Thông tin tuyên truyền
Cán bộ, công chức với Luật phòng chống tác hại của rượu, bia
12/31/2019 2:25:21 PMKể từ ngày 01/01/2020, Luật số 44/2019/QH14 - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 có hiệu lực, đây là một trong những đạo luật lần đầu tiên được ban hành có đối tượng áp dụng, điều chỉnh rộng rãi nhất, tác động đến thói quen lâu đời của rất nhiều người Việt Nam.

Trước khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành, các cấp ủy đảng, ban ngành, địa phương đều có quy định về việc không uống rượu, bia, đồ uống có cồn khác trước, trong giờ làm việc, tại nơi làm việc và nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khác. Tuy nhiên, nội dung này đã được luật hóa thì trong thời gian tới, việc thực hiện của cán bộ, công chức sẽ nghiêm túc hơn? Và thói quen chúc tụng, cà ép uống rượu bia cũng sẽ dần được thay đổi?

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cụ thể 13 hành vi bị nghiêm cấm trong đó có các hành vi như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức…và các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Cùng với các hành vi bị nghiêm cấm Luật cũng quy định rõ 7 địa điểm không uống rượu, bia trong đó nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia và các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ cũng bị nghiêm cấm.

Việc áp dụng luật phụ thuộc vào sự tự giác của người dân và sự vào cuộc của lực lượng thực thi pháp luật. Đối với cán bộ, công chức cần phải tiên phong trong thực hiện Luật, có quyền và nghĩa vụ trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.

Song song với trách nhiệm quản lý Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, của cơ sở sản xuất kinh doanh thì trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất quan trọng. Trách nhiệm của gia đình giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Khi chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia thì từ ngày 01/01/2020, tất cả những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là vi phạm Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, thay vì trước đây là “vượt quá nồng độ cho phép”.

Để từ bỏ được thói quen uống rượu bia xong vẫn điều khiển phương tiện giao thông và trách nhiệm đối với việc phòng, chống tác hại của rượu, bia của cán bộ, công chức thì cần thiết phải đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào quản lý văn hóa công sở và là một tiêu chí để xem xét nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hằng năm./.

Lê Thị Như Hoa - Phòng Tổ chức cán bộ

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 2080

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5859357