Thông tin tuyên truyền
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH Nhiều năm liên tục đạt danh hiệu "Cơ quan văn hóa"
2/11/2016 1:05:19 PMThực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc"; Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 20/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc ban hành Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình; thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Công đoàn Viên chức tỉnh Thái Bình về xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Trong nhiều năm qua, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình giao cho Công đoàn cơ quan chủ trì việc đăng ký và tổ chức thực hiện, phấn đấu xây dựng cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình là Cơ quan văn hóa. Ngay từ đầu năm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã đăng ký xây dựng Cơ quan văn hóa với các nội dung: tổ chức thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành và địa phương. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp, phong trào quyết tâm thực hiện tốt việc xây dựng Cơ quan văn hóa phấn đấu đạt ba tiêu chuẩn xây dựng cơ quan văn hóa.

Trong hai năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết tâm thực hiện tốt việc xây dựng cơ quan văn hóa theo các nội dung đã đăng ký với kết quả thực hiện ba tiêu chuẩn xây dựng cơ quan văn hóa.

Tiêu chuẩn thứ nhất: Hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã chủ động phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác hằng năm. Với chức năng, nhiệm vụ là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, phát huy truyền thống, thành tích đã đạt được, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch, góp phần cùng các ngành, các cấp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị địa phương. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự đã đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các hướng dẫn, quy chế, quy định nghiệp vụ của ngành và liên ngành; đảm bảo việc khởi tố, tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; đề cao trách nhiệm, chủ động phối hợp trong hoạt động tố tụng để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra, giải quyết án hình sự. Trong công tác kiểm sát xét xử hình sự tiếp tục đề ra nhiều biện pháp để rèn luyện nâng cao kỹ năng tranh tụng tại phiên toà, tăng cường kiểm sát các hoạt động của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Qua đó nắm chắc được tình hình tội phạm xảy ra và kiểm sát kết quả xử lý của Cơ quan điều tra kịp thời, đúng pháp luật. Trong nhiều năm qua, không để xảy ra trường hợp nào oan sai, khởi tố sau phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội hoặc truy tố Tòa án tuyên không phạm tội. Tỷ lệ kiểm sát giải quyết tin báo tội phạm; tỷ lệ giải quyết án hình sự trong các giai đoạn tố tụng đều đạt và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, hạn chế được việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Các chỉ tiêu về xác định và giải quyết án trọng điểm, án xét xử lưu động, án xét xử để rút kinh nghiệm đều được quan tâm thực hiện. Qua công tác kiểm sát đã ban hành 76 kháng nghị phúc thẩm, 2 kháng nghị giám đốc thẩm, 68 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, 6 kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật; ban hành 52 thông báo rút kinh nghiệm.

Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã bám sát chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn, các quy chế nghiệp vụ của ngành, đổi mới các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án hình sự và dân sự, kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại tố cáo về tư pháp để phát hiện vi phạm của các cơ quan hữu quan, ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Hiệu quả các khâu công tác này đều được nâng lên, tỷ lệ thi hành án hình sự trung bình đạt 90%; số việc thi hành án dân sự tồn đọng, kéo dài từng bước được giải quyết; tỷ lệ số vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình có vi phạm ở cấp sơ thẩm được phát hiện, kháng nghị tăng về số lượng và chất lượng; các khiếu nại, tố cáo về tư pháp được giải quyết dứt điểm, không để khiếu nại bức xúc, kéo dài. Qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã ban hành 64 kháng nghị, 175 kiến nghị, 74 thông báo rút kinh nghiệm. Kết quả thi đua hằng năm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đều được Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua”, 100% cán bộ công chức và người lao động trong cơ quan đạt danh hiệu Lao động tiên tiến trở lên, nhiều cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua ngành.

 

Lãnh đạo VKSND tỉnh Thái Bình đón nhận cờ thi đua ngành KSND năm 2015

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ được tăng cường và được xác định là nhiệm vụ đột phá. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của ngành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cử 96 lượt cán bộ theo học các loại hình đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, về chuyên môn luật, nghiệp vụ kiểm sát, kiến thức quản lý chỉ đạo điều hành, nghiệp vụ báo chí tuyên truyền... Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, 100% đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành thường xuyên tự giác học tập, tích cực theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân  tỉnh Thái Bình tổ chức thi kiểm tra kiến thức nghiệp vụ đối với 100% cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp, qua đó đã đẩy mạnh phong trào học tập và tự học trong cán bộ, công chức.

