Tin hoạt động
Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân- Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tập huấn Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
4/27/2016 10:21:16 AMThực hiện Kế hoạch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về tổ chức tập huấn chuyên sâu Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, ngày 23/4/2016, Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình - Tòa án nhân dân Thái Bình đã tổ chức Hội nghị tập huấn nhằm triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong việc tổ chức triển khai thi hành Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự. Tham dự Hội nghị là các Lãnh đạo Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, các Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Thái Bình, các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án hai cấp tỉnh Thái Bình. Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Tống Anh Hào – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao truyền đạt về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự; bố cục, nội dung cơ bản và một số nội dung mới của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự.

Đồng chí: Tống Anh Hào - Phó chánh án TAND tối cao truyền đạt các nội dung tại hội nghị

Bộ luật dân sự là một trong những đạo luật quan trọng, là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự; ghi nhận và bảo vệ các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao dịch dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành. Bộ luật dân sự là một đạo luật có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội mà còn cả về mặt xây dựng pháp luật.

 

Bộ luật tố tụng dân sự đã thể chế hóa đường lối cải cách tư pháp, hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện nguyên tắc tranh tụng, hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng bổ sung thêm cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn. Đồng thời, khuyến khích thỏa thuận hòa giải ngoài Tòa án, Tòa án hỗ trợ bằng việc công nhận việc thỏa thuận đó. Một trong những điểm mới quan trọng của Bộ luật tố tụng dân sự là quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Khi giải quyết vụ án thuộc trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì ngoài việc căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết vụ án thì còn phải căn cứ vào tập quán pháp, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan. Việc bổ sung này nhằm thể chế hóa tinh thần cải cách tư pháp để Tòa án thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân về vai trò của Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, nên mọi tranh chấp của cá nhân, cơ quan tổ chức về dân sự Tòa án phải có trách nhiệm giải quyết, đồng thời việc bổ sung vấn đề này để đồng bộ với Bộ luật Dân sự.

 

Toàn cảnh hội nghị

Về sự tham gia phiên tòa, phiên họp của Kiểm sát viên, Bộ luật tố tụng dân sự bổ sung quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm. Về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm: Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử , Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Đồng chí: Phạm Văn Thịnh- Chánh án TAND tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết thúc hội nghị tập huấn, đồng chí Phạm Văn Thịnh - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình thay mặt Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tỉnh - Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã cảm ơn Lãnh đạo Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân đ/c Tống Anh Hào đã dành sự quan tâm, về trực tiếp truyên đạt kiến thức, tập huấn tại Thái Bình; đồng thời yêu cầu các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ ngành Kiểm sát Thái Bình, các Thẩm phán, Thẩm tra viên, cán bộ, công chức ngành Tòa án phải chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập, nắm vững các quy định mới của các Bộ luật, các văn bản hướng dẫn thi hành để làm tốt nhiệm vụ được giao.

                                                                      Phòng 9- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 5190

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5866048