Những điểm mới cơ bản trong Bộ luật dân sự năm 2015
1/9/2017 4:13:41 PMBộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng của mỗi quốc gia, có tác động trong việc điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của xã hội, mỗi công dân, các gia đình, cơ quan, tổ chức. Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, gồm 6 phần, 27 chương và 689 Điều với nhiều chế định mới, tiến bộ, thể hiện một cách đầy đủ nhất với tính chất là luật chung và định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự đặc thù, xử lý bất cập của luật hiện hành, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2017, trong đó có những điểm mới cơ bản sau:
- Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền dân sự, bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự. Theo đó, cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định tại Bộ luật này. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác; vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của mình theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; hạn chế cạnh tranh hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật.
- Điểm nhấn trọng tâm là sự thay đổi nhận thức trong tư duy lập pháp với việc mở rộng các loại nguồn theo thứ tự ưu tiên áp dụng Bộ luật dân sự; áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật. Đặc biệt, lần đầu tiên ghi nhận quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng”. Quy định cụ thể tập quán là gì và hướng dẫn áp dụng tập quán. Tách riêng việc áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật.
- Quy định mới: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết. Đây là một quy định mới mang tính chất đột phá, góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự.
- Quyền nhân thân của cá nhân đã được cụ thể hóa đầy đủ nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật, vấn đề xác định lại giới tính đã được ghi nhận. Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Khi ghi nhận quy định này, đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận công dân trong xã hội mà không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế chung.
- Điều đáng ghi nhận trong sửa đổi của Bộ luật dân sự năm 2015, đó là đưa ra quy định việc tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân vào quan hệ dân sự là thông qua cá nhân đại diện. Điểm mới này đã giải quyết được những vướng mắc, bất cập kéo dài trong nhiều năm qua liên quan đến việc tham gia các quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án và cơ quan nhà nước khác.
- Bổ sung quy định về tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng và đầy đủ hơn về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác và quy định thêm thời điểm xác lập quyền sở hữu khác đối với tài sản, quy định trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản.
- Bộ luật dân sự năm 2015 đã được ban hành theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự., quyền lợi của người thứ ba ngay tình còn được bảo vệ trong trường hợp “giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao hoặc được dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu” .
- Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Trường hợp quyết định cá biệt bị hủy thì quyền dân sự bị xâm phạm được khôi phục và có thể được bảo vệ bằng các phương thức bảo vệ quyền dân sự khác.
- Bổ sung trường hợp loại trừ năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bỏ khái niệm không có năng lực hành vi dân sự. Kết luận giám định mất năng lực hành vi dân sự phải là kết luận giám định pháp y tâm thần và bổ sung người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và quy định quyền nhân thân với các đối tượng khiếm khuyết năng lực hành vi dân sự.
- Làm rõ quy định về quyền có họ, tên, quyền thay đổi họ và quyền thay đổi tên, quyền xác định, xác định lại dân tộc. Cụ thể trường hợp khai sinh, khai tử cho trẻ chết sau khi sinh. Bổ sung quy định quyền đối với quốc tịch. Cụ thể các trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần có sự đồng ý của người đó. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
- Quy định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán trong thừa kế như sau: Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động; tiền bồi thường thiệt hại; thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; tiền phạt và các chi phí khác.
Trên đây là những điểm mới cơ bản của Bộ luật dân sự năm 2015. Để góp phần thực hiện nghiêm túc Bộ luật dân sự năm 2015, đồng thời đảm bảo được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong các giao dịch dân sự đang diễn ra hàng ngày, nhân dân cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Nguyễn Thị Lan -VKSND thành phố Thái Bình