Quý II năm 2018, Phòng 7 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tăng cường thông báo rút kinh nghiệm
4/11/2018 4:13:55 PMThực hiện Chỉ thị số 03/CT – CT - VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Phòng 7 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã tăng cường nghiên cứu bản án sơ thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, hồ sơ hình sự phúc thẩm, phát hiện các thiếu sót để kịp thời thông báo rút kinh nghiệm theo đúng tinh thần của Chỉ thị.
Kết quả trong quý 2 năm 2018, Phòng 7 đã ban hành 2 Thông báo rút kinh nghiệm một số vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Cụ thể:
- Vi phạm việc đánh số bút lục, sắp xếp tài liệu trong một số vụ án
Theo quy định tại mục 20.2 Thông tư liên tịch số 05/2005/ TTLT-VKSTC- BCA-BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về việc đánh số bút lục hồ sơ vụ án được thực hiện như sau: “ Trong quá trình khởi tố, điều tra, tài liệu của Cơ quan điều tra hoặc do Viện kiểm sát thu thập đều phải đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng khởi tố, điều tra vụ án. Sau khi kết thúc điều tra, các tài liệu trong hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra thống nhất đánh số thứ tự (bút lục) một lần (không được tẩy xoá đánh đi đánh lại nhiều lần) và lập bảng thống kê đầy đủ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án từ 01 cho đến hết”
Tuy nhiên trong một số vụ án, các biên bản lấy lời khai hoặc hỏi cung bị can được Kiểm sát viên lấy trong giai đoạn điều tra không được sắp xếp và đóng dấu bút lục theo giai đoạn điều tra mà đưa vào tài liệu của giai đoạn truy tố là không đúng quy định của Thông tư 05 và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Trong vụ án Cố ý gây thương tích do các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Kiến Xương giải quyết, quá trình điều tra Cơ quan điều tra Công an huyện Kiến Xương đã thu thập Bản ảnh hiện trường, Bản ảnh tử thi, Bản ảnh dấu vết trên quần áo và Bản ảnh phương tiện do Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Bình lập. Đây là chứng cứ, được đưa vào hồ sơ vụ án; các tài liệu này đã được đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra và được chuyển theo hồ sơ vụ án giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân ở huyện Kiến Xương nhưng lại không đánh số thứ tự và không được đưa vào bảng thống kê tài liệu có trong hồ sơ và Biên bản bàn giao hồ sơ. Đây là vụ án có kháng cáo nhưng các bản ảnh này cũng không được chuyển theo hồ sơ vụ án đến cấp phúc thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.
- Chưa làm rõ mâu thuẫn giữa biên bản khám nghiệm tử thi, bản kết luận giám định tử thi:
Cũng trong vụ án gây thương tích nói trên, tại biên bản khám nghiệm tử thi bị hại mô tả về vết thương đỉnh thái dương phải như sau: “Đỉnh thái dương phải có đường rạn xương sọ dài 2cm...”. Nhưng Bản kết luận giám định pháp y tử thi kết luận bị hại bị: “Đa chấn thương vùng đầu, mặt do vật tầy tác động, làm vỡ xương sọ vùng đỉnh thái dương phải, máu tụ dưới màng cứng vùng thái dương trái”. Như vậy cùng một vết thương ở đỉnh thái dương phải nhưng được mô tả khác nhau giữa biên bản khám nghiệm tử thi và Kết luận giám định là mâu thuẫn chưa được các Cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Kiến Xương làm rõ.
- Vi phạm trong việc kiểm sát việc trưng cầu giám định lại và sử dụng kết quả giám định làm căn cứ giải quyết vụ án
Trong vụ án Cố ý gây thương tích do các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Vũ Thư giải quyết, kết luận giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Thái Bình kết luận bị hại bị tổn hại sức khỏe do thương tích gây lên là 31%. Sau khi được thông báo kết quả giám định, bị hại đã làm đơn xin giám định lại vì cho rằng tỉ lệ thương tích là quá cao so với vết thương. Dựa trên cơ sở đề nghị này, Cơ quan điều tra đã cho bị hại đi giám định lại tại Viện khoa học hình sự - Bộ Công an và được kết luận tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 29% và Cơ quan điều tra đã sử dụng kết quả giám định lại làm căn cứ giải quyết vụ án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Trong vụ án này, bị hại không đưa ra căn cứ để nghi ngờ kết luận giám định mà chỉ từ ý chí chủ quan cho rằng tỉ lệ thương tích quá cao so với vết thương nhưng Cơ quan điều tra vẫn cho đi giám định lại. Lẽ ra trong trưởng hợp này, Cơ quan điều tra phải làm Công văn yêu cầu Cơ quan giám định pháp y của Thái Bình giải thích kết luận giám định pháp y về cách tính tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại, nếu thấy có sự nghi ngờ về kết quả mới trưng cầu giám định lại. Nhưng Cơ quan điều tra Công an huyện Vũ Thư chỉ dựa vào đơn yêu cầu của bị hại ra quyết định trưng cầu giám định lại và các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Vũ Thư sử dụng kết quả giám định đó để giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật.
- Vi phạm trong việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự
Trong vụ án Cố ý gây thương tích do Thành phố giải quyết, bị cáo là con dâu đã dùng mũ bảo hiểm là hung khí nguy hiểm gây thương tích 21% cho mẹ chồng, phạm tội thuộc khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự với các tình tiết tăng nặng định khung thuộc trường hợp điểm a “dùng hung khí nguy hiểm” và điểm đ khoản 1 Điều 104 “ đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”. Lẽ ra cấp sơ thẩm phải truy tố, xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 104 ( thuộc trường hợp điểm a, đ khoản 1 Bộ luật hình sự năm 1999) mới đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chỉ áp dụng một tình tiết tăng nặng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 là thiếu sót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trong vụ án đánh bạc của Tiền Hải, ngày 06/06/2017 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Tiền Hải bị xử phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 1 năm về tội Đánh bạc tính từ ngày tuyên án 06/6/2017. Đến ngày 29/6/2017 bị cáo lại phạm tội đánh bạc, bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử trong Bản án này. Như vậy, tính đến ngày 29/6/2017, Bản án ngày 06/06/2017 chưa có hiệu lực pháp luật nên bị cáo không bị coi là có tiền án và không bị xác định là “ tái phạm”. Tuy nhiên cấp sơ thẩm đã xác định bị cáo có tiền án và áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự là chưa chính xác.
Những vi phạm, tồn tại nêu trên tuy chưa phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, nhưng là vi phạm thủ tục tố tụng liên quan đến thu thập, đánh giá chứng cứ và những tình tiết khác của vụ án, và có thể là lý do để Luật sư và những người tham gia tố tụng đưa ra yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc yêu cầu hủy án ở cấp phúc thẩm... Do đó, Kiểm sát viên kiểm sát điều tra cần tăng cường trách nhiệm trong quá trình kiểm sát điều tra, nghiên cứu kỹ các tài liệu trong hồ sơ vụ án, căn cứ pháp luật để kịp thời phát hiện vi phạm, yêu cầu Điều tra viên thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Với việc thường xuyên tổng hợp vi phạm của Viện kiểm sát cấp huyện, tăng cường thông báo rút kinh nghiệm, Phòng 7 đã góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 03 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao nói riêng và thực hiện nghiêm túc quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp mới ban hành, chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra, nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra các vụ án hình sự nói chung
Bùi Thị Thảo - Phòng 7