới thành lập, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, ngành Kiểm sát Thái Bình vừa phải chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức vừa phải triển khai hoạt động phục vụ các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao cho. Hoạt công tác kiểm sát những năm 60 đã tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, trấn áp bọn phản cách mạng và tội phạm nguy hiểm khác, nhất là các vụ án phản cách mạng do gián điệp của thực dân Pháp cài cắm lại, của Đế quốc Mỹ tung ra miền Bắc, bọn phản động chống phá Đảng. Nhà nước... Khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, công tác kiểm sát đã kịp thời chuyển hướng phục vụ trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Hoạt động kiểm sát tập trung đấu tranh xử lý các biểu hiện cản trở việc chi viện cho tiền tuyến, vi phạm chính sách hậu phương quân đội, xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân. Công tác kiểm sát đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, xây dựng miền Bắc và Thái Bình trở thành hậu phương vững chắc với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền xây dựng các điểm tiên tiến tuân theo pháp luật sau đó nhân ra diện rộng.

Từ năm 1986, quán triệt quan điểm, đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, thực hiện sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cấp uỷ địa phương, ngành Kiểm sát Thái Bình đã đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, cán bộ và việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội luôn bám sát các chủ trương lớn của của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tập trung kiểm sát các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu, giao thông, bưu điện, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, thuế và quản lý sử dụng ngân sách, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo… Đặc biệt trong thời kỳ an ninh nông thôn Thái Bình mất ổn định, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành với nhiệm vụ phục vụ ổn định tình hình ở địa phương theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ Thái Bình. Tập trung kiểm sát việc thu chi quản lý ngân sách xã, tài chính Hợp tác xã nông nghiệp ở 21 nơi có khiếu tố phức tạp; phối hợp với Thanh tra các cấp kiểm tra ở 28 xã khác. Qua kiểm sát đã phát hiện và kháng nghị, kiến nghị đối với hàng trăm văn bản có vi phạm pháp luật; kháng nghị yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng, yêu cầu và trực tiếp khởi tố 13 bị can, đề nghị xử lý hành chính 28 người; báo cáo và kiến nghị với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý trong lĩnh vực kinh tế…, góp phần phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh nông thôn trên địa bàn tỉnh những năm 1997-2000.

Trong thời kỳ cải cách tư pháp, thực hiện Hiến pháp sửa đổi năm 2001 và Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đồng thời quán triệt chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Chỉ thị số 53-CT/TW, Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, cùng với toàn ngành, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Thái Bình đã có những đổi mới, phát triển mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Tập trung thực hiện các chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra; Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và thực hiện các giải pháp tích cực để chống oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc giải quyết án hình sự, hằng năm toàn ngành giải quyết gần 1000 vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong đó chú trọng xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự xã hội, kinh tế, tham nhũng, ma tuý gây nhiều bức xúc ở địa phương. Tiến độ và chất lượng giải quyết hình sự không ngừng được nâng lên; việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, góp phần làm giảm tỷ lệ bắt giữ hình sự chuyển xử lý hành chính từ hàng chục phần trăm những năm trước đây xuống còn dưới 1%; việc truy tố bảo đảm đúng người, đúng tội, không xảy ra oan sai; tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung được hạn chế và giảm xuống dưới 2%.

Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực khác đều được tăng cường với nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Các vi phạm về thủ tục, chế độ giam giữ đã được phát hiện kịp thời yêu cầu khắc phục; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác thi hành án để đưa công tác thi hành án vào nề nếp và đạt hiệu quả cao hơn; góp phần khắc phục tình trạng bản án có hiệu lực nhưng chậm thi hành để tồn đọng, kéo dài, giảm đáng kể số bị án phạt tù chưa thi hành án. Thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại… có thay đổi, Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động đổi mới phương thức kiểm sát, tập trung kiểm sát việc lập hồ sơ, việc xét xử góp phần đảm bảo cho việc giải quyết các vụ, việc đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền được thực hiện có hiệu quả, yêu cầu khắc phục nhiều vi phạm; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng giải quyết nhiều đơn khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, làm giảm tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp; góp phần thiết thực vào việc giữ vững kỷ cương, trật tự. Thông qua công tác kiểm sát đã ban hành trên 1000 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm về tư pháp và 22 kiến nghị với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý để phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong các lĩnh vực.

Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả chức năng theo luật định, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình luôn xác định công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa VKSND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh

Công tác xây dựng ngành luôn được Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh xác định là nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát. Hệ thống tổ chức bộ máy ngày càng được kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ ngày mới thành lập, toàn ngành Kiểm sát Thái Bình có 22 cán bộ, với 4 tổ công tác ở VKSND tỉnh và các VKSND cấp huyện, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có trụ sở riêng, đến nay đã được giao 205 biên chế và 27 cán bộ hợp đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua các thời kỳ luôn được quan tâm, trong đó năm 2015 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá của ngành Kiểm sát Thái Bình là “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Do vậy trình độ cán bộ không ngừng được nâng cao về nhiều mặt, hầu hết cán bộ đã có trình độ đại học, 8 đồng chí đã tốt nghiệp Thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, có tinh thần trách nhiệm cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ ngày càng được tăng cường đầy đủ, hiện đại hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành không ngừng được đổi mới phù hợp với mỗi thời điểm; xây dựng đồng bộ hệ thống quy chế, quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình liên tục được cấp uỷ cấp trên công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Chi đoàn thanh niên, Chi hội luật gia, Hội cựu chiến binh đều được củng cố, phát triển và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, góp phần làm nòng cốt trong việc xây dựng phong trào và khối đại đoàn kết trong cơ quan.

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, qua các thời kỳ cách mạng, ngành Kiểm sát Thái Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác. Biểu dương và ghi nhận thành tích đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (năm 2014), 3 tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, các đơn vị, cá nhân trong ngành được tặng thưởng 19 Huân chương lao động các loại; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng cờ thi đua, bằng khen, Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen... 

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Phó Bí thư Tỉnh ủy thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh Thái Bình

Kỷ niệm 55 năm thành lập ngành trong điều kiện công cuộc đổi mới, cải cách tư pháp đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới với ngành Kiểm sát. Bên cạnh những thành tích đạt được trên đây, so với yêu cầu nhiệm vụ thì hoạt động kiểm sát còn có những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng một số khâu công tác chưa đồng đều, có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới; một số cán bộ chưa thực sự vững vàng về chuyên môn; tính chủ động sáng tạo và năng lực thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy đòi hỏi toàn ngành phải phát huy hơn nữa thành tích đã đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc về những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có biện pháp khắc phục kịp thời, tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn cách mạng mới. Ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân và ngành Kiểm sát Thái Bình trong 55 năm qua đã để lại cho thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên hôm nay và mai sau các bài học kinh nghiệm quý báu:

Đoàn đại biểu ngành Kiểm sát Thái Bình dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Tượng đài Công viên Hoàng Quốc Việt Tp Bắc Ninh nhân dịp kỷ niệm ngày Truyền thống VKSND

Một là: Trên cơ sở nắm vững chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát phải luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng để xác định nhiệm vụ của ngành. Quá trình thực hiện nhiệm vụ 55 năm qua, ngành Kiểm sát Thái Bình luôn gắn nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương. Vì vậy hoạt động của ngành Kiểm sát Thái Bình luôn đi đúng hướng, phục vụ đắc lực, có hiệu quả, các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Hai là: Các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, có bản lĩnh vững vàng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ với cán bộ ngành Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", luôn cầu thị, phấn đấu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng công tác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ với chất lượng và hiệu quả cao nhất là nhân tố quyết định thành công của hoạt động kiểm sát.

Ba là: Không ngừng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo của lãnh đạo các đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ kế hoạch và các phong trào thi đua. Bảo đảm phát huy dân chủ đi đôi với đề cao kỷ luật, kỷ cương; luôn đặt mục tiêu công tác là bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Bốn là: Viện kiểm sát hai cấp luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trên cơ sở quy định quy định của pháp luật để thực hiện đúng, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành, thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho.

Năm là: Phải thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong ngành và coi đây là nhiệm vụ then chốt; tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Xây dựng Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các chi bộ trong sạch vững mạnh; các tổ chức đoàn thể đồng bộ, vững mạnh; bồi dưỡng và nhân rộng những đơn vị, cá nhân điển hình tiên tiến.       

Đêm giao lưu văn nghệ của ngành Kiểm sát Thái Bình chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày Truyền thống Viện kiểm sát nhân dân 

thể thao truyền thống của ngành Kiểm sát Thái Bình chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày Truyền thống Viện kiểm sát nhân dân 

Với những thành tích đã đạt được, với những bài học kinh nghiệm qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát Thái Bình sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mà trọng tâm là các nhiệm vụ:

1. Triển khai thi hành hiệu quả Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; tham gia ghiên cứu góp ý hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

2. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; thực hiện hiệu quả khâu đột phá của toàn ngành là: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên.

3. Phấn đấu tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo Nghị quyết số 37/2012/QH13, Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội và chỉ đạo của Ngành; thực hiện hiệu quả chủ trương Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, trọng tâm là nâng cao trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà. Tập trung đề ra các biện pháp để chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm sát hoạt động tư pháp.

4. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ, việc phức tạp phát sinh, các việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự.

5. Đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, cải cách chế độ công vụ, công chức; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, duy trì kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh. Chú trọng xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên giỏi, các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực và đội ngũ cán bộ trẻ; kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị; thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm.

Phát huy thành tích đã được các thế hệ cán bộ của ngành xây đắp trong 55 năm qua, toàn ngành Kiểm sát Thái Bình sẽ tiếp tục vươn lên, quyết tâm thi đua giành nhiều thắng lợi mới hơn nữa, tô thắm thêm truyền thống: Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân./.

                                                                       Lê Trung Mưu- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 4624

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5734218