Một số vướng mắc trong thực tiễn khi tiến hành kiểm sát việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2014
9/4/2018 4:12:51 PMVấn đề xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014, sau đây gọi tắt là Luật thi hành án dân sự năm 2014) đã giải quyết được phần nào tình trạng án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án. Quá trình kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, cá nhân tôi nhận thấy còn một số vấn đề vướng mắc, không phù hợp với thực tế, xin nêu ra để bạn đọc cùng trao đổi:
- Điều 61 Luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định về điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp Ngân sách nhà nước như sau:
“1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:
a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;…”
Như vậy, đối với người được xét miễn nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật thi hành án thì phải là người không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc là không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước quy định:“Các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có).”
Thực tiễn hiện nay nhiều bản án, quyết định đã tuyên phần lãi suất chậm thi hành án đối với người phải thi hành án. Trong khi đó người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước là người không tài sản hoặc là người không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Mặt khác, điều kiện về thời gian được xét miễn tối thiểu là 05 năm đối với khoản tiền dưới 2.000.000 đồng. Như vậy sau 05 năm khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách không phải là nhỏ. Nếu cộng thêm khoản tiền lãi này vào khoản phải thi hành án thì sẽ lớn hơn 2.000.000 đồng. Như vậy với số tiền trên 2.000.000 đồng thì điều kiện về thời gian để được xét miễn lại là 10 năm. Sau 10 năm khoản tiền lãi cộng vào sẽ là trên 5.000.000 đồng, như vậy, sẽ không đủ điều kiện để được xét miễn thi hành án mà chỉ đủ điều kiện để xét giảm thi hành án.
Quan điểm thứ nhất: Cần tính khoản lãi suất chậm thi hành án là một khoản riêng, độc lập với khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định.
Quan điểm thứ hai: Khoản lãi suất chậm thi hành án được tuyên kèm theo khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước nên khi xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án thì cần phải cộng gộp cả khoản lãi suất với khoản nghĩa vụ phải thi hành cho ngân sách nhà nước để tính. Chính vì chưa có hướng dẫn cụ thể trong Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.....nói trên khiến cho Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện gặp nhiều lúng túng trong quá trình phối hợp kiểm tra, rà soát các hồ sơ thi hành án đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định về điều kiện tối thiểu để được xét giảm nghĩa vụ thi hành án là hết thời hạn 05 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Như vậy, đối với trường hợp người phải thi hành đã đủ điều kiện về thời gian nhưng số tiền còn phải thi hành án từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng thì Luật Thi hành án dân sự năm 2014 không quy định được giảm và cũng không có văn bản hướng dẫn. Thực tế còn có những trường hợp đã đề nghị và được xét giảm đến dưới 10.000.000 đồng phải dừng lại không được xét giảm tiếp mà phải đợi đủ thời gian 10 năm để xét miễn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Ví dụ: Theo quyết định thi hành án số 47 ngày 30/12/2011 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình: anh Bùi Ngọc Anh sinh năm 1973, trú tại: thôn Quang Minh, xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình phải thi hành khoản tiền nộp để xung công: 15.000.000 đồng. Ngày 27/4/2012 anh Bùi Ngọc Anh đã thi hành 4.000.000 đồng. Xét thấy người phải thi hành án đủ điều kiện xét giảm một phần khoản tiền còn lại, ngày 31/8/2017 Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định số 26/2017/QĐ-THA giảm 2.750.000 đồng cho anh Bùi Ngọc Anh. Như vậy, anh Bùi Ngọc Anh còn phải thi hành: 8.250.000 đồng. Thực tế, trong đợt phối hợp rà soát hồ sơ đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước năm 2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kiến Xương và Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Xương thì: mặc dù anh Bùi Ngọc Anh đã đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 nhưng lại không thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 3 Điều 61 để tiếp tục được xét giảm.
Để đảm bảo những người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi đảm bảo điều kiện về thời gian. Trong thời gian tới, đề nghị các cấp có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo hướng cụ thể như sau:
Một là, đối với khoản lãi chậm thi hành án: cần hướng dẫn cụ thể về việc có tính lãi suất chậm thi hành án vào khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án hay không.
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho người phải thi hành án cũng như thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù thì có thể cân nhắc, xem xét tách riêng 2 khoản nói trên để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.
- Trong trường hợp vẫn quy định cộng gộp cả hai khoản trên thì nếu khoản phải thi hành án dưới 5.000.000 đồng thì xem xét cho phép miễn nghĩa vụ thi hành án khi đủ thời gian theo quy định mà không tính khoản lãi suất chậm thi hành án.
Đề nghị, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điểm khoản nào của Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, việc sửa đổi theo hướng trên để vừa tháo gỡ khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự địa phương, vừa đảm bảo quyền lợi cho những người có khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước dưới 5.000.000 đồng nhưng lại không được xét miễn nghĩa vụ thi hành án.
Hai là, đối với quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật thi hành án dân sự năm 2014 cần sửa đổi theo hướng mở rộng diện đối tượng được giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, như sau: “Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án”
Như vậy, các quy định về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước sẽ phù hợp với thực tế hơn, giảm lượng án tồn đọng hàng năm; không tạo ra áp lực về tỷ lệ thi hành án xong về việc, về tiền cho Cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác này.
Ths: Lê Thị Thủy- Viện kiểm sát Kiến Xương