Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Rút kinh nghiệm đối với bản án tranh chấp chia di sản thừa kế có vi phạm bị hủy án
3/29/2021 6:54:34 AMVụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị L, Trần Văn B, Trần Thị Ng, bị đơn là ông Trần Văn Ph.

Nội dung vụ án:

Cụ Trần Văn K(sinh năm 1931, chết năm 2011) và cụ Nguyễn Thị L(sinh năm 1927, chết năm 2019), hai cụ có 05 người con gồm:  bà Trần Thị L, ông Trần Văn B, ông Trần Đăng Kh(chết 2015), bà Trần Thị Ng và ông Trần Văn Ph. Ngoài ra hai cụ không có con nuôi, con riêng nào khác. Hai cụ chết không để lại di chúc. Ông Trần Đăng Kh chết năm 2015 có vợ là bà Nguyễn Thị D. Ông Kh, bà D có 06 người con chung là: Anh Trần Văn H, chị Trần Thị D,  chị Trần Thị Q, chị Trần Thị Nh, chị Trần Thị H và chị Trần Thị L. Cụ K, cụ L khi còn sống có 01 thửa đất. Trước những năm 1980 các cụ đã tách đất chia cho ông Kh, diện tích 393,3m2.  Ông Kh đã xây nhà trên đất có khuôn viên riêng và đứng tên chủ sử dụng đất tại thửa số 55 bản đồ 299. Theo hiện trạng đo đạc năm  2006 là thửa đất 143, tờ bản đồ số 05.

Trước năm 1990, cụ K, cụ L đã tách cho ông B diện tích 263,6m2. Vợ chồng ông B đã xây nhà trên đất, có khuôn viên riêng. Theo đo đạc hiện trạng năm 2006 là thửa đất số 130 tờ bản đồ số 5 ghi tên chủ sử dụng đất là ông Trần Văn B. Ông B đã nộp thuế diện tích đất này. Diện tích 285 m2 (đất ONT = 200 m2: LNK:  85 m2) còn lại được thể hiện là thửa 49, tờ bản đồ 299. Theo đo đạc hiện trạng năm 2006, thửa 129, tờ BĐ 05 mang tên Trần Văn Ph, Vũ Thị M. Ông Ph, bà M đã xây 01 nhà, công trình phụ khép kín và sân trên diện tích 220,8m2. Cùng trên thửa đất 129 năm 2016 các con cụ L đã góp tiền xây cho cụ L 01 nhà mái bằng và sân trên diện tích 64m2. Giữa nhà của cụ L và nhà ông Ph, bà M có phần sân nhà của cụ L xây tường bao làm ranh giới, hai công trình nhà ở xây sát nhau, phần mái chồng đè lên nhau, chưa có khuôn viên riêng.

Sau khi cụ L chết thì vợ chồng ông Ph, bà M đã khóa cổng nhà cụ L không cho con cháu vào thắp hương, chính quyền địa phương và cơ sở thôn đã tham gia hòa giải nhiều lần nhưng không có kết quả. Từ khi cụ L chết, ngôi nhà và sân cụ L không ai quản lý sử dụng.

Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là diện tích đất của cụ K, cụ L để lại gồm thửa số 129 và thửa 130 do ông B và ông Ph đang quản lý, sử dụng. Đối với ngôi nhà và diện tích 64m2 đã làm nhà thờ, làm sân của cụ L các nguyên đơn không yêu cầu chia thừa kế mà để làm nơi thờ cúng.

Bị đơn ông Trần Văn Ph thống nhất về hàng thừa kế của cụ K, cụ L như nguyên đơn trình bày. Đối với diện tích đất của ông Kh, ông B và ông đều có nguồn gốc của các cụ để lại. Những năm 1980, hai cụ đã tách đất cho ông Kh 393,9m2, cho ông B 397 m2 đất, diện tích còn lại là 285m2. Năm 1990, khi ông  Ph về  thì ông Kh, ông B đã lấy vợ và làm nhà riêng. Năm 2006, bố mẹ ông khi còn sống đã viết di chúc để lại cho ông diện tích 285m2, ông B, bà L, bà Ng đều biết bố mẹ đã cho đất ông, ông không xuất trình được di chúc hai cụ để lại. Ông nộp thuế sử dụng từ đó đến nay  nên ông không đồng ý chia thừa kế, ông chỉ thừa nhận ngôi nhà các con cụ L đóng góp xây cho cụ L ở khi còn sống nhưng nhà xây trên diện tích đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông.

