Thông tin tuyên truyền
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ CHẾ ĐỊNH CHỨNG CỨ VÀ CHỨNG MINH TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015
4/11/2016 7:06:40 AMChứng cứ và chứng minh là một vấn đề quan trọng, mang tính mấu chốt trong suốt quá trình từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Trong Bộ luật tố tụng hình sự (Sau đây viết tắt là BLTTHS) năm 2003 (sửa đổi, bổ sung), những quy định liên quan đến chứng cứ còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đòi hỏi phải đổi mới nhằm tăng tính dân chủ, đáp ứng yêu cầu cải cách và hội nhập, góp phần giảm oan sai trong quá trình giải quyết vụ án và đảm bảo sự thật khách quan của vụ án. Ngày 27/11/2015 vừa qua, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua BLTTHS năm 2015 với nhiều điểm mới, trong đó giành riêng Chương VI “Chứng minh và chứng cứ” với những thay đổi cơ bản, như sau:

1. Mở rộng việc xác định “Nguồn chứng cứ”

Khác với quy định tại BLTTHS năm 2003 (sửa đổi, bổ sung), BLTTHS năm 2015 dành riêng một điều luật quy định về nguồn chứng cứ. Theo đó:

    "Điều 87. Nguồn chứng cứ

    1. Chứng cứ được xác định từ các nguồn sau đây:

    a) Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản về hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

g) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm;

h) Các tài liệu, đồ vật khác.

2. Những thông tin được thu thập từ các nguồn chứng cứ nhưng vi phạm quy định của Bộ luật này thì không có giá trị pháp lý và không được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự."

Sự phát triển không ngừng nghỉ của khoa học công nghệ hiện đại, thế giới đang biến đổi nhanh chóng và đứng trước hai vấn đề quan trọng: Công nghệ thông tin trở thành phương tiện đa năng, công cụ đắc lực, hữu ích cho con người. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động phạm tội; với tính ưu việt của công nghệ thông tin, hành vi phạm tội được thực hiện ngày càng tinh vi, nguy hiểm và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trước đây, nguồn chứng cứ được ghi nhận chủ yếu bằng văn bản, vật chứng nhưng lại chưa thừa nhận các phương tiện khác như: Phương tiện điện tử, ghi âm, ghi hình, thẻ nhớ, … vô hình chung đã bỏ sót nhiều dữ liệu quan trọng lưu giữ các dấu vết của tội phạm; một số vụ án do đó đã không được làm sáng tỏ hoặc không thể xử lý toàn diện, triệt để. Khắc phục những thiếu sót này, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung "Dữ liệu điện tử" là một nguồn chứng cứ quan trọng và đặc thù (điểm c khoản 1 Điều 87). Điều này là vô cùng cần thiết trong thực tiễn phòng chống tội phạm hiện nay. Theo Điều 99 BLTTHS năm 2015 thì: "Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử". Dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ đặc thù bởi lẽ:

Thứ nhất: Dữ liệu điện tử không giống với nguồn chứng cứ thông thường, không phải là sự vật hay sự kiện như quan niệm trước đây, đây là những ký tự dưới dạng số hóa được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị điện tử hoặc trên mạng thông tin toàn cầu qua quá trình xử lý sẽ cho ra các dữ liệu bao gồm số, chữ viết, âm thanh, hình ảnh... từ đó cung cấp thông tin liên quan đến sự kiện phạm tội.

Thứ hai: Dữ liệu điện tử tự nó không thể có giá trị chứng minh khi không có sự tác động của con người là những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và sự trợ giúp của các thiết bị điện tử và chương trình phần mềm khoa học.

Tuy nhiên, chính từ tính chất đặc thù này nên trình tự, thủ tục thu thập, xử lý dữ liệu điện tử cũng cần được quan tâm và quy định một cách chặt chẽ. Bởi lẽ, dữ liệu điện tử rất dễ bị tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi, hủy bỏ một cách cố ý hoặc vô ý. Nếu không có những quy định cụ thể chi tiết trong quá trình thu thập, xử lý rất có thể sẽ bị lợi dụng làm sai lệch ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định một cách đúng đắn sự thật vụ án. Do đó, cùng với việc bổ sung dữ liệu điện tử rất cần thiết phải áp dụng những phần mềm và kỹ thuật công nghệ để khôi phục dữ liệu để đảm bảo tính khách quan, nguyên trạng đồng thời có thể kiểm chứng loại chứng cứ này.

