Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Những điểm mới về vấn đề thu, giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
11/4/2016 7:04:46 AMTrong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, các phương tiện điện tử viễn thông được sử dụng rất phổ biến, đã rút ngắn khoảng cách giữa con người với con người, nhưng nó lại là một trong những phương tiện hữu dụng để các loại tội phạm sử dụng, thực hiện hành vi phạm tội. Đứng trước hiện trạng đó, các nhà làm luật đã liệu trước được tình hình nên đã đưa biện pháp thu giữ thư tín, điện tín của các cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông luật hóa thành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Biện pháp thu giữ, quản lý thư tín, điện tín là một trong những biện pháp nghiệp vụ điều tra có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập, củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm, được quy định trong BLTTHS 2003 và được hoàn thiện trong BLTTHS 2015.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập đến một số điểm mới về vấn đề thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông trong BLTTHS năm 2015. Cụ thể:

1. Căn cứ thu giữ thư tín, điện tín:

Thư tín, điện tín là tài liệu cá nhân gắn liền với quyền nhân thân của con người nên được pháp luật quy định rất chặt chẽ.

Điều 144 BLTTHS 2003 quy định chỉ được thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện khi thấy cần thiết. Quy định này là chưa đầy đủ và thiếu tính thực tiễn bởi với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, các phương tiện điện tử, viễn thông được áp dụng nhiều và phổ biến qua các tổ chức viễn thông như Vinaphone, Mobilephone, Viettel hay qua mạng internet... Vì vậy, BLTTHS 2015 đã hoàn thiện các vướng mắc trên. Điều 197 BLTTHS 2015 quy định: việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm được thực hiện tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông. Như vậy, việc thu giữ thư tín, điện tín không chỉ được thực hiện tại bưu điện mà còn được thực hiện tại các cơ quan, tổ chức viễn thông khác, đã góp phần quan trọng trong thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm.

2. Thẩm quyền ra lệnh thu giữ thư tín, điện tín:

Tại Điều 197 BLTTHS 2015 quy định: “1. Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành...”.

Như vậy, Điều 197 BLTTHS quy định việc thu giữ thư tín, điện tín do Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ và Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Tuy nhiên, Điều luật không quy định cụ thể người có thẩm quyền ra lệnh thu giữ thư tín, điện tín mà chỉ quy định người có thẩm quyền ra lệnh khám xét (Điều 141 BLTTHS 2003 và Điều 193 BLTTHS 2015). Tuy nhiên, Cơ quan điều tra là chủ thể thực hiện việc thu giữ thư tín, điện tín nên thẩm quyền ra lệnh thu giữ thư tín, điện tín sẽ được hiểu là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết vụ án. Cách hiểu này cũng phù hợp với quy định về thẩm quyền của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được quy định tại Điều 36 BLTTHS 2015.

3. Quy trình thực hiện thu giữ thư tín, điện tín:

Về cơ bản quy trình thu giữ thư tín, điện tín theo quy định của BLTTHS 2015 (Điều 197) giữ nguyên các quy định của BLTTHS 2003 (Điều 144) nhưng có sự cụ thể hơn, rõ ràng hơn BLTTHS 2003. Cụ thể:

Thứ nhất, khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn.

Như vậy, nếu như trước đây BLTTHS 2003 chỉ quy định trong trường hợp khẩn cấp phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu phẩm thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết mà không phải kèm theo các tài liệu đề nghị phê chuẩn thì BLTTHS 2015 đã quy định dù trong trường hợp khẩn cấp phải thu giữ thư tín, điện tín thì sau khi thu giữ xong Cơ quan điều tra vẫn phải thông báo ngay đến Viện kiểm sát kèm theo tài liệu đề nghị phê chuẩn.

Thứ hai, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.

Với quy định như vậy, BLTTHS 2015 đã hạn chế những rủi ro Cơ quan điều tra thu giữ khẩn cấp sai hoặc lạm quyền trong việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, đồng thời tăng tính thận trọng, trách nhiệm của Cơ quan điều tra khi thu giữ khẩn cấp thư tín, điện tín.

Thứ ba, thủ tục tiến hành thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm (khoản 3 Điều 197 BLTTHS 2015) cơ bản được quy định như BLTTHS 2003 (khoản 3 Điều 144).

4. Trách nhiệm bảo quản thư tín, điện tín bị thu giữ:

Trách nhiệm bảo quản thư tín, điện tín bị thu giữ (Điều 199 BLTTHS 2015) về cơ bản kế thừa quy định của BLTTHS 2003 (Điều 147). Theo đó, phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn. Người nào phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự./.

Lại Văn Thịnh - Phòng 2 VKSND tỉnh Thái Bình.

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1152

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5807951