TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA, NHỮNG TỒN TẠI VÀ GIẢI PHÁP
10/14/2015 11:13:09 AMHiến pháp,Bộ luật tố tụng hình sự và luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân: Là Cơ quan thực hành quyền công tố nhà nước, truy tố người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử, thực hiện buộc tội bị cáo tại phiên tòa. Đảm bảo việc truy tố phải đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Tại phiên tòa Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát công bố Bản cáo trạng, các quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án, tham gia xét hỏi, đưa ra chứng cứ buộc tội, gỡ tội, thực hiện việc luận tội đối với bị cáo, tranh luận với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong giai đoạn xét xử và của Hội đồng xét xử tại phiên tòa. Quá trình thực hiện chức năng nhiệm của mình, Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần đáng kể trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo ổn định tình hình chính trị, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó vẫn còn để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, làm oan người vô tội và một số các trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội.
Đứng trước tình hình đó, để đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đảng nhà nước ta đã đề ra chủ trương cải cách tư pháp, theo đó Viện kiểm sát nhân dân đã từng bước đổi mới và kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp. Một trong các biện pháp nâng cao chất lượng Kiểm sát viên là tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm về thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ở đó Kiểm sát viên có thể khẳng định trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa.
1-Những vẫn đề chung về tranh tụng tại phiên tòa hình sự:
Tranh tụng tại phiên tòa thực chất là những vấn đề, những ý kiến mà bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đưa ra tranh luận về luận tội của Kiểm sát viên và cũng là quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc xử lý đối với bị cáo và việc giải quyết đối với vụ án. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phải có nhiệm vụ đối đáp, trả lời những ý kiến đó “bàn cãi tìm ra lẽ phải” dựa trên các căn cứ pháp luật. Là giai đoạn sau khi Kiểm sát viên luận tội và thường xảy ra tại các phiên tòa bị cáo không nhận tội và có luật sư, người bào chữa tham gia phiên tòa. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, trách nhiệm nặng nề mặc dù ai cũng hiểu rằng sự thành công hay thất bại là một trong các tiêu chí để đánh giá một Kiểm sát viên thực sự có trình độ năng lực hay không được thể hiện rõ nhất trong việc tranh tụng (tranh luận) tại phiên tòa nhưng không phải Kiểm sát viên nào cũng làm tốt được. Vậy thì nguyên nhân do đâu? Kiểm sát viên cần phải làm thế nào để thực hiện việc này cho tốt? Theo tôi việc tranh luận một vấn đề gì đó là rất khó, xong việc tranh luận để tìm ra sự đúng, sai một cách có căn cứ pháp luật đòi hỏi Kiểm sát viên ngoài việc giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật … cần phải có kỹ năng tranh luận và đối đáp thì mới đạt được kết quả tốt. Tôi xin đưa ra một số những kinh nghiệm của bản thân trong công tác này như sau:
Công tác chuẩn bị cho việc thực hành quyền công tố tại phiên tòa là khâu đầu tiên và vô cùng quan trọng nó là tiền đề cho mọi hoạt động, tác nghiệp của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Để chủ động đối đáp tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải làm tốt công tác chuẩn bị bao gồm: nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc các tình tiết liên quan đến vụ án, phân tích đánh giá một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ để chứng minh tội phạm, người phạm dựa trên các căn cứ khoa học và căn cứ pháp luật đó là “tính có căn cứ và tính hợp pháp” của các chứng cứ. Xây dựng nội dung Bản cáo trạng và Luận tội phải trung thực với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đảm bảo kết cấu chặt chẽ có logic. Xem xét đánh giá đầy đủ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tính chất mức độ, hậu quả, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo và các tình tiết khác có liên quan đến việc xử lý đối với bị cáo và việc giải quyết vụ án. Chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự kiến các tình huống phát sinh trong quá trình xét xử cũng như tranh luận đối đáp tại phiên tòa.
Tại phiên tòa Kiểm sát viên phải tập trung cao độ, chú ý theo dõi, ghi chép nhanh và đủ ý việc hỏi của Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những câu trả lời của người được hỏi. Những ý kiến và đề nghị của bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác về luận tội của Kiểm sát viên. Đánh giá phân tích nhanh, tận dụng hết khả năng, tranh thủ thời gian để kịp thời bổ sung vào nội dung đối đáp cho phù hợp với diễn biến phiên tòa. Những ý kiến hay đề nghị họ đưa ra chưa rõ ràng thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu họ trình bày rõ hơn để nắm chắc vấn đề họ đưa ra. Nếu phiên tòa đơn thuần có một bị cáo, một người bào chữa thì Kiểm sát viên nghe rõ từng ý kiến họ đưa ra để đối đáp. Nếu phiên tòa có nhiều luật sư cùng tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị cáo hoặc các bị cáo, các đương sự trong vụ án thì Kiểm sát viên phải lắng nghe ý kiến, đề nghị của từng người, tổng hợp các ý kiến chung của các bị cáo, những người bào chữa và đương sự. Kiểm sát viên đưa ra tranh luận đối đáp những vấn đề đã được tổng hợp tránh sự trùng lặp hoặc chồng chéo không cần thiết. Việc đối đáp phải đảm bảo tính có căn cứ, lời lẽ, ngữ điệu âm thanh, nét mặt phải cứng rắn đanh thép và lịch sự.
