Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Chuyên mục Cải cách tư pháp: 16 án lệ hiện hành được áp dụng tại Việt Nam
1/16/2018 2:11:57 PMCác đạo luật được ban hành luôn có vị trí tối cao trong hệ thống pháp luật nhưng có đặc tính cố hữu là không thể dự đoán hết những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai, đối với những vụ việc cụ thể xảy ra trong thực tiễn phải giải quyết tại Tòa án chưa có chế tài xử lý rõ ràng cần phải có cơ chế sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng pháp luật và phương thức tốt nhất để khắc phục là áp dụng án lệ. Khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 ghi rõ: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thì Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Án lệ được Thẩm phán, Hội thẩm sử dụng trong những vụ án, vụ việc có tình tiết và sự kiện pháp lý tương tự để thống nhất giải quyết vụ án đúng pháp luật. Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ hoặc do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét hủy bỏ.

Án lệ được công bố đúng theo quy định của pháp luật là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng góp phần hoàn thiện pháp luật; thực hiện nguyên tắc thống nhất trong áp dụng pháp luật và bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật; nâng cao năng lực xét xử và tính độc lập của Thẩm phán; phát huy vai trò thực sự của Tòa án trong giải thích pháp luật; bảo đảm khả năng dự đoán của người dân và sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay án lệ ra đời như là khuôn mẫu để các cơ quan tố tụng trong cả nước áp dụng thống nhất.

Trên cơ sở các quy định của luật và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 công bố 06 án lệ đầu tiên (từ án lệ số 01 đến án lệ số 06) có hiệu lực từ ngày 01/6/2016; Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 công bố thêm 04 án lệ (từ án lệ số 07 đến án lệ số 10) có hiệu lực từ ngày 01/12/2016 và mới đây là Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28/12/2017công bố 6 án lệ nữa (từ án lệ số 11 đến án lệ số 16) có hiệu lực từ ngày 15/02/2018 để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử, đó là:

1. Án lệ số 01/2016/AL về vụ án giết người;

2. Án lệ số 02/2016/AL về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản;

3. Án lệ số 03/2016/AL về vụ án ly hôn;

4. Án lệ số 04/2016/AL về vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

5. Án lệ số 05/2016/AL về vụ án tranh chấp di sản thừa kế;

6. Án lệ số 06/2016/AL về vụ án tranh chấp thừa kế;

7. Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà trước ngày 01/7/1991;

8. Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm;

9. Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại;

10. Án lệ số 10/2016/AL về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính;

11. Án lệ số 11/2017/AL về công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản không thuộc Sở hữu của bên thế chấp;

12. Án lệ số 12/2017/AL về xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa;

13. Án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ;

14. Án lệ số 14/2017/AL về công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng;

15. Án lệ số 15/2017/AL về công nhận thỏa thuận miệng của các đương sự trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp;

16. Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng.

Để đáp ứng nhiệm vụ công tác trong tình hình mới, đối với Kiểm sát viên giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự cũng như kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật cần nghiên cứu kỹ các án lệ, vận dụng linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ.

Việc áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết vụ việc là một bước tiến mới trong quá trình cải cách tư pháp của Nhà nước ta, vì án lệ mang tính thực tiễn cao, có khả năng khắc phục những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời.

 

Lê Thị Như Hoa - Phòng Tổ chức cán bộ

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 30

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5886144