Ngành Kiểm sát nhân dân Thái Bình, 60 năm với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp
7/22/2020 3:55:20 PMKể từ khi mới thành lập, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình có 22 cán bộ (cấp tỉnh 9, cấp huyện 13), trong đó 10 cán bộ đã qua công tác ở ngành Tư pháp, còn lại được tuyển dụng mới. Đến tháng 3/1961, các cấp uỷ Đảng địa phương đã cử các đồng chí cấp uỷ viên sang phụ trách và được Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Đến nay, biên chế của ngành Kiểm sát Thái Bình là 193 người, có 138 Kiểm sát viên (1 cao cấp, 51 trung cấp, 86 sơ cấp), 186 đồng chí có trình độ cử nhân, trong đó có 28 đồng chí thạc sỹ luật; 34 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 51 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận.
Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thái Bình không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Để có được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên phát triển cả về số lượng và chất lượng như hiện nay, một công tác quan trọng đầu tiên phải kể đến là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Năm 1973, số lượng biên chế Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là 35 người, ở Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 44 người; đơn vị nhiều nhất có 06 người, đơn vị ít nhất có 04 người. Giai đoạn 1976-1980, tổng biên chế toàn ngành tăng hơn trước, hàng năm có trên 120 người, trong đó có khoảng 40 Kiểm sát viên; số lượng đảng viên chiếm khoảng 80% tổng biên chế; hầu hết các đồng chí vào ngành đã trải qua quá trình rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành trong quân đội.
Cuối năm 1982, biên chế toàn ngành Kiểm sát Thái Bình có 134 người. Số lượng Kiểm sát viên 78 người tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Số lượng cán bộ được bổ sung giai đoạn này chủ yếu tăng cường cho cấp tỉnh, số lượng đảng viên tăng mạnh, chiếm tỉ lệ trên 2/3 tổng số biên chế cán bộ trong ngành Kiểm sát Thái Bình.
Năm 1985, toàn ngành có 24 cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ đại học, cao đẳng; 78 Kiểm sát viên hai cấp, năm 1990 có 47 cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ đại học và cao đẳng. Đến năm 1995 toàn ngành có 104 cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ đại học và cao đẳng. Năm 2000 biên chế toàn ngành là 158 người, trong đó có 125 Kiểm sát viên và 138 người có trình độ cao đẳng trở lên.
Năm 2010 biên chế toàn ngành là 169 người, 100 Kiểm sát viên (36 trung cấp, 64 sơ cấp); về trình độ chuyên môn: 4 thạc sĩ luật, 139 cử nhân luật hoặc đại học chuyên ngành khác, 26 cao đẳng, trung cấp.
Năm 2020, biên chế là 193 người, có 138 Kiểm sát viên (1 cao cấp, 51 trung cấp, 86 sơ cấp). Về trình độ chuyên môn: 28 thạc sỹ luật, 146 cử nhân luật, 12 đại học khác, 07 cao đẳng, trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp lý luận 34, trung cấp lý luận 51.
Từ kết quả trên cho thấy, mỗi giai đoạn, số lượng, chất lượng cán bộ Kiểm sát viên trong ngành không ngừng tăng về số lượng và chất lượng, nhất là từ năm 2000 đến nay. Điều đó khẳng định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành ngày càng được chú trọng, không ngừng nâng chất đội ngũ cán bộ và là một nhân tố quan trọng trong xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát Thái Bình.
Về số lượt cán bộ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị trong 10 năm (2000-2010) là 303 lượt cán bộ, 10 năm tiếp theo (2011-2020) là 751 lượt cán bộ. Như vậy, số lượt cán bộ được cử đi đào tạo bồi dưỡng trong 10 năm gần đây đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước đó.
Bên cạnh việc cử đi đào tạo, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với một số Trường, cơ sở đào tạo tổ chức được 04 lớp tại tỉnh Thái Bình cho 241 cán bộ. Phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội mở lớp bồi dưỡng về khoa học điều tra án hình sự; lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý. Phối hợp với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Bình mở 02 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ngạch Chuyên viên cho cán bộ lãnh đạo quản lý, Kiểm sát viên hai cấp.
Song song với công tác đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm không ngừng nâng cao năng lực thực tiễn, kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp. Tổ chức nhiều cuộc thi: Thi tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi ngành Kiểm sát Thái Bình năm 2012; tổ chức sát hạch kiến thức nghiệp vụ để tuyển chọn nguồn đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp năm 2013, 2014; kiểm tra kiến thức chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát ở các công tác của ngành đối với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Phó Trưởng phòng, cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp làm nghiệp vụ năm 2016; tổ chức cuộc thi“Chúng tôi là Kiểm sát viên năm 2016”; thi viết luận tội ngành Kiểm sát Thái Bình đối với Kiểm sát viên là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Phó Trưởng phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Kiểm sát viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý năm 2018. Qua các cuộc thi đã lan tỏa trong phong trào tự nghiên cứu, tự học tập, trao đổi, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực tiễn công tác cho cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp.
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có hiệu quả thiết thực, ngành Kiểm sát Thái Bình còn thực hiện nhiều phương pháp, cách thức phù hợp, linh hoạt, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tự đào tạo tại chỗ theo hình thức cầm tay chỉ việc. Phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm hướng dẫn cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mới bổ nhiệm; đơn vị tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến hai cấp để cán bộ, Kiểm sát viên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng công tác.
Đánh giá lại cả một chặng đường trong những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hai cấp trong ngành Kiểm sát Thái Bình được Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm và có nhiều đổi mới, sáng tạo tích cực, đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay toàn ngành có 193 cán bộ, trong đó 100% cán bộ làm nghiệp vụ đều có trình độ cử nhân luật trở lên được đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, trong đó 28 thạc sĩ luật; 100 % lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện đều có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, trong đó trình độ cao cấp lý luận chính trị là 32/48 đồng chí, chiếm 66,7%, đảm bảo đủ tiêu chuẩn về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của Ngành.
Đạt được kết quả trên là do tập thể Ban cán sự đảng và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, của Nhà nước và của ngành về công tác cán bộ nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng nói riêng, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tỉnh ủy Thái Bình. Đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thái Bình luôn có ý thức tự nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức và đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp trong ngành Kiểm sát Thái Bình cần coi việc tự học tập, rèn luyện, cập nhật kiến thức là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và nhiệm vụ của ngành trong tình hình hiện nay./.
Lê Thị Như Hoa - Kiểm tra viên Phòng Tổ chức cán bộ VKSND tỉnh
(Viết và sưu tầm - Lịch sử ngành Kiểm sát Thái Bình giai đoạn 1960-2010)