Sơ kết việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm giải quyết án dân sự của hai cấp Kiểm sát tỉnh Thái Bình
8/5/2015 7:50:17 AMSau khi Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 có hiệu lực thi hành; vai trò, chức năng của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự có sự thay đổi theo hướng mở rộng hơn, đặc biệt là việc tham gia các phiên tòa, phiên họp. Số lượng các phiên tòa, phiên họp dân sự Viện kiểm sát tham gia tăng nhiều so với giai đoạn trước và chiếm phần lớn số vụ việc Tòa án đưa ra xét xử. Vì vậy, chất lượng, hiệu quả việc tham gia phiên tòa dân sự của Kiểm sát viên và việc tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm là vấn đề được Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Thực hiện sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã tiến hành sơ kết việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đối với hai cấp kiểm sát trong thời gian từ 01/01/2013 đến 31/5/2015.
Việc tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm đã được đề ra từ Chỉ thị công tác số 01/VKSTC ngày 01/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được quy định tại Công văn số 06/HD-VKSTC-V5 ngày 18/01/2013, Hướng dẫn số 1448/VKSTC-V5 ngày 10/5/2013 của Vụ 5 Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại các văn bản trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về mục đích, yêu cầu, các bước chuẩn bị cũng như hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa; trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phiên tòa xét xử vụ án dân sự rút kinh nghiệm.
Thực hiện sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hai cấp Kiểm sát tỉnh Thái Bình đã đề ra nhiều biện pháp để tổ chức các phiên tòa dân sự cho cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị học tập, rút kinh nghiệm. Ngay trong kế hoạch công tác kiểm sát và chương trình, hướng dẫn công tác năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo việc tổ chức thực hiện với các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể; đồng thời xác định đây là một nhiệm vụ công tác thường xuyên, cần được tăng cường, chú trọng. Qua hơn hai năm thực hiện việc tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm đã tạo nên những chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn ngành, đặc biệt là cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ tại khâu công tác này.
Việc tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm còn được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị đưa vào chương trình, kế hoạch công tác năm và được xác định là một trong những chỉ tiêu đánh giá kết quả công tác năm, công tác thi đua; cùng với viiệc tổ chức các phiên tòa dân sự đồng thời phải lựa chọn và tổ chức các phiên tòa hành chính, lao động, kinh doanh thương mại để rút kinh nghiệm. Phòng 5 phối hợp với Phòng 3 tham mưu, xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành giữa Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để ký kết, triển khai thực hiện thống nhất. Thực hiện sự chỉ đạo trên, ngay từ khi xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, các đơn vị đều xác định mỗi Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự ở hai cấp phải đăng ký tham gia ít nhất 01 phiên tòa dân sự để đơn vị tổ chức học tập, rút kinh nghiệm. Phòng 5, bộ phận kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức từng phiên tòa rút kinh nghiệm, đảm bảo tiêu chí chọn vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo đúng hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các vụ án được lựa chọn để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm phải là những phiên tòa giải quyết các vụ án điển hình, những loại tranh chấp xảy ra mang tính phổ biến; đa dạng người tham gia tố tụng và người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự; các vấn đề tố tụng cũng như về nội dung liên quan đến quan hệ pháp luật có tranh chấp được xem xét giải quyết tại phiên tòa giúp cho Kiểm sát viên, cán bộ khi tham dự rút ra được những bài học kinh nghiệm về nghiệp vụ. Khi chọn được vụ án đảm bảo tiêu chí, lãnh đạo Viện kiểm sát phải chủ động thông báo, trao đổi với lãnh đạo Tòa án cùng cấp về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và đề nghị Tòa án chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo cho việc xét xử vụ án đúng thời hạn, đầy đủ thành phần, phiên tòa diễn ra nghiêm túc. Khi có lịch xét xử vụ án, Viện kiểm sát cấp huyện phải gửi về Phòng nghiệp vụ để theo dõi, chỉ đạo. Việc tham dự phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm được quán triệt đến tất cả các cán bộ, Kiểm sát viên nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm và các ý kiến đóng góp của tập thể đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; đồng thời giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên tham dự củng cố kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, rút ra những bài học kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng tham gia phiên tòa.
Trong thời gian từ 01/01/2013 đến 31/5/2015, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức được 70 phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm; trong đó có nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ Viện kiểm sát hai cấp; một số phiên tòa được lựa chọn ghi hình phục vụ cho học tập, rút kinh nghiệm toàn ngành. Cụ thể:
- Phòng 5: tổ chức 09 phiên tòa theo trình tự phúc thẩm để rút kinh nghiệm.
- Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tổ chức 61 phiên tòa sơ thẩm.
- Tổng số lượt lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm là: 627 lượt.
- Tổng số lượt lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên tham gia rút kinh nghiệm sau phiên tòa: 627 lượt.
Ngoài ra trong thời điểm từ 01/1/2013 đến 31/5/2015, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Thái Bình còn tổ chức 16 phiên tòa rút kinh nghiệm án kinh doanh thương mại và 04 phiên tòa án hành chính, trong đó Phòng 5 tổ chức 01 phiên tòa án kinh doanh thương mại và 02 phiên tòa án hành chính.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong thời gian qua đã đạt được kết quả sau:
1. Về chất lượng, hiệu quả hoạt động của Kiểm sát viên trước phiên tòa.
Đối với những vụ án dân sự được chọn để xét xử rút kinh nghiệm, khi nhận được hồ sơ vụ án và quyết định đưa vụ án ra xét xử do Tòa án chuyển đến, nếu thấy đủ điều kiện để chọn làm phiên tòa rút kinh nghiệm thì Kiểm sát viên chủ động đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Viện xem xét, quyết định chọn để trao đổi với lãnh đạo Tòa án để thống nhất nhằm đảm bảo việc xét xử đúng thời hạn, đầy đủ thành phần, phiên tòa diễn ra nghiêm túc.
Quá trình chuẩn bị tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công thực hiện việc nghiên cứu kỹ hồ sơ do Tòa án lập, thực hiện việc lập hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định tại hướng dẫn số 15/HD-VKSTC-V5 ngày 10/6/2005 và Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC-V5 ngày 22/5/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về lập hồ sơ kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự. Kiểm sát viên đều thận trọng trong việc nghiên cứu, trích cứu đầy đủ hồ sơ vụ án để xác định quan hệ tranh chấp mà Tòa án thụ lý, tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án, yêu cầu của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật cần áp dụng khi giải quyết mối quan hệ tranh chấp. Kiểm sát viên nghiên cứu về các văn bản tố tụng trong hồ sơ như: thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập người tham gia tố tụng, quyết định về việc thu thập chứng cứ, biên bản lấy lời khai, biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ, biên bản định giá, quyết định đưa vụ án ra xét xử, biên bản về việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự…; kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán đúng hay không đúng quy định. Từ đó, đối chiếu với các quy định pháp luật xem có phù hợp hay không. Kiểm sát viên nghiên cứu tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ để xem tài liệu có được thu thập hợp pháp hay không. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên phải nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung vụ án cần giải quyết, nghiên cứu nội dung vụ án. Khi phát hiện những thiếu sót hoặc tồn tại của hồ sơ thì trao đổi với Thẩm phán xem xét để khắc phục tránh tình trạng nếu có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bản án, quyết định dễ bị sửa, hủy, gây phiền hà cho đương sự và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát.
Từ kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên đã chủ động chuẩn bị báo cáo duyệt án, ý kiến phát biểu về quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa theo đúng hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; sau đó báo cáo, trình Lãnh đạo Viện và tập thể đơn vị nghe, duyệt án trước khi tham gia phiên tòa. Kiểm sát viên dự kiến các tình huống phát sinh và những nội dung cần hỏi, làm rõ tại phiên tòa để phục vụ cho việc phát biểu quan điểm và những vấn đề cần giải quyết trong vụ án. Sau khi tổ chức duyệt án, nghe quan điểm đề xuất của Kiểm sát viên, các cán bộ, Kiểm sát viên tham dự duyệt án tham gia ý kiến với Kiểm sát viên về những vấn đề cần tập trung làm rõ, Lãnh đạo Viện kết luận chỉ đạo về đường lối giải quyết vụ án và những vấn đề cần lưu ý tại phiên tòa.
Trước khi tiến hành xét xử, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử trao đổi thống nhất kế hoạch dự kiến hỏi đối với đương sự, xác định phạm vi, trọng tâm nội dung những điều cần làm rõ, thứ tự xét hỏi các đương sự và những người tham gia tố tụng,…; phân định trách nhiệm xét hỏi của từng người trong Hội đồng xét xử và của Kiểm sát viên nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong khi hỏi, tránh hỏi lặp lại nội dung đã được làm rõ, bỏ sót những nội dung, tình tiết có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết toàn diện vụ án.