Quá trình giải quyết vụ án

 Bản án sơ thẩm quyết định:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị L, ông Trần Văn B, bà Trần Thị Ng về chia di sản thừa kế

Các đồng thừa kế gồm bà L, ông B, bà Ng, bà D, anh Hg, chị D, chị Quyên, chị Nh, chị H, chị L được  sử dụng chung diện tích  64m2 đất, trên đất có ngôi nhà của cụ L có diện tích 28,2m2. (Có ranh giới, tứ cận cụ thể). Những người trên có nghĩa vụ chung làm nghĩa vụ về đất đối với Nhà nước về diện tích đất làm nơi thờ cúng diện tích 64m2 thuộc thửa đất số 129.

- Ông Ph được quyền sử dụng diện tích đất còn lại là 220,8m2 trong đó có 136,8m2 đất ở và 84,8m2 đất cây lâu năm tại thửa 129.

Buộc ông Ph phải thanh toán giá trị của đất thừa kế quy ra tiền cho những người thuộc hàng thừa kế, mỗi kỷ phần là 15.082.400 đồng

Những vi phạm cần rút kinh nghiệm

- Vi phạm về thủ tục tố tụng:

* Không xem xét giải quyết hết yêu cầu của đương sự:

Các nguyên đơn khi khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều yêu cầu chia thừa kế của bố mẹ là quyền sử dụng đất thửa số 129, 130 hiện nay do vợ chồng ông B và ông Ph đang quản lý, sử dụng. Như vậy các nguyên đơn trong đó có ông B xác định thửa đất 130 vẫn thuộc di sản của hai cụ, ông B chưa có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất ông đang quản lý. Ông Ph có quan điểm nếu xác định đất của ông Ph đang quản lý là di sản thừa kế của cụ K, cụ L thì diện tích đất mà gia đình ông B, ông Kh sử dụng cũng thuộc di sản thừa kế của 2 cụ để chia thừa kế.

Nhận thấy, các đương sự có yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất 129,130. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định ông B đã có tên trên sổ địa chính và xác định ông B có quyền sử dụng hợp pháp đối với thửa đất đó là không chính xác. Ngoài ra theo cung cấp của UBND xã thì cụ K, cụ L còn có tài sản là quyền sử dụng 978m2 đất nông nghiệp hiện nay do ông B, bà H đang quản lý nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định di sản của các cụ để lại; Chưa xem xét, giải quyết đối với các di sản là bỏ sót yêu cầu của đương sự dẫn đến chưa giải quyết toàn diện vụ án.

          * Bỏ sót người tham gia tố tụng

          Thửa đất số 130 hiện nay vợ chồng ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị H đang quản lý sử dụng. Ông B, bà H đã xây dựng nhà ở và công trình trên đất, tuy nhiên Tòa án cáp sơ thẩm không đưa bà H tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo khoản 4 Điều 68 BLTTDS là thiếu sót.

*Về thu thập chứng cứ

Các đương sự không thống nhất với nhau về giá trị tài sản gắn liền trên thửa đất 129,130 trong đó có ngôi nhà mái bằng và các công trình xây dựng cho cụ L ở khi còn sống nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không định giá các tài sản đó là chưa thu thấp đầy đủ chứng cứ để xác định giá trị di sản làm cơ sở để giải quyết vụ án là vi phạm Điều 97, Điều 104 BLTTDS.

- Vi phạm về nội dung

* Cụ K, cụ L không để lại di chúc có nội dung để lại di sản làm nơi thờ cúng. Các đương sự không thống nhất được việc tách ngôi nhà để làm nơi thờ cúng. Nhưng bản án sơ thẩm lại tách đất làm nơi thờ cúng và chia cho bà L, ông B, bà Ng và những người trong hàng thừa kế của ông Kh quản lý sử dụng mà không tuyên quyền sử dụng chung của ông Ph làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ph.

* Bản án sơ thẩm xác định 284,8m2 là di sản thừa kế, các đương sự yêu cầu chia bằng hiện vật tuy nhiên bản án Tòa án chia diện tích di sản còn lại cho ông Ph sử dụng, buộc ông Ph phải thanh toán kỷ phần di sản cho bà L, bà Ng, ông B và hàng thừa kế của ông Kh là không đúng quy định theo Điều 610,  Điều 645 BLDS.

Do bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung nên Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để cấp sơ thẩm xét xử lại.

Nhâm Huyền- p9

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 84

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5885950