Trong quá trình tranh luận, Kiểm sát viên phải nghe rõ, xác định nhanh nội dung cần đối đáp. Những vấn đề, ý kiến, đề nghị các bên đưa ra phải là những nội dung liên quan và có trong hồ sơ vụ án. Nếu những vấn đề bị cáo, người bào chữa đưa ra không liên quan đến vụ án hoặc đã được Kiểm sát viên đối đáp thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử lưu ý với họ để không phải đối đáp.Quá trình đối đáp tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên tùy vào từng phiên tòa cụ thể để có phương pháp tranh luận đối đáp sao cho quan điểm của Viện kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật và nhận được sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân tham dự, đảm bảo được cả yếu tố chính trị nhằm ổn định tình tình chính trị tại địa phương. Ví dụ trong năm 2013 bản thân tôi là Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra phiên tòa xét xử vụ án Cố ý gây thương tích. Các bị cáo đều là anh em, chú cháu ruột của nhau và là người công giáo. Khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình ngoài các thao tác nghiệp vụ cơ bản về pháp luật, bản thân tôi còn phải tìm hiểu về tôn giáo để nắm bắt tâm lý của người phạm tội từ đó đề ra phương án tối ưu về đường lối, giái pháp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đã thu được kết quả tốt.
* Thực tế cho thấy trong một số các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, số lượng người đến tham dự đông có cả những phần tử quá khích, chửi bới, chen lấn, xô đẩy và gây rối … không khí phiên tòa nóng, tranh luận đối đáp vô cùng căng thẳng, bị cáo không nhận tội, nhiều luật sư tham gia bào chữa, những vụ án phức tạp và được dư luận xã hội quan tâm. Việc lựa chọn Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử là một vấn đề quan trọng. Sự thành công hay thất bại tại các phiên tòa phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tranh luận vì vậy đòi hỏi Kiểm sát viên phải có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nhất là kỹ năng tranh luận đối đáp tại phiên tòa. Ngoài những tiêu chí về nghiệp vụ nêu trên thì Kiểm sát viên cần phải có ngoại hình tốt, tác phong nhanh nhẹn, nói năng rõ ràng, có tố chất phản ứng nhanh và có bản lĩnh vững vàng đó những yếu tố quyết định sự thành công và đáp ứng được yêu cầu của việc cải cách tư pháp đã đề ra.
Tại phiên tòa Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử thông qua những tác nghiệp như đi đứng, tác phong, đọc cáo trạng thế nào cho thể hiện sự quyền uy, việc tham gia xét hỏi thể hiện được bản lĩnh vững vàng, trí tuệ uyên thâm, cách hỏi sắc và trúng, luận tội sát đúng với nội dung, tình tiết của vụ án để khi luận tội xong thì quan điểm của Viện kiểm sát đạt được cả ba tiêu chí đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có tính giáo dục có như vậy mới làm cho bản thân bị cáo “tâm phục, khẩu phục” và nhận được sự hưởng ứng đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. Việc tranh luận và đối đáp tại phiên tòa là một việc khó, xong ở đây kiểm sát viên thể hiện được toàn bộ tố chất cũng như trình độ chuyện môn nghiệp vụ, kỹ năng, phong cách, phản ứng nhanh linh hoạt mục đích cuối cùng là bảo vệ thành công cáo trạng của Viện kiểm sát và bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
2-Những hạn chế, tồn tại thường gặp khi tranh tụng:
- Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trước khi tham gia phiên tòa, không phát hiện ra việc thu thập chứng cứ có vi phạm tố tụng, chứng cứ đó không có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội nhưng vẫn được Kiểm sát viên đưa ra tranh luận tại phiên tòa. Việc không nắm chắc hồ sơ nên việc đưa ra lập luận bảo vệ cáo trạng còn hạn chế thiếu sắc bén.
