Tin nghiệp vụ
Kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1/17/2018 2:57:43 PMKể từ thời điểm 01/01/2014 Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được chuyển giao cho Tòa án. Đây là bước chuyển từ thủ tục hành chính (trước đây thuộc thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh) sang thủ tục tư pháp. Ngày 20/01/2014 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13. Pháp lệnh có hiệu lực quy định Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án đã thụ lý việc và phải tham gia 100% các phiên họp về việc áp dụng biện pháp hành chính tại tòa. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Hướng dẫn số 17/HD-VKSTC-V12 ngày 06/02/2015 về công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc nghiên cứu hồ sơ do còn nhiều khó khăn vướng mắc nên việc nhận thức của Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn chưa thống nhất. Vì vậy vẫn còn để diễn ra những vi phạm khi nghiên cứu hồ sơ áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt và từng bước chuẩn hóa các hoạt động nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Kiểm sát viên (KSV) kiểm sát việc áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa án nhân dân. Tạo sự thống nhất trong nhận thức cũng như thao tác nghiệp vụ của KSV khi kiểm sát, chúng tôi thấy Kiểm sát viên cần thực hiện các kỹ năng sau:

Thứ nhất: Giai đoạn Tòa án thụ lý vụ việc:

 Kiểm sát viên lập hồ sơ kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa án nhân dân ngay sau khi nhận Thông báo thụ lý việc. Trên cơ sở đó tiến hành các hoạt động kiểm sát.

- Kiểm sát thông báo về việc thụ lý: Kiểm sát về thời hạn Tòa án thụ lý: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của Cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, Tòa án phải vào sổ giao nhận và phải thụ lý, phân công Thẩm phán giải quyết (Điều 8 Pháp lệnh 09).           Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý, Tòa án phải thông báo việc thụ lý cho Viện kiểm sát, Cơ quan đề nghị, người bị đề nghị (trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên thì việc giao thông báo thụ lý việc phải được giao cho người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ).

- Kiểm sát nội dung thông báo thụ lý:Thông báo thụ lý phải có các nội dung: Ngày tháng năm làm văn bản thông báo; Tên Tòa án đã thụ lý hồ sơ; Số ngày tháng năm thụ lý hồ sơ; Tên Cơ quan đề nghị; Họ và tên, địa chỉ của người bị đề nghị; Biện pháp xử lý hành chính được đề nghị áp dụng (khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh).       Thông báo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải đúng mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24/12/2015.

- Sau khi kiểm sát thông báo thụ lý, Kiểm sát viên được phân công vào sổ thụ lý để theo dõi. Đồng thời, tham mưu cho Lãnh đạo viện phân công Kiểm sát viên thực hiện việc tham gia phiên họp. Thông báo về việc phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo mẫu số 01 Pháp lệnh số 09.

Thứ hai: Kiểm sát quyết định mở phiên họp:

Sau khi Viện kiểm sát nhận được quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân thì Kiểm sát viên cần kiểm sát các nội dung sau:

- Kiểm sát thời hạn ra quyết định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán được phân công trong việc xử lý hồ sơ, Thẩm phán phải quyết định về một trong các nội dung sau (khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh số 09): Yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ; Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; Mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.

- Kiểm sát hình thức của quyết định: Hình thức các quyết định trên phải theo đúng mẫu số 03 của Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

- Kiểm sát nội dung quyết định mở phiên họp: Thời hạn mở phiên họp ( 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định); Thời hạn gửi quyết định cho Viện kiểm sát (chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp); Nội dung quyết định phải có: Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú của người bị đề nghị; Tên cơ quan đề nghị, biện pháp xử lý hành chính được đề nghị áp dụng; Ngày tháng năm địa điểm mở phiên họp; Họ tên Thẩm phán, Thư ký, những người khác được yêu cầu tham gia phiên họp.

- Kiểm sát việc tống đạt quyết định mở phiên họp cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (trình tự thủ tục thực hiện theo Điều 1 Nghị quyết số 04).

Thứ ba: Giai đoạn nghiên cứu hồ sơ:

Do Pháp lệnh 09 không quy định về việc Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để nghiên cứu mà chỉ quy định Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án đã thụ lý vụ việc sau khi nhận được Thông báo thụ lý của Tòa án. Để chủ động trong việc nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên được phân công phải bố trí thời gian phù hợp để nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án trong giai đoạn Tòa án ra quyết định mở phiên họp và gửi cho Viện kiểm sát (đối với những việc Tòa án mở phiên họp).

Đối với những trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án thì Kiểm sát viên có thể bố trí thời gian nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn sau khi nhận thông báo thụ lý.

Khi nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên họp Kiểm sát viên cần lưu ý:

- Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm qui định tại khoản 1 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính cho đến ngày Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (điểm d khoản 2 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 04).

- Thẩm quyền, trình tự thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính của người đề nghị: Lưu ý việc thu thập và lập hồ sơ của Chủ tịch UBND cấp xã.

- Tài liệu trong hồ sơ đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền gồm: Bản tóm tắt lý lịch và tài liệu chứng minh về tuổi của người vi phạm; Phiếu trả lời kết quả đối tượng là người nghiện ma túy của Cơ quan có thẩm quyền; Tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy (Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy, Giấy xác nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy của Chủ tịch UBND cấp xã). Trường hợp người đó đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy mà thời hạn bị áp dụng  đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn xử lý ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế. Trường hợp người nghiện ma túy đang tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này được tiến hành đồng thời với việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép sau khi đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đã chấp hành ít nhất ½ thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy; Bản tường trình của người vi phạm; Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa trong thời gian làm thủ tục; Văn bản giao thông báo của Cơ quan lập hồ sơ đề nghị cho người nghiện ma túy; Văn bản kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị của Cơ quan lập hồ sơ đề nghị; Văn bản của Trưởng phòng Lao động thương binh xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ tư: Kiểm sát viên tham gia phiên họp: Khi tham gia phiên họp, Kiểm sát  viên kiểm sát thành phần phiên họp: Người tiến hành phiên họp và người tham gia phiên họp có đúng với Quyết định mở phiên họp không? Kiểm sát người tiến hành phiên họp có thuộc trường hợp phải từ chối, thay đổi theo Điều 10 Pháp lệnh số 09 (là người thân thích của người đề nghị; đã tiến hành xem xét quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong cùng vụ việc đó; đã tiến hành giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong cùng vụ việc đó; có căn cứ rõ ràng cho rằng họ không vô tư trong khi làm nhiệm vụ).

Người tham gia phiên họp phải có mặt tại phiên họp, trường hợp người đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên, người bị đề nghị vắng mặt có lý do chính đáng vắng mặt thì phải hoãn phiên họp. Thời hạn hoãn phiên họp không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo hoãn. Tòa án phải thông báo cho những người tham gia phiên họp về việc hoãn và lý do hoãn, thời gian mở lại phiên họp. Những người vắng mặt tại phiên họp thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản.

Kiểm sát về trình tự thủ tục tiến hành phiên họp:

- Trước khi khai mạc phiên họp, thư ký phiên họp phải phổ biến nội quy phiên họp, kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án yêu cầu có mặt tại phiên họp.

- Trình tự, thủ tục tại phiên họp được tiến hành theo các bước: Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp; Đại diện cơ quan đề nghị trình bày nội dung đề nghị; người bị đề nghị trình bày ý kiến; đại diện cơ quan đề nghị và người bị đề nghị tranh luận về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

- Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục và về nội dung áp dụng hay không áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Bản phát biểu thực hiện theo mẫu số 03 Pháp lệnh số 09.

- Thẩm phán Chủ tọa phiên họp công bố quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

- Kiểm tra biên bản phiên họp: Sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên thực hiện việc kiểm tra biên bản phiên họp xem nội dung biên bản phiên họp có đúng với nội dung, diễn biến phiên họp, quyết định của Thẩm phán.

Sau phiên họp, Kiểm sát viên phải báo cáo kết quả phiên họp cho Lãnh đạo Viện phụ trách. Mẫu báo cáo theo mẫu số 07 Pháp lệnh số 09.

Thứ năm: Kiểm sát các quyết định:

- Đối với văn bản yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ của Tòa án:

Kiểm sát thời hạn ra quyết định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán được phân công trong việc xử lý hồ sơ, Thẩm phán phải quyết định về một trong các nội dung sau (khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh số 09): Yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ; Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án;  Mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.

Kiểm sát hình thức: Hình thức các quyết định trên phải theo đúng mẫu số 02 của Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Kiểm sát nội dung quyết định: Đối với yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ, Kiểm sát viên cần tập xem xét những nội dung Tòa án yêu cầu và lý do của việc cần bổ sung (tài liệu chứng minh hành vi vi phạm của người bị đề nghị, tài liệu về nhân thân chưa rõ hoặc có mâu thuẫn; hoặc phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính). Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan được yêu cầu phải gửi tài liệu chứng cứ bổ sung cho Tòa án. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, nếu cơ quan được yêu cầu không bổ sung tài liệu chứng cứ thì Thẩm phán ra quyết định mở phiên họp (Điều 14 Pháp lệnh số 09).

- Đối với Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án:

Kiểm sát căn cứ đình chỉ theo khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh số 09: Hết thời hiện áp dụng; người bị đề nghị chết; Cơ quan đề nghị rút đề nghị; Người bị đề nghị đã có bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với hành vi bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Người bị đề nghị đang chấp hành hình phạt tù, đang chờ chấp hành hình phạt tù hoặc hình phạt tử hình theo bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Người bị đề nghị không thuộc đối tượng bị áp dụng của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp tại phiên họp, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

- Đối với Quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án:

Kiểm sát căn cứ đình chỉ theo khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh số 09: Hành vi của người bị đề nghị có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan có thẩm quyền để xem xét xử lý; có tình tiết mới về tình trạng sức khỏe của người bị đề nghị và cần phải yêu cầu cơ quan đề nghị tiến hành trưng cầu giám định, người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo.

Trường hợp tại phiên họp, Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

- Đối với quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

Hình thức quyết định: Thực hiện theo mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04.

Nội dung của quyết định: Phải thể hiện số, ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; họ tên Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên, đại diện cơ quan đề nghị, người bị đề nghị; biện pháp xử lý hành chính được đề nghị áp dụng; lý do, căn cứ ra quyết định, thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trách nhiệm của cá nhân cơ quan tổ chức thi hành quyết định; quyền khiếu nại đối với quyết định; nơi nhận quyết định.

Lưu ý: Quyết định áp dụng, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị (03 ngày làm việc). Do đó, sau phiên họp, Kiểm sát viên cần chú ý kiểm sát nội dung các quyết định, kịp thời phát hiện vi phạm để báo cáo Lãnh đạo Viện, đề xuất biện pháp xử lý.

     Nguyễn Thị Vân Anh - Phòng 9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình.

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 398

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5878729