2. Hoạt động của Kiểm sát viên trong phiên tòa.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên đã kiểm sát tư cách pháp lý của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, việc chấp hành thủ tục tố tụng tại phiên toà của Hội đồng xét xử, Thư ký Toà án và những người tham gia tố tụng từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên toà (bao gồm thủ tục khai mạc, thủ tục hỏi, thủ tục tranh luận, nghị án, tuyên án). Chú trọng theo dõi và ghi chép việc hỏi và trình bày ý kiến tại phiên toà, tích cực tham gia hỏi để phục vụ cho việc phát biểu và làm rõ nội dung vụ án. Ngay sau khi kết thúc phiên toà, Kiểm sát viên đã chú ý kiểm sát biên bản phiên tòa để đảm bảo tính chính xác khách quan của biên bản phiên tòa. Tại phiên toà, tư thế tác phong của Kiểm sát viên đảm bảo đúng mực, đĩnh đạc, nghiêm túc, phát ngôn tại phiên tòa rõ ràng, dứt khoát, mạch lạc, ứng xử nhanh nhạy, có văn hoá pháp lý.
3. Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa.
Sau phiên tòa Kiểm sát viên đã thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kết quả phiên tòa theo đúng quy chế của ngành. Dưới sự chủ trì của đồng chí Lãnh đạo Viện, các đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm để cán bộ, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa đóng góp ý kiến cho Kiểm sát viên kiểm sát xét xử tại phiên tòa trên tinh thần thẳng thắn, chính xác và mang tính xây dựng để rút ra những ưu điểm, hạn chế của Kiểm sát viên về việc nghiên cứu hồ sơ, lập hồ sơ và chuẩn bị tham gia phiên tòa, các hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa như tham gia hỏi các nội dung liên quan tới vụ án, việc phát hiện vi phạm của Hội đồng xét xử để bổ sung vào bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà, cách diễn đạt bản phát biểu của Kiểm sát viên... Đồng thời, qua tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, nếu phát hiện thấy vi phạm, thiếu sót của Tòa án (Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử) thì Viện kiểm sát cùng cấp tổng hợp, ban hành văn bản trao đổi để Tòa án rút kinh nghiệm.
Sau mỗi phiên toà, cán bộ, Kiểm sát viên tham dự phiên toà đều nhận thức được việc học tập trực tiếp tại các phiên toà dân sự có ý nghĩa thiết thực giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt về các kỹ năng xét hỏi, xử lý tình huống, ứng xử tại phiên toà, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp. Kết quả việc họp rút kinh nghiệm được lập thành biên bản và được gửi về Viện kiểm sát cấp trên kịp thời để theo dõi, quản lý và có biện pháp chỉ đạo.
Thông qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm ở địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Công tác bố trí cán bộ, Kiểm sát viên có kinh nghiệm, chuyên sâu và bố trí mang tính ổn định trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết án dân sự là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác. Việc bố trí cán bộ như vậy mới tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, cán bộ có thời gian đầu tư nghiên cứu các quy định của pháp luật và nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa; đồng thời qua đó Kiểm sát viên, cán bộ mới tích lũy được kinh nghiệm và mới xây dựng được đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ giỏi trong lĩnh vực công tác này.
- Kiểm sát viên được phân công kiểm sát xét xử phải tận dụng thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ và các quy định của pháp luật có liên quan. Kiểm sát chặt chẽ hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng trên cơ sở đó chuẩn bị cho việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa. Tại phiên toà Kiểm sát viên phải theo dõi sát diễn biến tại phiên tòa, tham gia hỏi để làm rõ việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng; trình bày quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa phải chính xác, có căn cứ pháp luật và tính thuyết phục cao. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra ngay biên bản phiên tòa để đảm bảo tính chính xác của biên bản phiên tòa.
