Đình chỉ không đúng, phải tiếp tục giải quyết vụ án.
4/13/2018 4:08:40 PMVừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án bị cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ để giải quyết lại vụ án do xác định sai quan hệ tranh chấp dẫn đến việc đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật.
Nội dung vụ án: Chị Trần N có vay tiền của anh Đàm Văn A nhưng đến hạn không trả nên anh Đàm Văn A khởi kiện ra Tòa án. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên chị N phải có trách nhiệm trả cho anh A toàn bộ số tiền gốc và lãi là 1.507.077.000 đồng. Ngày 15/3/2016, Chi cục Thi hành án dân sự huyện T có Quyết định thi hành bản án nêu trên nhưng chị N không tự nguyện thi hành án. Ngày 10/5/2016, Chi cục Thi hành án dân sự huyện T có Quyết định cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có diện tích đất 230m2 và một nhà mái bằng 02 tầng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chị Trần N. Quá trình thực hiện việc cưỡng chế thi hành án, ông Trần H và bà Phạm Thị G có đơn kiến nghị Chi cục Thi hành án dân sự với nội dung: tài sản mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện T cưỡng chế là tài sản của ông bà, không phải là tài sản của chị N. Chi cục Thi hành án dân sự huyện T trả lời ông Hùng và bà Giá tại Thông báo số 619/TB-CCTHADS ngày 15/8/2016 để ông Hùng và bà Giá thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy.
Ngày 18/11/2016 ông H, bà G có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án huyện T buộc chị Trần N phải trả lại ông thửa đất nêu trên. Ngày 08/12/2016, Tòa án nhân dân huyện T thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm về tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông H và bà G với bị đơn là chị Trần N.
Ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân huyện T ban hành Quyết định đình chỉ vụ án với lý do: Người khởi kiện chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật do Luật đất đai năm 2013 quy định “ Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đại tại địa phương mình, trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thanh viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác”. Thành phần hòa giải tranh chấp đất đại giữa ông H và bà G tại UBND xã TP ngày 10/11/2016 không có mặt đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc xã Thụy Phong.
Sau khi nhận được quyết định đình chỉ, ngày 12/10/2017 VKSND tỉnh Thái bình kháng nghị quyết định đình chỉ trên. Ngày 28/12/2017, Hội đồng phiên họp phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên hủy quyết định sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện T tiếp tục giải quyết vụ án do có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Bởi lẽ, Quyết định đình chỉ giải quyết số 07/2017/QĐST-DS ngày 21/9/2017 của Tòa án huyện T đã xác định sai quan hệ pháp luật: Theo quy định tại Điều 75 Luật Thi hành án dân sự và Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự thì đây là tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nhưng Tòa án nhân dân huyện T lại xác định đây là tranh chấp kiện đòi tài sản (quyền sử dụng đất) là xác định sai quan hệ pháp luật.
Do xác định sai quan hệ pháp luật dẫn đến Tòa án nhân dân huyện T căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự và xác định đây là loại việc bắt buộc phải hòa giải theo quy định tại khoản 3 Điều 202 Luật đất đai năm 2013 nên chưa đủ điều kiện khởi kiện là không đúng quy định của pháp luât. Vì nội dung tranh chấp Tòa án huyện thụ lý giải quyết là tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưõng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (Điều 75 Luật thi hành án dân sự, Khoản 12 Điều 26 Bộ luật TTDS), không phải tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, mà là tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất, nên thủ tục hòa giải tại UBND xã nơi có đất tranh chấp không phải là thủ tục bắt buộc và không phải là điều kiện khởi kiện vụ án (Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/ NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Đồng thời, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện tranh chấp này chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy lại căn cứ vào điểm c khoản 1, Điều 192 để đình chỉ là không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Mặt khác, Quyết định đình chỉ nêu: “ông Trần H đã được Chi cục Thi hành án dân sự huyện T giao Thông báo về việc giải quyết kiến nghị của ông H, bà G vào ngày 16/8/2016, có thông báo ông H, bà G có quyền khởi kiện việc tranh chấp với chị N ra Tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trên. Ông H, bà G đã không khởi kiện ra Tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 16/8/2016 mà đến ngày 16/11/2016 mới khởi kiện ra Tòa án”. Như vậy, Tòa án viện dẫn lý do hết thời hạn khởi kiện theo Luật thi hành án là không đúng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Bên cạnh đó, đây là tranh chấp có liên quan đến quyết định cá biệt (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì phải được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Lẽ ra, Tòa án phải đưa Ủy ban nhân dân huyện T tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xác định thẩm quyền của Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Nhưng Tòa án nhân dân huyện T không đưa Ủy ban nhân dân huyện T vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự.
Như vậy, Tòa án nhân dân huyện T đã xác định sai quan hệ pháp luật dẫn đến áp dụng sai căn cứ pháp luật, đưa thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng nên quyết định đình chỉ đã bị Hội đồng phiên họp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ , chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện T tiếp tục giải quyết vụ án. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thông báo đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp Kiểm sát học tập, rút kinh nghiệm chung.
Nguyễn Hằng- phòng 9