Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Việc áp dụng hoặc hủy bỏ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
11/9/2016 9:13:15 AMBộ luật tố tụng hình sự 2015 có nhiều điểm được sửa đổi cũng như bổ sung nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt có một chế định mới, lần đầu được quy định đó là các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt cũng cần được giữ trong một khung pháp lý để tránh việc lạm quyền, sử dụng một cách bừa bãi các biện pháp điều tra, xâm phạm tới quyền cơ bản của con người, quyền công dân, nghiêm trọng hơn là vi hiến, vì vậy các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đã được Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định một cách cụ thể, chi tiết:

Thứ nhất:  Về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Căn cứ quy định tại Điều 223 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

“Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

1. Ghi âm, ghi hình bí mật;

2. Nghe điện thoại bí mật;

3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.”

Vậy, sẽ có 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là: ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Những biện pháp này đều được tiến hành điều tra một cách bí mật, vừa để đảm bảo bí mật trong quá trình điều tra, vừa giúp quá trình thu thập chứng cứ diễn ra một cách khách quan, đối phó với những tội phạm có tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi.

Thứ hai: Những trường hợp được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Căn cứ quy định tại Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp:

1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;

2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Những biện pháp điều tra đặc biệt này thực tế là co thể xâm phạm đến quyền đời tư của người khác, vì thế phạm vi áp dụng đã được thu hẹp để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra. Các loại tội phạm có thể áp dụng những biện pháp điều tra này là: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, rửa tiền, tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ ba: Thẩm quyền, trách nhiệm, quyết định và thi hành quyết định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Căn cứ quy định tại Điều 225 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.

2. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

3. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.

Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

4. Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.”

Điều 225 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ chỉ Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên mới được quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết. Trường hợp vụ án đang được thụ lý, điều tra ở cấp huyện, cấp khu vực thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, cấp khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.

Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định trong Bộ luật này.

Có thể thấy, về thẩm quyền xem xét áp dụng biện pháp này được quy định một cách rất chặt chẽ, ngoài sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu còn phải có sự phê chuẩn của của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Điều này để tránh những vi phạm có thể xảy ra trong thủ tục tố tụng, đồng thời kiểm soát một cách chặt chẽ cách thức cơ quan điều tra thực hiện những biện pháp điều tra đặc biệt này.

Thứ tư:  Về thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Căn cứ quy định tại Điêu 226 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“1. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này.

2. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.”

Thứ năm: Về sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Căn cứ quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“1. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời.

Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.

2. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn.”

Có thể thấy, những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra đặc biệt được quản lý rất chặt chẽ, những chứng cứ nếu có liên quan đến vụ án chỉ được sử dụng trong quá trình tố tụng, những chứng cứ không liên quan thì sẽ buộc phải tiêu hủy để tránh việc thông tin bị rò rỉ, phát tán ra bên ngoài, ảnh hưởng đến đời sống của cá nhân bị điều tra. Trước kia, cơ quan điều tra nếu thu thập được những chứng cứ bằng các biện pháp điều tra đặc biệt thì sẽ không được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án mà phải thông qua quá trình điều tra thông thường để thu thập những chứng cứ đó mới được sử dụng. Hiện nay cơ quan điều tra hoàn toàn có thể sử dụng những chứng cứ này mà không phải sử dụng biện pháp nào khác vì chứng cứ thu thập được đã được hợp pháp hóa.

Thứ sáu, về việc hủy bỏ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Căn cứ quy định tại Điều 228 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp:

1. Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền;

2. Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt;

3. Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.”

Như vậy, nếu có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan điều tra có thẩm quyền hay nếu có căn cứ cho rằng có vi phạm trong quá trình điều tra đặc biệt hoặc nhận thấy không cần thiết để tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì Viện trưởng Viện kiểm sát phải hủy bỏ quyết định việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Để phát huy hiệu quả của biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong hoạt động thực tiễn đòi hỏi mỗi Điều tra viên, Kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định nêu trên để tham mưu đề xuất vận dụng trong thực tiễn từng vụ án tránh việc lạm quyền, áp dụng không chính xác biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, không mang lại kết quả trong giải quyết vụ án. Khi có kết quả ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử thì các tài liệu này phải được Điều tra viên, Kiểm sát viên coi là tài liệu bí mật thuộc danh mục bí mật nhà nước, cá nhân làm lộ lọt thông tin tài liệu này có thể thì bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật nhà nước. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, kịp thời nắm chắc tiến độ điều tra; tham mưu cho Viện trưởng để hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi Cơ quan điều tra đề nghị hoặc khi xét thấy không cần thiết.

                                                                             Lê Bình Khánh- Phòng 1 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1196

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5807986