Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Vướng mắc trong việc buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo
9/23/2020 6:54:15 AMChế định án treo theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cơ bản vẫn kế thừa Bộ luật Hình sự năm 1999, khi Tòa án xét thấy không cần thiết phải bắt người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù, thì có thể cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách. Trong thời gian thử thách nếu người được hưởng án treo chấp hành tốt, có nhiều tiến bộ thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. “Trường hợp người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”. Đây là quy định mới nhằm ràng buộc đối với người được hưởng án treo phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Luật Thi hành án hình sự, không để xảy ra tình trạng sau khi được Tòa án cho hưởng án treo, người được hưởng án treo muốn làm gì tùy ý, thậm chí không trình diện chính quyền địa phương, hiệu lực của bản án không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Việc xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo của các cơ quan hữu quan nói chung và đối với Tòa án nói riêng được quy định tại Điều 93 Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Đây là một trong những quy định mới được sửa đổi, bổ sung so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và tiếp tục hoàn thiện theo quy định của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 về án treo. Theo đó, Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2019. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì theo đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Tuy nhiên trong thực tiễn công tác, việc xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo cố tình vắng mặt tại địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đơn cử vụ việc cụ thể như sau: Tại bản án số 144/2019/HSST ngày 28/8/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình tuyên phạt NTS, cư trú tại thôn Đại An, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình 01 năm 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 03 năm 06 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Tự Tân giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Ngày 30/9/2019, Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình quyết định ủy thác cho Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư ra quyết định thi hành án. Ngày 15/10/2019, Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư ra quyết định về việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo đối với NTS. Theo đó, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện đã giao quyết định, hồ sơ cho Ủy ban nhân dân xã Tự Tân tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật.

          Tháng 6 và tháng 7/2020, Công an xã Tự Tân lập biên bản về việc NTS không nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành nghĩa vụ của mình trong tháng 5, tháng 6 (vi phạm khoản 6 Điều 87 Luật Thi hành án hình sự). Nhiều lần Công an xã thông báo triệu tập NTS để làm việc nhưng NTS đều vắng mặt tại nơi cư trú; không báo cáo Ủy ban nhân dân xã, gia đình không biết NTS đi đâu, ở đâu và làm gì (vi phạm khoản 2 Điều 92 Luật thi hành án hình sự). Do vậy, lần lượt tháng 6 và tháng 7/2020, Uỷ ban nhân dân xã tổ chức họp kiểm điểm đối với NTS, có đầy đủ thành phần theo quy định (trừ NTS). Sau đó, Ủy ban nhân dân xã báo cáo về vi phạm của NTS và Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện ra văn bản đề nghị Tòa án nhân dân huyện buộc NTS phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Qua kiểm sát giải quyết vụ việc trên, Kiểm sát viên có quan điểm như sau: Thực tế NTS đã vi phạm nghĩa vụ của người được hưởng án treo: không nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành nghĩa vụ của mình trong các tháng 5, 6, 7 năm 2020 (vi phạm khoản 6 Điều 87 Luật Thi hành án hình sự) và vắng mặt tại nơi cư trú nhưng không xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân xã (vi phạm khoản 2 Điều 92 Luật thi hành án hình sự) và vi phạm khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật Thi hành án hình sự thì: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo đã bị kiểm điểm theo quy định tại Điều 91 của Luật này nhưng sau khi kiểm điểm vẫn tiếp tục vi phạm và đã được nhắc nhở bằng văn bản mà vẫn cố ý vi phạm thì Công an cấp xã đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”. Và theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 13 Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an thì: Việc kiểm điểm người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ thực hiện như sau:

a) Công an cấp xã tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp xã để tổ chức cuộc họp kiểm điểm. Thành phần tham gia gồm có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã (chủ trì), đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở, đại diện khu dân cư, đại diện Công an cấp xã, cán bộ Công an cấp xã được phân công quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án (thư ký), thân nhân người chấp hành án (nếu có).

b) Nội dung cuộc họp: Chủ trì quán triệt các nội dung về cuộc họp; người chấp hành án trình bày bản tự kiểm điểm, trong đó nêu rõ vụ việc vi phạm và phương hướng khc phục, sửa chữa, phn đu; những người tham gia cuộc họp có ý kiến; chủ trì có ý kiến kết luận, thống nhất các nội dung và hình thức xử lý đối với người chấp hành án; lập biên bản cuộc họp, có chữ ký của những người tham gia để lưu hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục. Công an cấp xã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về việc họp kiểm điểm người chấp hành án (gửi kèm theo biên bản cuộc họp).”

Trường hợp người phải chấp hành án hình sự tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ của người được hưởng án treo, cố tình vắng mặt tại địa phương thì việc kiểm điểm phải có mặt họ là không thể thực hiện được, dẫn đến hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân huyện buộc NTS phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo không đảm bảo về trình tự, thủ tục (họp kiểm điểm không có NTS tham gia), gây khó khăn cho công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng. Trong khi đó việc truy nã chỉ được thực hiện khi đã có quyết định buộc chấp hành án phạt tù của Tòa án.

Từ thực tiễn nêu trên, đề nghị Liên ngành tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục việc xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo cố tình vắng mặt tại địa phương, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, hiệu lực của bản án được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất.

Đoàn Viết Thiện - Viện kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 330

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5873098