- Tại phiên tòa, Kiểm sát viên không tập trung theo dõi, ghi chép không đầy đủ diễn biến phiên tòa nhất là những câu trả lời của bị cáo, người làm chứng, người liên quan… hoặc các tài liệu là chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và người phạm tội nên khi tranh luận đối đáp, Kiểm sát viên không tranh luận đúng đúng trọng tâm, trọng điểm, đối đáp sơ sài thiếu căn cứ không có tính thuyết phục.
- Tại phiên tòa, có sự thay đổi về lời khai, chứng cứ chứng minh tội phạm các tình tiết có liên quan … Kiểm sát viên không chú ý theo dõi hoặc năng lực hạn chế nên đã không kịp thời bổ sung vào luận tội mà vẫn sử dụng luận tội đã dự thảo từ trước, làm cho việc luận tội không đầy đủ, thiếu căn cứ và không logic, từ ngữ không sắc bén. Luật sư, người bảo vệ quyền lợi và bản thân bị cáo dựa vào đó đưa ra các ý kiến tranh luận làm cho Kiểm sát viên mất ưu thế, lúng túng trong việc đối đáp.
- Việc nắm kiến thức và nhận thức về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự , các văn bản hướng dẫn của một số Kiểm sát viên còn chưa đúng, sự hiểu biết về các vấn đề xã hội còn hạn chế cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Có Kiểm sát viên còn từ chối tranh luận đối đáp tại phiên tòa điều đó thể hiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tranh luận đối đáp non yếu không đạt yêu cầu.
3- Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại
- Một số kiểm sát viên, trách nhiệm đối với công việc được phân công chưa cao, trình độ chuyên, năng lực môn nghiệp vụ chưa tốt, không nắm vững pháp luật, các văn bản hướng dẫn và quy định của ngành.
- Quá trình kiểm sát điều tra của một số vụ án, Kiểm sát viên làm chưa tốt dẫn đến còn có những sai sót trong việc thu thập chứng cứ hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng.
- Một số Kiểm sát viên còn tự hài lòng với những gì đã có, không chịu nghiên cứu tìm tòi tích lũy kiến thức và không học hỏi và lắng nghe kinh nghiệm thực tế của những người đã nhiều năm thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ...
- Không có bản lĩnh, tâm lý vững vàng dẫn đến việc tranh luận, đối đáp tại phiên tòa còn lúng túng, đuối lý khi bị cáo chối tội và luật sư đưa ra các ý kiến, lý lẽ chứng minh thân chủ của họ vô tội.
- Kiểm sát viên, tự hài lòng với những gì đã có, không chịu nghiên cứu tìm tòi tích lũy kiến thức và không chú ý học hỏi và lắng nghe kinh nghiệm thực tế của những người đã nhiều năm thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
4-Một số giải pháp nâng cao chất lượng Tranh tụng tại phiên tòa:
- Muốn thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa trước hết phải thực hiện tốt công tác kiểm sát điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đảm bảo việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội phải khách quan, toàn diện đầy đủ và đảm bảo đúng trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
- Nâng cao trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, nắm vững nội dung vụ án, các chứng chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo và những vấn đề khác liên quan đến vụ án. Việc nghiên cứu phải khách quan, toàn diện và thận trọng. Phân tích đánh giá chứng cứ phải dựa trên cơ sở khoa học và luôn đảm bảo tính hợp pháp. Chuẩn bị đề cương xét hỏi, luận tội, các tình huống phát sinh, phương án đối đáp và chuẩn bị tốt tâm lý tham gia phiên tòa nhất là những phiên tòa phức tạp và dư luận xã hội quan tâm.
- Kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định của Bộ Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn và các quy định khác chuẩn bị cho mình đầy đủ các kiến thức cơ bản phục vụ cho việc thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đạt kết quả nhất là phục vụ tốt cho việc tranh luận và đối đáp tại phiên tòa.
- Kiểm sát viên phải không ngừng học hỏi và tham gia các lớp tập huấn do trường Đại học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức, các hội nghị sơ kết, tổng kết do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức và phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập để có thái độ nghiêm túc tiếp thu được nhiều kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Kiểm sát viên phải học hỏi kinh nghiệm có chọn lọc của những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực thật sự và có kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa để trang bị thêm kiến thức cho bản thân (thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm).
- Phải có bản lĩnh vững vàng, yêu ngành, yêu nghề từ đó có trách nhiệm với công việc được giao, thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành nhất là nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề và “nguy hiểm” . Khi Kiểm sát viên đã trang bị cho mình một cách đầy đủ về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng và thật sự tâm huyết với nghề thì nó lại trở thành niềm đam mê và thật sự cảm thấy vui sướng, tự hào sau thành công của mỗi phiên tòa.
Lâm Thị Tâm - Phó viện trưởng VKSND huyện Hưng Hà