Thực hiện tốt nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ luôn được chú trọng. Cán bộ, công chức, viên chức tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống; lãnh đạo các đơn vị đều thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. 100% Kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật, các quy chế nghiệp vụ của ngành, thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị và ở nơi cư trú; không có cán bộ, đảng viên, Kiểm sát viên nào vi phạm quy định về những điều công chức, đảng viên, Kiểm sát viên không được làm. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức có hiệu quả các phong trào “Cơ quan xanh sạch đẹp”, “Không có khói thuốc lá trong cơ quan”, người cán bộ công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, nữ công “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Triển khai, phát động Kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức tích cực thực hiện chủ trương hoạt động của ngành Kiểm sát là “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”; thực hiện nghiêm túc phong trào thi đua do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát động “Trách nhiệm, công tâm, nghiệp vụ tinh thông, chất lượng, hiệu quả”; hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng người cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình là cơ quan tư pháp, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; vì vậy trong hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ không gắn với hoạt động dịch vụ công. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động nghiệp vụ đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý như phối hợp tổ chức các phiên tòa lưu động để tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Điển hình như: năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh, Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật cho khoảng 200 người bị kết án phạt tù và phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam; năm 2015, phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức hai buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho khoảng 2.500 học sinh trung học phổ thông tại hai trường trên địa bàn tỉnh (Lãnh đạo Viện trực tiếp thực hiện). Ngoài ra còn thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý qua tiếp công dân, qua kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, dân sự, kiểm sát thi hành án... góp phần thực hiện mục tiêu tạo nền tư pháp gần dân, phục vụ nhân dân  nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.

Có sáng kiến, cải tiến quản lý, kinh nghiệm được áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục ứng dụng có hiệu quả đề tài khoa học cấp tỉnh được xây dựng và nghiệm thu trong năm 2012 là "Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam ở tỉnh Thái Bình". Năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đăng ký nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh "Nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh Thái Bình". Đến nay đề tài đã được nghiệm thu xếp loại xuất sắc, đang được triển khai ứng dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Thực hiện đổi mới công tác thi đua khen thưởng, trong năm 2013, 2014 và 2015 các cá nhân đăng ký phấn đấu danh hiệu Chiến sỹ thi đua đều phải có sáng kiến hoặc giải pháp hữu ích để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác. Hội đồng khoa học ngành đã nghiệm thu, công nhận 35 sáng kiến và giải pháp hữu ích và triển khaic ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Tiêu chuẩn thứ hai: Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở.

Nhiều năm qua, 100% cán bộ, công chức, viên chức đều thực hiện tốt nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cơ quan không có người mắc tệ nạn xã hội; không sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không tàng trữ, không đốt các loại pháo và không thả đèn trời; không tuyên truyền và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan. Sinh hoạt cơ quan, đơn vị, đoàn thể nề nếp; thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc, quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước; nội bộ đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ. Không hút thuốc lá trong phòng làm việc, trong cơ quan, nơi công sở; không uống rượu, bia trong ngày làm việc; thực hiện việc mặc trang phục ngành nghiêm túc, gọn gàng, lịch sự; cơ quan luôn đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn, bài trí khuôn viên, công sở gọn gàng, ngăn nắp, theo đúng quy định.

Chăm sóc cây xanh, cảnh quan môi trường cơ quan

Tiêu chuẩn thứ ba: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

100% cán bộ, công chức nắm vững, chấp hành nghiêm túc đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành, của địa phương. Không có cán bộ công chức, người lao động vi phạm pháp luật phải xử lý; cơ quan an toàn, đảm bảo an ninh trật tự; không có khiếu kiện vượt cấp, trái pháp luật. Thực hiện tốt cải cách hành chính; thực hiện 8 giờ làm việc có hiệu quả; quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí được giao; không để xảy ra lãng phí, tham nhũng; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, cơ quan không có người sinh con thứ ba trở lên.

Với sự nỗ lực và kết quả phấn đấu xây dựng Cơ quan văn hóa nêu trên, năm 2014 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình là một trong 27 cơ quan được Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình quyết định công nhận là Cơ quan văn hóa năm 2014; năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình là một trong số các cơ quan cấp tỉnh đóng trên địa bàn thành phố Thái Bình được Ủy ban nhân dân thành phố cấp bằng công nhận danh hiệu "Cơ quan đạt chuẩn văn hóa" hai năm 2014 - 2015.

Năm 2010, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận danh hiệu "Cơ quan văn hóa cấp Tổng Liên đoàn". Phát huy truyền thống phấn đấu xây dựng Cơ quan văn hóa, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục nỗ lực phấn đấu giữ vững danh hiệu "Cơ quan văn hóa" trong những năm tiếp theo.

Phạm Thị Thu Hà-Phòng thống kê tội phạm và công nghệ thống tin

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 2622

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5864527