Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
“phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ…”
4/12/2019 7:06:28 AMĐối với tình tiết “phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ…” trong “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” và “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 134 và khoản 1 Điều 185 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nội dung vụ việc: bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1959 đăng kết hôn theo quy định của pháp luật với ông Phạm Ngọc T2, sinh năm 1931, trú tại thôn An Dân Đông, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; ông T2 có con riêng là chị Phạm Thị T3, sinh năm 1975, trú tại thôn An Dân Trên, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy. Bà T1 và chị T3 (quan hệ mẹ kế, con chồng) không sống chung, chưa từng nuôi dưỡng, chăm sóc nhau. Khoảng 14 giờ ngày 19/12/2018, bà T1 đang ở nhà cùng chồng (ông T2) tại thôn An Dân Đông, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy thì chị T3 đến chơi và thăm ông T2. Khi đến, chị T3 gặp bà T1 nói chuyện về việc chăm sóc ông T2; hai người nói chuyện một lúc thì xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại. Chị T3 đã dùng củ su hào, dùng dép nhựa đánh bà T1. Hậu quả: bà T1 phải đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Thái Thụy và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình (giả sử: tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra tại thời điểm giám định là 07 %).
Quá trình giải quyết vụ việc có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của T3 dùng dép và củ su hào đánh bà T1 (là mẹ kế của T3) đã thoả mãn cấu thành tội phạm “Cố ý gây thương tích hoặc gây hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” với tình tiết định khung là “phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ …” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bởi vì: bà T1 lấy ông T2 (là bố đẻ của T3) có giấy đăng ký kết hôn đúng pháp luật nên T1 là mẹ kế của T3; mặc dù trong Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định là “phạm tội đối với cha, mẹ, người nuôi dưỡng…” nhưng chúng ta phải hiểu rằng cha dượng, mẹ kế cũng là thành viên trong gia đình (khoản 16 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình năm 2014) và như vậy cũng là cha, mẹ như trong điểm d khoản 1 điều 134 BLHS quy định.
Quan điểm thứ hai, đồng thời là quan điểm tác giả : Do bà T1 và chị T3 không có quan hệ huyết thống và chưa từng chăm sóc nuôi dưỡng nhau, khi ông T2 cưới bà T1 về thì chị T3 cũng không thừa nhận bà T1 là mẹ mình; mặt khác Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) chỉ quy định “phạm tội đối với cha, mẹ …” chứ không quy định rõ là cha dượng, mẹ kế. Theo nguyên tắc có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội thì cha, mẹ ở đây chỉ có thể là cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó pháp luật dân sự quy định cha dượng, mẹ kế không có quan hệ chăm sóc nhau thì không được hưởng di sản thừa kế của nhau (Điều 651, 654 BLDS năm 2015); như vậy quan hệ “cha dượng, mẹ kế, con riêng mà không nuỗi dưỡng, chăm sóc nhau” không được Luật dân sự áp dụng để chia tài sản thừa kế thì cũng không thể áp dụng quan hệ này vào Luật hình sự để khởi tố T3 theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 134 BLHS được.
Trong vụ việc trên còn nhiều quan điểm tranh luận, tôi mong được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và độc giả./.
                 Vũ Công Huân - Viện kiểm sát nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
 
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 180

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5886057