Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản ở địa bàn tỉnh Thái Bình: những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện
4/20/2020 2:11:23 PMTrong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức với nhiều phương pháp, thủ đoạn hết sức tinh vi gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Trên cơ sở các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và luật có liên quan như: Luật giao dịch điện tử năm 2006, Luật an ninh mạng năm 2018, trong thời gian qua, các cấp, các ngành cũng như chính quyền địa phương tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân đề cao cảnh giác đối với các hành vi lừa đảo mà các đối tượng sử dụng Internet, mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần bảo đảm tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Theo thống kê số liệu chung trong thời gian từ 01/01/2018 đến ngày 30/11/2019, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tiến hành xử lý hình sự đối với 05vụ án/05 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao.

 Do đây là một loại tội phạm mới phát sinh, có nhiều tính chất đặc thù, khả năng hoạt động phạm tội rất rộng, các đối tượng phạm tội có những phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi tội phạm như sử dụng các phần mềm trực tuyến, sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo… nên quá trình giải quyết những vụ án hình sự do tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các cơ quan chức năng thường gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu thập, đánh giá, xử lý chứng cứ điện tử, việc chuyển hóa chứng cứ điện tử, giám định chứng cứ điện tử và việc sử dụng chứng cứ điện tử trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đó là:

Một là, trong hệ thống pháp luật hiện hành, dữ liệu điện tử được quy định trong Luật giao dịch điện tử năm 2006. Với tư cách là một nguồn chứng cứ, dữ liệu điện tử được ghi nhận tại các Điều 87, 88, 99, 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sau đây viết tắt là BLTTHS). Ngoài ra, khoản 3 Điều 223 BLTTHS cũng đề cập đến việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” với tư cách là một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Hiện tại, chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Bên cạnh các quy định đặc thù về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 107 BLTTHS), các nội dung khác như: Việc kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong... đối với chứng cứ điện tử được thực hiện theo quy định chung hiện hành. Tuy nhiên, chứng cứ điện tử có những đặc điểm khác biệt với các chứng cứ truyền thống nên cần phải có những quy định chặt chẽ của pháp luật về quy trình thu giữ và phục hồi đối với loại chứng cứ này nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu cũng như quy định về trách nhiệm của các cá nhân trong việc sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này, đặc biệt là đối với việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” còn liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Từ việc chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan điều tra áp dụng quy định của BLTTHS về vấn đề này mang tính tùy nghi, tương tự.

Hai là, do sự phát triển của mạng viễn thông, mạng internet nên sẽ có rất nhiều đối tượng thông qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber, Whatsapp… để thực hiện các hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra thường gặp khó khăn trong việc xác định nhân thân, địa chỉ thật của người thực hiện hành vi phạm tội vì họ thường sử dụng thông tin giả, mặt khác đây là các nhà mạng ở nước ngoài, nên khi phát hiện thu thập chứng rất khó khăn.

Ba là, về điều kiện cơ sở vật chất, năng lực và sự phối kết hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử: Để giải quyết vụ án hình sự có chứng cứ là dữ liệu điện tử, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có kiến thức về các loại hình dữ liệu điện tử, có sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin. Thực tiễn cho thấy, đối với những vụ án không quá phức tạp như các vụ án về môi giới mại dâm, ma túy, đánh bạc các đối tượng thường sử dụng thiết bị số để nhắn tin, gọi điện trao đổi, thỏa thuận nội dung với nhau. Việc thu thập dữ liệu điện tử để chứng minh hoặc củng cố chứng cứ thường đơn giản, sau khi thu giữ thiết bị số, cơ quan điều tra tiến hành lập biên bản kiểm tra, trích xuất, sao chép dữ liệu như tin nhắn, lịch sử cuộc gọi giữa các thuê bao mà các đối tượng sử dụng để đấu tranh, làm rõ. Khi đối tượng khai nhận phù hợp thì bản sao của các dữ liệu trên là một chứng cứ chứng minh tội phạm, được đưa vào hồ sơ vụ án.

Tuy nhiên, ở những vụ án phức tạp hơn, đối tượng sử dụng những thủ đoạn tinh vi hơn, dấu vết tội phạm để lại ở dữ liệu mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác đòi hỏi phải tiếp cận nguồn cơ sở dữ liệu đã được mã hóa, chặn thu dữ liệu trên đường truyền (Giữa máy chủ - máy chủ, máy tính cá nhân - máy chủ, dữ liệu truyền bằng ADSL, mobile, vệ tinh), giải mã dữ liệu đã mã hóa, ... thì phải có sự kết hợp với các tổ chức chuyên môn, các chuyên gia hoặc cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan thứ ba) tiến hành việc tìm kiếm, phục hồi, chuyển đổi dữ liệu điện tử thành dạng hữu hình có thể đọc, nghe, nhìn... được. Tuy nhiên, việc chờ đợi kết quả từ các cơ quan này liên quan đến thời hạn tố tụng. Đối với những vụ án mà chứng cứ điện tử là căn cứ quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội thì điều này ảnh hướng rất lớn đến tiến độ giải quyết vụ án. Như vậy, mặc dù việc thu thập phương tiện điện tử diễn ra nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của BLTTHS nhưng luật không quy định chặt chẽ về thời hạn, trách nhiệm của cơ quan thứ ba, cũng như không có cơ chế phối hợp nên việc sử dụng chứng cứ điện tử vào việc giải quyết vụ án hình sự chưa đạt hiệu quả cao.

Bốn là, người phạm tội sử dụng công nghệ cao là những người có trình độ về sử dụng công nghệ thông tin, các phần mềm, ứng dụng điện tử và máy tính, mạng viễn thông trong khi đó đội ngũ cán bộ tư pháp hiện nay chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu hoặc đáp ứng được về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc xử lý tội phạm.

Tại khoản 3 Điều 223 BLTTHS cũng đề cập đến việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” là một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Hiện tại, chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quy định này. Chứng cứ điện tử có những đặc điểm khác biệt với chứng cứ truyền thống nên cần thiết phải có những quy định chặt chẽ của pháp luật về quy trình thu giữ và phục hồi đối với loại chứng cứ này nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu; cũng như quy định về trách nhiệm của các cá nhân trong việc sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này.

 Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đã nêu trên, cần kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể các quy định về việc thu thập, sử dụng, khai thác dữ liệu điện tử. Bên cạnh đó Cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan thực hiện đồng bộ một số giải pháp để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản ngày càng hiệu quả hơn đó là: Để đảm bảo quyền lợi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trước hết các ngân hàng cần tăng cường nhiều biện pháp an ninh, sử dụng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại để phòng ngừa tội phạm, đảm bảo tài sản và quyền lợi của khách hàng; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, tranh thủ tài trợ các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đào tạo cán bộ trình độ cao. Phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm một cách kịp thời, triệt để; Tổng kết rút kinh nghiệm công tác điều tra, khám phá, xử lý tội phạm công nghệ cao, nêu rõ phương thức thủ đoạn phạm tội để các cơ quan tố tụng, các cơ quan có liên quan vận dụng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan giám định, các cơ quan có chức năng khác để có điều kiện phát huy tác dụng trong công tác đấu tranh phòng chống và xử lý tội phạm.

Doãn Thị Thu – Phòng 1 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 616

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5337065