Bên cạnh việc ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ, BLTTHS năm 2015 cũng bổ sung thêm nguồn chứng cứ như "Kết luận định giá tài sản" (điểm d khoản 1 Điều 87) thay vì chỉ có kết luận giám định như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (sửa đổi, bổ sung). Làm chặt chẽ hơn nguồn chứng cứ là biên bản về hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (điểm đ khoản 1 Điều 87); Ghi nhận "Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm" (điểm g khoản 1 Điều 87). Ngoài ra, trong chế định chứng cứ và chứng minh còn quy định chặt chẽ những thông tin được thu thập từ các nguồn chứng cứ nhưng vi phạm quy định của Bộ luật này thì không có giá trị pháp lý và không được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Quy định này nhằm đảm bảo tính hợp pháp - một trong ba thuộc tính của chứng cứ đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

2. Thu thập chứng cứ theo quy định của BLTTHS năm 2015

Trong tố tụng hình sự hiện nay, chưa có khái niệm cụ thể nào về thu thập chứng cứ nhưng có thể hiểu thu thập chứng cứ là một giai đoạn của quá trình chứng minh. Đó là việc thu thập các dữ liệu thực tế có chứa nguồn chứng cứ theo quy định của BLTTHS. Theo quy định của BLTTHS năm 2003 (sửa đổi, bổ sung), thẩm quyền thu thập chứng cứ được trao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án theo đó đương nhiên cơ quan tiến hành tố tụng là chủ thể có quyền chủ động hoàn toàn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ (Điều 65) và hồ sơ vụ án là căn cứ duy nhất hợp pháp để phán quyết một người có là tội phạm hay không. Người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác cũng có quyền thu thập và cung cấp chứng cứ. Tại Khoản 2 Điều 58 BLTTHS năm 2003 thì:

"Người bào chữa có quyền

d, Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác;

đ, Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

g, Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật;"

Tuy nhiên, đồ vật, tài liệu người bào chữa thu thập được liên quan đến vụ án chỉ có thể là chứng cứ khi được nộp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và được các cơ quan này chấp nhận, đưa vào hồ sơ. BLTTHS năm 2003 (sửa đổi, bổ sung) quy định về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa nhưng lại chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ ra sao, như thế nào. Do đó, chỉ căn cứ vào quy định tại Điều 65 BLTTHS năm 2003 thì giá trị pháp lý chưa cao. Quy định chung chung như vậy khó tránh khỏi sự áp đặt, duy ý chí, chỉ coi trọng chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, dễ dẫn đến phiến diện, oan sai trong quá trình giải quyết vụ án và thực tế trong quá trình giải quyết vụ án, hầu hết những đồ vật, tài liệu do người bào chữa thu thập bị bỏ qua và xem nhẹ. Điều này ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án, phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Bên cạnh đó, mặc dù người bào chữa được quyền "đọc, ghi chép, sao chụp" các tài liệu trong hồ sơ vụ án nhưng chỉ là những tài liệu liên quan đến việc bào chữa. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá vụ án một cách toàn diện của người bào chữa khi mà người bào chữa phải dựa vào những chứng cứ "buộc tội" để "gỡ tội" cho thân chủ. Trên thế giới, rất nhiều nước như Mỹ, Pháp, Angieria, … quyền "đọc" cho người bào chữa rất được coi trọng, thậm chí còn được số hóa trên các thiết bị điện tử để tiện theo dõi và có thể cập nhật bất cứ lúc nào. Ở Việt Nam, việc đảm bảo những quyền này của người bào chữa chưa được coi trọng.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới nhằm tăng tính dân chủ và đáp ứng được yêu cầu hội nhập, do đó nhằm khắc phục những thiếu sót trong quy định về việc thu thập chứng cứ BLTTHS năm 2015 đã có sự thay đổi rất thiết thực. Điều 88 BLTTHS năm 2015 đã cụ thể hóa và quy định chi tiết, chặt chẽ hơn về vấn đề thu thập chứng cứ:

"1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án

2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa

3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án

…"

Đồng thời, quy định cụ thể cách thức người bào chữa thu thập chứng cứ, cũng như trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc xem xét chứng cứ do người bào chữa cung cấp (khoản 4,5 Điều 88). Điều này đảm bảo cho quyền bào chữa của người bị buộc tội đồng thời nâng cao được hiệu quả trong quá trình thu thập chứng cứ.

Tóm lại, BLTTHS năm 2015 là một bước tiến mới, là cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm. Đặc biệt việc đổi mới chế định chứng cứ trong BLTTHS năm 2015 xuất phát từ sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và kinh tế xã hội, từ nhu cầu điều tra, xử lý đối với các hành vi phạm tội trong tình hình mới đặc biệt là tội phạm công nghệ cao; khắc phục căn bản những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành.  Tuy nhiên, cần thiết phải hoàn thiện hơn nữa những quy định mới này trong Bộ luật qua những hướng dẫn bằng các văn bản dưới luật đảm bảo nhằm khẳng định vị trí, vai trò của các chủ thể trong việc thực hiện các chức năng của tố tụng hình sự và góp phần đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể trong quá trình chứng minh vụ án.

                                                             Trần Thị Thúy Nga- Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Xương

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 2074

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5864211