- Mỗi vụ việc, mỗi phiên toà đều có tính chất, đặc điểm, nội dung riêng do vậy mỗi Kiểm sát viên phải lựa chọn cho mình những phiên toà khác nhau, có những tình tiết phức tạp để cùng học tập rút kinh nghiệm bổ sung cho nhau những vấn đề còn khiếm khuyết để đáp ứng được nhiệm vụ kiểm sát xét xử các vụ án dân sự trong tình hình mới. Việc tổ chức tham dự, học tập phải nghiêm túc, chất lượng, không mang tính hình thức. Việc góp ý phải thẳng thắn, chân thành, cởi mở trên cơ sở trao đổi, học hỏi lẫn nhau với tinh thần cầu thị để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên ngày càng hoàn thiện bản thân về kiến thức pháp lý, kinh nghiệm và thao tác, kỹ năng nghiệp vụ.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với Tòa án nhân dân trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm: Thực tế cho thấy công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát với Tòa án nhân dân có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nói chung và công tác kiểm sát xét xử dân sự nói riêng. Hiện nay hai cấp Kiểm sát đã xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, do đó các đơn vị cần phối hợp thực hiện tốt các quy chế đã xây dựng để thực hiện tốt công tác xét xử và kiểm sát xét xử án dân sự. Lãnh đạo hai cấp Kiểm sát duy trì và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với Tòa án nhân dân nhất là việc phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ để việc xét xử được đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm còn có những hạn chế, khó khăn như:
- Về công tác phối hợp chuẩn bị trước phiên tòa: Một số vụ án được Viện kiểm sát chọn làm phiên tòa rút kinh nghiệm nhưng khi trao đổi với Tòa án cùng cấp thì không nhận được sự đồng thuận và công tác phối hợp. Vì Tòa án hai cấp ở tỉnh Thái Bình cho rằng hiện nay chưa có văn bản chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao về việc tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm; việc tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm là do Viện kiểm sát tự đề ra và triển khai thực hiện.
- Một số vụ án điển hình đã được chọn để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhưng không thể diễn ra theo đúng quy định do vắng mặt các đương sự hoặc hoãn phiên tòa theo các trường hợp khác trong quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, hoặc có tham dự phiên tòa nhưng vụ án lại không có tranh luận đối đáp, quan hệ tranh chấp do các đương sự thỏa thuận trước khi mở phiên tòa nên không còn phức tạp như ban đầu nên việc học tập, rút kinh nghiệm chưa đạt mục đích, yêu cầu, hiệu quả như mong muốn.
- Trong một số phiên tòa rút kinh nghiệm, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa còn chưa được thực hiện một cách toàn diện (như việc thực hiện quyền đề nghị, yêu cầu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, ví dụ: yêu cầu Thẩm phán đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, khắc phục vi phạm trong việc thu thập chứng cứ của Thẩm phán …), do vậy chất lượng phiên tòa rút kinh nghiệm chưa cao.
- Việc nhận xét, đánh giá tại các cuộc họp rút kinh nghiệm sau khi tham dự phiên tòa còn chưa nêu bật được những vấn đề cần rút kinh nghiệm, một số ý kiến nhận xét chưa sâu, chưa sát với diễn biến của phiên tòa và hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa dẫn đến việc tiếp thu, khắc phục, rút kinh nghiệm của Kiểm sát viên còn ở mức độ.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên tòa rút kinh nghiệm.
- Trên thực tế việc lựa chọn các vụ án theo đúng tiêu chí như chỉ đạo tại Công văn số 1448/VKSTC-V5 ngày 10/5/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là khó khăn. Vì qua thực tế đa số các vụ án có Kiểm sát viên tham gia còn đơn giản về mặt nội dung, chưa đa dạng người tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự, dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Mặt khác, trong hướng dẫn quy định phải xây dựng kế hoạch và thông báo cho Tòa án cùng cấp để phối hợp tổ chức phiên tòa, nhưng chưa có hướng dẫn về mẫu kế hoạch cũng như mẫu thông báo cho Tòa án, mẫu báo cáo kết quả thực hiện; mẫu phiếu nhận xét đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Hiện nay các đơn vị tự soạn thảo mẫu góp ý nên việc góp ý về hình thức và nội dung của các đơn vị chưa thống nhất, chưa nêu được nội dung nhận xét cụ thể như tại mục 5 của Công văn số 1448/VKSTC-V5 ngày 10/5/2013. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm ban hành các loại biểu mẫu nói trên, nhất là phiếu góp ý, đánh giá nhận xét Kiểm sát viên và kế hoạch tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm để thống nhất thực hiện trong toàn ngành; đồng thời thường xuyên thông báo những kinh nghiệm của các đơn vị tổ chức tốt, có hiệu quả các phiên toà rút kinh nghiệm.
- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường tổ chức tập huấn về kỹ năng tham gia phiên tòa cho các Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, đặc biệt là kỹ năng ứng xử, tham gia hỏi và xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa.
- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản liên ngành hoặc đề nghị Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp trong công tác phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để thực hiện thống nhất trong toàn quốc; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết án dân sự.
Nguyễn Thị Vân Anh-Trưởng phòng 5 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh