Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Những điểm mới về vấn đề bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
7/1/2016 1:40:04 PMBộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016, là đạo luật thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện xử lý, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; không ngừng tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngày 29/6/2015 Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc lùi thời điểm có hiệu lực của các Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự , Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 cho đến khi Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu  lực, Tuy nhiên những nội dung có lợi cho người phạm tội ở cả hai Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vẫn áp dụng kể từ ngày 01/7/2016.

Để góp phần vào việc thực hiện Nghị quyết trên, Trong phạm vi của bài viết này, tôi xin đề cập đến một số điểm mới về vấn đề bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể:

1. Về đối tượng được bảo đảm quyền bào chữa:

Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ hoặc...”. Người bị buộc tội bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015). Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (Điều 57) thì đối tượng được bảo đảm quyền bào chữa nhiều hơn 01 đối tượng là người bị bắt. Quy định mới này đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về người bị bắt có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

2. Về người bào chữa (Điều 72):

Điều 72 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định người bào chữa có thể là: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 56) thì số lượng người bào chữa của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhiều hơn 01 người là trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được là người bào chữa. Khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định 11 người không được bào chữa. Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 56) thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định mới thêm 05 người không được bào chữa gồm: Người dịch thuật, người định giá tài sản, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đã bị kết án chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Về quyền của người bào chữa (Điều 73):

Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có một số quy định mới về quyền của người bào chữa, cụ thể:

+ Một là, quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, khi người bị bắt bị người tiến hành tố tụng lấy lời khai thì người bào chữa cho người bị bắt có quyền có mặt để nghe việc lấy lời khai. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 58) không cho người bào chữa có mặt khi người tiến hành tố tụng lấy lời khai của người bị bắt.

+ Hai là, quyền sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Quyền này không cần sự đồng ý của người tiến hành tố tụng.

+ Ba là, quyền được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này. So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 58) thì người bào chữa phải đề nghị với cơ quan tiến hành tố tụng báo trước về mặt thời gian, địa điểm.

+ Bốn là, quyền đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

+ Năm là, quyền thu thập chứng cứ, kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đây là một quy định mới về quyền của người bào chữa. Như vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định 04 chủ thể được quyền thu thập chứng cứ là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và người bào chữa (Điều 88). So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 65), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiều hơn 01 chủ thể được thu thập chứng cứ là người bào chữa.

4. Về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng (Điều 74):

Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ”. Đây là một quy định mới, quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng của Bộ luật Tống tụng hình sự năm 2003 (Điều 58 quy định: Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có Quyết định tạm giữ). Quy định mới này đã cụ thể hóa quy định của Điều 31 Hiến pháp năm 2013 về việc người bị bắt có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

5. Về lựa chọn người bào chữa (Điều 75):

Khoản 1 Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn”. Như vậy, khoản này quy định 03 đối tượng được quyền lựa chọn người bào chữa là: người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), người đại diện, người thân thích. So với Bộ luật Tố tụng hình sư năm 2003 (Điều 57) thì nhiều hơn 02 đối tượng là người bị bắt và người thân thích của họ.

Khoản 2 quy định mới về trách nhiệm của cơ quan đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn yêu cầu người bào chữa cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họNếu yêu cầu bào chữa của người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giam phải có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu bào chữa cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Khoản 3 quy định mới về trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát hoặc Tòa án đang có trách nhiệm giải quyết phải thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam biết về việc người đại diện hoặc người thân thích của họ nhờ người bào chữa để có ý kiến đồng ý hay không đồng về việc nhờ người bào chữa.

6. Về cấp đăng ký bào chữa (Điều 78):

Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định mới về thủ tục đăng ký bào chữa: “Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa…. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa... Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng...”

Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 56) thì thủ tục đăng ký bào chữa được rút ngắn bằng 1/3 về mặt thời gian, thay vì trong thời hạn 03 ngày chỉ còn trong thời hạn 24 giờ; chỉ phải đăng ký 01 lần thay bằng 03 lần, do 01 cơ quan tiến hành tố tụng cấp thay bằng 03 cơ quan tiến hành tố tụng cấp so với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

7. Về trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa (Điều 76):

Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định phạm vi bắt buộc phải có người bào chữa là: “Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình”. Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 57) thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi bắt buộc phải có người bào chữa (mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân) để đảm bảo quyền con người ngày càng được tôn trọng bảo đảm, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội./.

Lại Văn Thịnh - Phòng 2 VKSND tỉnh Thái Bình.

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 4268

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5873892