Phòng 1 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, “ số hóa” hồ sơ, công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa
5/29/2020 4:37:40 PMThực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020, Kế hoạch số 01/KH-VKSTB ngày 08/01/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình về công tác của ngành Kiểm sát Thái Bình năm 2020. Chiều ngày 28/5/2020, Phòng 1 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp với Tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức rút kinh nghiệm phiên tòa hình sự sơ thẩm, “số hóa” hồ sơ, công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh đối với bị cáo Lại Văn Đức, sinh năm 1993, trú tại thôn Phan Xá, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại 174 Bộ luật Hình sự.
Đây là vụ án xảy ra tại vùng quê nghèo thuộc thôn Phan Xá, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bị cáo và các bị hại đều có quan hệ họ hàng hoặc hàng xóm thân cận. Bị cáo đã nói dối với mọi người mình là vận động viên cầu mây Quốc gia có nhiều giải thưởng, huy chương và có nhiều mối quan hệ nên có thể “xin” được việc làm cho người khác ở Cục Hải quan và “chạy” chế độ hưởng trợ cấp chất độc hóa học. Để tạo lòng tin, Đức mua ở cửa hàng thể thao các huy chương vàng, bạc, đồng và 01 chiếc cúp vàng về cầu mây và ghép ảnh Đức với ảnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày ở phòng khách nhà mình. Từ tháng 4/2017 đến tháng 5/2019, Đức đã nói dối, nhận xin việc và chạy chế độ hưởng trợ cấp chất độc hóa học cho 8 người để chiếm đoạt tiền tổng số tiền là 589.400.000 đồng.
Quá trình điều tra, bị cáo đều khai mình chỉ là nạn nhân của người khác, bị người khác xúi giục và đưa cho toàn bộ các Sổ lĩnh tiền chế độ ưu đãi cho người có công; Phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội ... để tạo niềm tin với người bị hại. Nhận thấy đây là vụ án bị cáo có chối tội, việc trình chiếu các tài liệu như các Sổ lĩnh tiền chế độ ưu đãi cho người có công; Phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội do bị cáo làm giả và tự tay viết vào các tài liệu này; các giấy biên nhận tiền, giấy cam kết ... có chữ ký của Đức công khai tại phiên tòa sẽ có tác dụng tích cực, khiến bị cáo không thể chối tội. Đồng thời với số lượng bị hại đông, Chủ tọa phiên tòa sẽ thuận lợi cho việc kiểm tra các tài liệu được trình chiếu có đúng là của bị cáo giao cho các bị hại không. Do đó, quá trình điều tra, Kiểm sát viên đã chủ động “ số hóa” các tài liệu cần thiết, có giá trị chứng minh hành vi phạm tội và trình chiếu tại phiên tòa.
Quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên đã tham gia xét hỏi theo từng tài liệu nhằm làm rõ việc chỉ có bị cáo là người duy nhất thực hiện hành vi phạm tội; không có bút tích và sự xuất hiện của người khác như lời bị cáo khai trước đó. Với việc kết hợp xét hỏi cùng các tài liệu được trình chiếu được bị hại công nhận chính là tài liệu của Đức đưa cho; các chữ viết trên tài liệu được giám định là chữ viết của bị cáo, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và xin giảm nhẹ hình phạt. Cùng với trình chiếu các tài liệu có giá trị chứng minh, Kiểm sát viên đã trình chiếu các quy định của Điều 174 Bộ luật hình sự; để bị cáo, bị hại và quần chúng nhân dân tham dự phiên tòa nắm rõ hơn các nội dung, tình tiết của vụ án cũng như quy định của pháp luật về xử lý loại tội phạm này.
Thông qua phiên tòa số hóa hồ sơ và công bố tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa đã giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với bị cáo và những người tham dự phiên tòa có ý thức hơn về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời việc áp dụng khoa học công nghệ thông tin vào nghiệp vụ, giúp cho việc giải quyết vụ án được khoa học, việc đánh giá chứng cứ, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa thuận lợi, thuyết phục hơn.
Sau phiên tòa, Phòng 1 đã tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên; đánh giá việc số hoá hồ sơ, trình chiếu hình ảnh tại phiên tòa có tác dụng tích cực đối với những vụ án phức tạp, có nhiều bị can, bị cáo hoặc bị cáo không nhận tội. Do đó cần tăng cường thực hiện việc “số hóa”, trình chiếu tại phiên tòa hình sự góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.
Một số hình ảnh tại phiên tòa:
Bùi Thị Thảo Phòng 1 – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh