Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Một số kinh nghiệm thực hiện tốt chế định thời hạn tố tụng nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người quyền công dân
5/29/2018 10:34:32 AMBộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã thể chế hóa những quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp năm 2013, là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn mới. Chế định thời hạn tố tụng được quy định trong Bộ luật yêu cầu phải đáp ứng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân và khả năng thực tế của cơ quan tố tụng trong quá trình chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; không gây áp lực cho cơ quan tố tụng trong giải quyết vụ án nhưng cần phải có thiết chế để đặt các cơ quan này trong trạng thái luôn phải nỗ lực, chủ động để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất.

Trên tinh thần đó chế định thời hạn tố tụng được quy định trong Bộ luật  có sáu nội dung được sửa đổi so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Thứ nhất xác lập nguyên tắc mọi biện pháp tố tụng phải bị ràng buộc chặt chẽ về mặt thời hạn, khắc phục khoảng trống trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chưa quy định thời hạn áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Thứ hai rút ngắn thời hạn từ 24 giờ xuống còn 12 giờ Cơ quan điều tra phải lấy lời khai, xem xét trả tự do cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nếu không đủ căn cứ; Thứ ba rút ngằn thời hạn tạm giam nhằm tránh kéo dài tình trạng pháp lý căng thẳng của bị can đồng thời buộc các cơ quan tố tụng phải cân nhắc thận trọng thời điểm bắt giam; Thứ tư rút ngắn thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên tối đa chỉ còn hai phần ba thời hạn so với trước đây; Thứ năm rút ngắn một nửa thời hạn giải quyết tố cáo của công dân từ 60 ngày xuống còn 30 ngày; Thứ sáu lượng hóa các thời hạn quy định mang định tính như “thông báo ngay, gửi ngay” bằng các thời hạn cụ thể nhằm tránh lạm dụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án.

Thực tiễn triển khai thi hành chế định thời hạn tố tụng gặp phải những khó khăn vướng mắc nhất định do có sự khác biệt giữa thời hạn tố tụng và thời gian làm việc hành chính trong hệ thống cơ quan nhà nước; thời hạn tố tụng có tính liên tục không có thời gian nghỉ nên không đồng nhất với thời gian làm việc 8h của cơ quan nhà nước vì vậy việc thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh người thực hiện hành vi phạm tội bị ảnh hưởng. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hỗ trợ tư pháp với Cơ quan điều tra thực hiện chưa được thường xuyên, đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian của một số hoạt động tố tụng như hoạt động bắt, giữ, khám xét…Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của một số cơ quan giám định chưa hiện đại nên phải chờ kết quả trả lời ảnh hưởng đến việc kết thúc quá trình tố tụng.

Để đáp ứng mục đích yêu cầu của Bộ luật và khắc phục những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thi hành đòi hỏi Kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ được phân công phải nắm chắc nguyên tắc và chế định thời hạn tố tụng, nêu cao tinh thần trách nhiệm sớm tiếp cận nguồn tin báo tội phạm chủ động phân loại, sớm ban hành yêu cầu xác minh giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, chủ động ghi lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc phối hợp chặt chẽ với các chức danh tố tụng để đấu tranh xét hỏi xác minh kết luận rõ có tội phạm hay không có tội phạm tham mưu đề xuất với Lãnh đạo đơn vị ban hành quyết định bắt giữ hoặc trả tự do nếu không có căn cứ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sư. Kiểm sát chặt chẽ thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với từng bị can cụ thể mà Cơ quan điều tra áp dụng trước khi thi hành biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện sai sót trong quyết định áp dụng để yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục sửa chữa; trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất là tạm giam thì Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động bắt giữ, thời gian bắt giữ, thời hạn tạm giam để tính đủ số ngày bị can bị tạm giam đặc biệt chú trọng kiểm sát thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi theo luật định. Đối với vụ án phát sinh việc khiếu nại tố cáo của công dân, Kiểm sát viên phải đôn đốc yêu cầu Cơ quan điều tra giải quyết việc khiếu nại tố cáo trong thời hạn 30 ngày do luật định đồng thời trả lời cho người khiếu nại tố cáo biết kết quả giải quyết để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật./.

                                                          Lê Bình Khánh- Phòng 2 – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 438

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5731872