Điểm mới cần chú ý khi áp dụng chế định thời hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015
4/18/2018 3:20:51 PMBộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Và hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 đã được tổ chức, thi hành trong thực tiễn.
Vấn đề đặt ra cho những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và người tư vấn pháp lý là cần phải nắm bắt đầy đủ những nội dung mới của Bộ luật để áp dụng vào thực tiễn một cách chính xác và kịp thời.
Một trong những điểm mới rất quan trọng của Bộ luật Dân sự 2015 là chế định về thời hiệu, được thể hiện như sau:
Đối với thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại: Điều 607 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”; còn Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại”.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự 2015 có sự thay đổi là quy định thời hiệu khởi kiện là 03 năm chứ không phải là 02 năm như Bộ luật Dân sự 2005. Hơn nữa, thời điểm tính thời hiệu được tính kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại chứ không phải kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm như quy định trước đó.
Đối với thời hiệu về thừa kế: Điều 645 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”; còn Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế…”
Như vậy, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là bất động sản là 30 năm chứ không phải 10 năm như quy định trước đây.
Mặt khác, với quan điểm tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp và pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm kịp thời, nâng cao trách nhiệm của Tòa án, các cơ quan có thẩm quyền khác tôn trọng bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, sự ổn định của các quan hệ dân sự và để phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu theo nguyên tắc: Cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu Tòa án, trọng tài giải quyết vụ, việc trong thời hạn luật định, hết thời hạn đó mà cá nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối thụ lý giải quyết vụ, việc vì lý do hết thời hiệu theo như quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Tòa án hoặc Trọng tài vẫn thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Theo đó, tại Khoản 2, Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định mới về vấn đề thời hiệu đó là “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”.
Như vậy, với quy định mới nêu trên, kể từ ngày 01/01/2017 thì dù thời hiệu khởi kiện đã hết, nhưng đương sự có đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết thì Tòa án vẫn phải thụ lý giải quyết, nếu trong quá trình giải quyết tính đến trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc mà một bên hoặc các bên yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thì lúc này Tòa án mới áp dụng quy định về thời hiệu để đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Với nội dung trên, xin trao đổi cùng đồng nghiệp để nghiên cứu và vận dụng đúng đắn vào thực tiễn công tác.
Doãn Thị Thu - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình