Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình tích cực thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua việc tổ chức phiên tòa số hóa, phiên tòa học tập rút kinh nghiệm
2/25/2021 10:11:52 AMNgay từ đầu năm công tác 2021 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác tuyên truyền theo sự chỉ đạo của Ban tuyên truyền Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình; trong thời gian qua tình hình lừa đảo chiểm đoạt tài sản thông qua chạy chất độc da cam, lừa đảo xin việc diễn biến phức tạp, nhiều người dân rơi vào tình cảnh phải đi vay mượn, nợ nần, mất tài sản; do đó cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử hình sự để nhân dân biết phòng ngừa không mắc phải các thủ đoạn lừa đảo của kẻ phạm tội, đồng thời việc số hóa hồ sơ, phiên tòa học tập rút kinh nghiệm là các chỉ tiêu quan trọng trong ngành kiểm sát phải thực hiện, cần phải tăng cường tuyên truyền để cán bộ kiểm sát viên trong ngành học tập rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng lực chuyên môn.
Ngày 22/02/2021, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình đã lựa chọn vụ án hình sự Nguyễn Thị Phượng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tuyên truyền pháp luật và tổ chức cho các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết án hình sự học tập, rút kinh nghiệm, vụ án được số hóa hồ sơ trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa.
Nội dụng vụ án: bị cáo Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1973, trú tại thôn Tân Minh, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là đối tượng đã có tiền án 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không chịu cải tạo bản thân mà vẫn tiếp tục đi theo con đường cũ. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số người dân về chế độ chính sách của Nhà nước đối với những người bị nhiễm chất độc màu da cam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thông qua các mối quan hệ, Phượng biết ông Phạm Công Hạnh, sinh năm 1951, trú tại thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình có nhu cầu được hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc da cam nên mặc dù không có khả năng giúp được thủ tục hưởng chất độc da cam, song Phượng vẫn giới thiệu với ông Hạnh là mình có thể giúp được ông Hạnh. Ngày 09/11/2017, tại nhà ông Hạnh, Nguyễn Thị Phượng đã nhận của ông Hạnh số tiền 40 triệu đồng, sau đó đã chi tiêu cá nhân hết số tiền nhận của ông Hạnh, ông đã đến nhà Phượng đòi nhiều lần nhưng Phượng không có khả năng trả lại tiền cho ông Hạnh.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã tích cực tham gia xét hỏi làm rõ thủ đoạn lừa đảo của bị cáo và phân tích đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội của bị cáo gây nên và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức án từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù, tổng hợp với hình phạt 12 năm tù mà bị cáo đang chấp hành của bản án trước cũng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là từ 14 năm đến 14 năm 06 tháng tù; sau khi đánh giá toàn diện vụ án, nhân thân, tính chất mức độ, hậu quả của việc phạm tội, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 02 năm 06 tháng tù và tổng hợp với hình phạt 12 năm tù của bản án trước mà bị cáo đang chấp hành, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 14 năm 06 tháng tù.
Thông qua phiên tòa, đã tuyên truyền giáo dục pháp luật trên đài truyền thanh thành phố về thủ đoạn phạm tội của bị cáo đề mọi người dân biết phòng tránh, tuyên truyền về mức hình phạt nghiêm khắc của Nhà nước đối với người phạm tội, cảnh tỉnh mọi người phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không được lợi dụng chính sách hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước để phạm tội; phiên tòa được thực hiện nghiêm túc trong bối cảnh cả nước đang phòng chống dịch bệnh Covid -19; thông qua phiên tòa các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết án hình sự đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc thực hiện các thao tác kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ số hóa hồ sơ, cách xử lý các tình huống tại phiên tòa để ứng dụng vào trong thực tiễn công tác, nâng cao trình độ, đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ mới, đây là hoạt động thực tiễn, thực hành trong công tác đào tạo cán bộ ngay từ sơ sở.
Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa số hóa, phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình đang tích cực thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ khác như việc xác định các vụ án trọng điểm, lựa chọn các phiên tòa xét xử trực tuyến, phiên tòa lưu động, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nghiệp vụ công tác năm 2021.
Lương Duy Hiển - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình