Thông tin tuyên truyền
Một số giải pháp về công tác tổ chức cán bộ của ngành KSND tỉnh Thái Bình năm 2018
2/5/2018 7:42:15 AMThực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018; Hướng dẫn số 01/HD-VKSTC ngày 03/01/2018 của Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tổ chức cán bộ năm 2018; Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 06/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình về công tác kiểm sát năm 2018. Năm 2018, ngành Kiểm sát nhân dân Thái Bình xác định, công tác tổ chức cán bộ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và triển khai nhiều biện pháp để tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Trong đó, cần nhấn mạnh một số giải pháp về công tác cán bộ sau:

Thứ nhất, Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng đối với công tác cán bộ, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trên cơ sở phát huy vai trò người đứng đầu. Có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác cán bộ với công tác tư tưởng, công tác tổ chức với công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tỉnh ủy Thái Bình. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ.

Thứ hai, Phòng Tổ chức cán bộ tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự đảng thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo quản lý hai cấp giai đoạn 2016-2021 và 2021-2026; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp qua đánh giá không có khả năng phát triển hoặc sau khi quy hoạch nhưng không phát huy được. Đồng thời gắn công tác quy hoạch với luân chuyển, đào tạo cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch, Phòng Tổ chức cán bộ sẽ chủ động tham mưu cho Ban cán sự đảng xây dựng kế hoạch luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ trong nguồn quy hoạch. Đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn nhằm tạo nguồn lãnh đạo quản lý có chất lượng cho trước mắt cũng như lâu dài.

Thứ ba, Tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự đảng thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, Kiểm sát viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành (theo Quyết định số 20/QĐ-VKSTC-V9 ngày 02/6/2009 về việc ban hành danh mục các vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm phải thực hiện định kỳ chuyển đổi). Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi lĩnh vực công tác đối với cán bộ, Kiểm sát viên, tạo điều kiện cho cán bộ giỏi một lĩnh vực, biết nhiều lĩnh vực; đồng thời kết hợp chuyển đổi vị trí công tác với đào tạo cán bộ, Phòng Tổ chức cán bộ sẽ chủ động tham mưu Ban cán sự đảng tiến hành điều động Kiểm sát viên sơ cấp ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố và điều động cán bộ từ Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh công tác, nhằm khắc phục hạn chế sức ỳ cán bộ ở lâu tại 01 vị trí, một lĩnh vực, đơn vị công tác, tạo điều kiện cho cán bộ thay đổi môi trường công tác, được tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

        Thứ tư, Thủ trưởng các đơn vị phải xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tốt mới có đội ngũ cán bộ có chất lượng, có năng lực, đủ bản lĩnh để đảm nhiệm công tác được giao. Xác định được yếu tố quan trọng này, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong ngành Kiểm sát Thái Bình luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm đột phá và đã thực hiện có hiệu quả cao. Hiện tại, đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát Thái Bình cơ bản có trình độ chuyên môn đạt chuẩn so với yêu cầu vị trí công tác nhưng số lượng cán bộ trẻ nhiều, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện chức trách, nhiệm vụ cũng còn hạn chế. Để tạo sự chuyển biến đột phá về công tác cán bộ, cần kết hợp nhiều hình thức đào tạo đa dạng, phong phú như: Thủ trưởng các đơn vị cần bám sát kế hoạch đào tạo giai đoạn 2016-2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thực hiện đào tạo tại chỗ với hình thức “cầm tay chỉ việc”; chủ động cử Kiểm sát viên có kinh nghiệm để hướng dẫn cán bộ mới tuyển dụng, Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm; chủ động phối hợp với huyện ủy, thành ủy có kế hoạch chọn cử cán bộ đi đào tạo về lý luận chính trị. Để nâng cao hiệu quả, mở rộng diện, đối tượng được đào tạo, Phòng Tổ chức cán bộ tham mưu Ban cán sự đảng tổ chức tốt cuộc thi kiểm tra kỹ năng nghiệp vụ trong lĩnh vực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Thông qua đó sẽ tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát động gắn với thực hiện tốt phong trào thi đua do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát động “Trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc, gương mẫu, đúng mực trong cuộc sống”.

Năm là, Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, chỉ có đánh giá đúng, thực chất cán bộ mới bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý nhằm phát huy năng lực của cán bộ. Đánh giá cán bộ là yếu tố thường xuyên trong quá trình quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ. Phải lấy hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, làm thước đo chủ yếu đánh giá cán bộ. Thực hiện mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá. Đối với lãnh đạo quản lý phải xem xét kết quả chỉ tiêu công tác của đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách để đánh giá, nhất là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện việc đánh giá đúng năng lực, sở trường của từng cán bộ một cách công tâm, công bằng giúp cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ phát huy được sở trường của mình từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác cán bộ năm 2018 và được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành Kiểm sát nhân dân. Thiết nghĩ những giải pháp này được thực hiện tốt phải có sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Ban cán sự đảng, tính chủ động tham mưu có hiệu quả của Phòng Tổ chức cán bộ, nhất là sự quan tâm của Thủ trưởng các đơn vị trong ngành, đặc biệt là sự nỗ lực phấn dấu, học hỏi, tự rèn luyện của mỗi cán bộ Kiểm sát viên mới là nhân tố quyết định mang lại kết quả thiết thực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong gian đoạn hiện nay.

Phạm Thị Thùy - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ

                                                                                                                         

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 582

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5862635