Thông tin tuyên truyền
Quá trình xây dựng và phát triển của Phòng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kiểm sát các vụ án hành chính,vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật
6/25/2020 10:25:51 AMI. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác kiểm sát dân sự qua các thời kỳ: Nghiên cứu cơ quan Công tố/Kiểm sát Việt Nam từ năm 1945 đến nay cho thấy, tuy mức độ có khác nhau trong từng thời kỳ, nhưng vai trò của cơ quan Công tố/Kiểm sát trong việc giải quyết các vụ việc dân sự luôn luôn được khẳng định, phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội, đặc biệt là thẩm quyền khởi tố các vụ việc dân sự do Viện kiểm sát tiến hành nhân danh lợi ích Nhà nước và lợi ích công cộng, đã được Nhà nước ta trao cho Viện công tố/Viện kiểm sát từ năm 1950 cho đến ngày 01/01/2005, khi Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 có hiệu lực.

Trong thời kỳ đổi mới, với việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, VII, VIII, IX, X và các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 và lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát đã có những thay đổi quan trọng. Đến Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, vai trò của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự đã bị thu hẹp theo hướng Viện kiểm sát thôi không thực hiện thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, không tham gia 100% các phiên toà xét xử sơ thẩm và phúc thẩm dân sự mà tập trung vào kiểm sát các quyết định và bản án của cơ quan xét xử như quyết định thụ lý vụ án, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định và bản án sơ thẩm, phúc thẩm…, tham gia phiên toà đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, các vụ, việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án;

Thể chế hóa khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013, tại Điều 13 BLTTDS năm 2015 quy định: "Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nhiêm chỉnh và thống nhất". Như vậy, BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành Kiểm sát trong việc thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự. Đồng thời nâng cao vị trí pháp lý của VKSND trong tố tụng dân sự nói riêng và kiểm sát hoạt động tư pháp nói riêng. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể các trường hợp VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự; theo đó, tiếp tục quy định các trường hợp VKS tham gia phiên tòa, phiên họp; đồng thời, bổ sung một số nội dung mới như sau: Bổ sung quy định VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; Quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm hoặc phiên tòa, phiên họp phúc thẩm mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp VKS kháng nghị phúc thẩm. Bổ sung nội dung quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự. Bổ sung thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát. Quy định về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng VKSND.

II. Về tổ chức bộ máy của Phòng qua từng giai đoạn

Được thành lập từ năm 1982 đến nay, Phòng đã 03 lần đổi tên là: Phòng kiểm sát xét xử và thi hành án dân sự; Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (năm 2003) và Phòng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kiểm sát các vụ án hành chính,vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (năm 2014).

* Các đồng chí lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ:

Các đồng chí Trưởng phòng:

- Đồng chí Phạm Thị Minh Huệ (1982 – 3/2001).

- Đồng chí Hoàng Tuấn Tư (4/2001 – 7/2008).

- Đồng chí Nguyễn Thị Hiến (12/2008 – 10/2013).

- Đồng chí Nguyễn Thị Vân Anh (01/2014 – 01/2020)

- Đồng chí Đỗ Hải Bằng (02/2020 đến nay).

Các đồng chí Phó Trưởng phòng:

- Đồng chí Vũ Thị Nga (9/1997 – 8/1998).

- Đồng chí Hoàng Tuấn Tư (4/2000 – 3/2001).

- Đồng chí Đoàn Thanh Bình (10/2001 – 7/2003).

- Đồng chí Phạm Thị Thanh Bình (12/2004 – 12/2009).

- Đồng chí Đặng Huy Tuân (02/2008 – 7/2011).

- Đồng chí Phạm Thị Thu Cúc (8/2011 – 9/2018).

- Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hồng (11/2018 - đến nay).

* Cơ cấu cán bộ:

Tổng số biên chế hiện nay có 07 đồng chí, gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, 03 Kiểm sát viên trung cấp, 02 Kiểm sát viên sơ cấp; Chi bộ có 06 đảng viên, Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Thạc sĩ luật 01, Cử nhân luật 06 đồng chí; Trình độ chính trị: Cao cấp 01, Trung cấp 04.

 Thành tích của đơn vị đã đạt được:

Được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1990, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2000; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2012; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng Cờ thi đua ngành cho tập thể dẫn đầu khối năm 2011. Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao tặng cho tập thể xuất sắc 2 năm liên tục năm 2015. Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao tặng trong phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” liên tục các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình tặng Bằng khen các năm 2016, 2018. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh công nhận “Tập thể lao động xuất sắc” các năm 2015, 2019.

* Chức năng nhiệm vụ của Phòng hiện nay

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật, được quy định trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính. Phòng có các nhiệm vụ cụ thể sau:

Tham mưu cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật của Toà án cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính; tham mưu cho Viện trưởng ban hành kháng nghị, kiến nghị đối với các bản án, quyết định có vi phạm của Toà án cùng cấp và cấp dưới;

Quản lý tình hình hoạt động và chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát các huyện, thành phố về công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật.

III. Hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ (Giai đoạn từ năm 2015 - 2019)

Giai đoạn này tình hình các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, không ngừng tăng, nhiều vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, nhất là các tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp về quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, kiện đòi tài sản... ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, việc khởi kiện về hành chính, tranh chấp kinh doanh thương mại tăng cao so với giai đoạn trước. Đây cũng là giai đoạn tiếp tục có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, hành chính khi tổ chức thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát là không thể thiếu trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự, cụ thể: Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà sơ thẩm đối với các vụ án dân sự do Toà án thụ lý trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng; Kiểm sát viên phải tham gia phiên họp xét khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện; tại phiên toà sơ thẩm, Kiểm sát viên không chỉ phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng mà còn phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án; trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, bên cạnh việc thu thập tài liệu, chứng cứ để thực hiện thẩm quyền kháng nghị, kiến nghị, Kiểm sát viên còn có nhiệm vụ, quyền hạn yêu cầu Toà án xác minh, thu thập chứng cứ… Luật tố tụng hành chính năm 2015 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong đó tiếp tục khẳng định vai trò của Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính, góp phần bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Việc tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thể hiện Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định và tin tưởng vào vai trò quan trọng của Viện kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm mà Viện kiểm sát phải cố gắng thực hiện để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được sự mong đợi của người dân đối với Ngành.

Trước tình hình đó, để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ động chỉ đạo bố trí Kiểm sát viên, cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại ở Viện kiểm sát hai cấp. Lực lượng cán bộ, Kiểm sát viên của Phòng 9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã được tăng cường từ 5 lên 7 đồng chí. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tập huấn, quán triệt kịp thời những điểm mới và sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, hành chính; chỉ đạo rút kinh nghiệm, đề ra những giải pháp nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo các quy định mới của pháp luật. Viện kiểm sát tỉnh chỉ đạo đề ra các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính, mà trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa, phiên họp. Chỉ đạo, yêu cầu Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ quá trình giải quyết án, nghiên cứu nắm chắc hồ sơ, chuẩn bị bản phát biểu quan điểm tại phiên tòa; đối với những vụ án phức tạp phải dự kiến tình huống phát sinh và những nội dung cần hỏi để phụcvụ việc phát biểu quan điểm; kiểm sát chặt chẽ diễn biến phiên tòa, kịp thời phát hiện vi phạm để chủ động tham mưu đề xuất việc kháng nghị, kiến nghị. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ động phối hợp xây dựng quy chế phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh trong lĩnh vực giải quyết các vụ, việc dân sự, tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm liên ngành.

Từ ngày 01/01/2014 triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân số 09/2014/UBTVQH13. Đây là quy định mới nên việc thực hiện bước đầu còn gặp nhiều vướng mắc, tiến độ thực hiện xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và cơ sở giáo dục bắt buộc còn chậm, dẫn đến tình trạng các đối tượng nghiện ma túy ở ngoài xã hội nhiều đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Trước tình hình đó, Viện kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ năm 2015 tiến độ xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã được đẩy nhanh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình.

Trong  5 năm qua, toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tự giác tham gia có hiệu quả cuộc vận động thi đua do Ngành và địa phương phát động, phấn đấu góp phần cùng đơn vị thực hiện tốt các chỉ tiêu công tác. Đơn vị đã kiểm sát thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 824 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại; kiểm sát thụ lý và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm 548 vụ, việc; kiểm tra 7720 bản án, quyết định dân sự hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Kiểm sát viên Phòng 9 đã tham gia 100% phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung. Qua công tác kiểm sát, Phòng 9 đã tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành 07 kiến nghị đối với Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình; 22 kháng nghị phúc thẩm (Kháng nghị trên cấp) và 04 báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm. Số vụ án Tòa án xét xử có kháng nghị của Viện kiểm sát đều được bảo vệ và được Tòa án chấp nhận 20 kháng nghị. Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức được 26 phiên tòa cho cán bộ, Kiểm sát viên học tập rút kinh nghiệm. Đối với công tác hướng dẫn nghiệp vụ cấp huyện, Phòng 9 đã ban hành 23 bản thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án do Toà án cấp phúc thẩm huỷ án để các cán bộ, Kiểm sát viên nắm được dạng vi phạm, tích luỹ kinh nghiệm trong công tác kiểm sát bản án, quyết định. Đồng thời, phòng đã kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc của cấp huyện để hướng dẫn giải quyết và phản ánh, đề xuất với lãnh đạo Viện có biện pháp giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho cấp huyện. Do đó, không có vụ án nào của Viện kiểm sát bị hủy mà không có kháng nghị. Đơn vị đã trả lời thỉnh thị cấp huyện về đường lối giải quyết 09 vụ án. 

Vì vậy trong 5 năm qua 100% Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong đơn vị hoàn thành khối lượng công việc được giao đạt danh hiệu lao động tiến tiến, trong đó năm nào cũng có 1 Kiểm sát viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, năm năm liền (2015 – 2019) được Viện trưởng VKSND tối cao tặng bằng khen trong phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2020), cán bộ kiểm sát viên Phòng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kiểm sát các vụ án hành chính,vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật nỗ lực phấn đấu cùng toàn ngành kiểm sát Thái Bình hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành đề ra, hưởng ứng thiết thực các phong trào thi đua do Trung ương và địa phương phát động, đặc biệt là đẩy mạnh phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác.

Đỗ Hải Bằng - Phòng 9 VKSND tỉnh

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 734

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5849496