Tin nghiệp vụ
Rút kinh nghiệm bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm vi phạm về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, số tiền phải thanh toán và thời điểm chịu lãi suất, án phí.
4/1/2021 10:00:18 AMQua công tác kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn: Ngân hàng X, bị đơn: Công ty Y, thấy Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, cần rút kinh nghiệm như sau:

1. Nội dung vụ án:

Công ty Y vay vốn của Ngân hàng X với tổng hạn mức cấp tín dụng: 4.000.000.000 VNĐ, theo Hợp đồng tín dụng số 09100H0762/1LC ngày 08/01/2015. Biện pháp đảm bảo: Công ty thế chấp tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất tọa lạc tại thửa đất số 12, tờ bản đồ số 12/DC theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ngày 25/01/2011 cho ông Th, bà O và động sản gồm lô máy phát điện đã qua sử dụng theo Hợp đồng thế chấp động sản số 09101H0760/1/HĐTC ngày 08/01/2015 để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty tại Ngân hàng.

Công ty đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng đã nhiều lần yêu cầu Công ty trả nợ nhưng đến nay Công ty vẫn không trả được nợ. Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Toà án buộc Công ty phải thanh toán cho Ngân hàng toàn bộ số tiền nợ gốc, nợ lãi, tiền phạt chậm trả, tạm tính đến ngày 24/02/2020 là 5.063.500.508 đồng. Công ty còn phải tiếp tục trả lãi phát sinh từ ngày 24/02/2020 đến ngày Công ty thực tế thanh toán hết nợ cho Ngân hàng theo lãi suất quá hạn được thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng đã ký. Trong trường hợp Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán nợ cho Ngân hàng, Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mãi các tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Ngân hàng. Trường hợp các tài sản thế chấp không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Công ty phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Ngân hàng yêu cầu Công ty phải chịu mọi chi phí phát sinh.

Công ty thừa nhận đã kí hợp đồng với Ngân hàng vay 4 tỷ đồng theo 05 khế ước nhận nợ và tính đến ngày 24/02/2020 còn nợ gốc là 2.676.000.000 đồng như Ngân hàng trình bày. Công ty đang gặp khó khăn đề nghị Ngân hàng chấp nhận cho Công ty trả dần số nợ gốc trong 05 năm, mỗi năm trả từ 200 triệu đến 500 triệu đồng, lộ trình trả 06 tháng một lần vào cuối kỳ và cho khoanh nợ lãi để tập trung trả nợ gốc, miễn giảm lãi và lãi phạt quá hạn cho Công ty.

2. Quá trình giải quyết vụ án

2.1. Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố A quyết định:     

        1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Á.

        1.1. Tuyên buộc công ty phải trả nợ cho Ngân hàng với tổng số tiền là nợ gốc 2.676.000 đồng. Lãi quá hạn 2.387.500.508 đồng. Tổng 5.063.500.508 đồng. Công ty còn phải tiếp tục trả lãi phát sinh từ ngày 25/02/2020 đến ngày Công ty thực tế thanh toán hết nợ cho Ngân hàng theo lãi suất quá hạn được thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng đã ký. Trong trường hợp Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán nợ cho Ngân hàng, Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mại các tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Ngân hàng, gồm; Tài sản là động sản gồm lô máy phát điện đã qua sử dụng theo Hợp đồng thế chấp động sản số 09101H0762/1/HĐTC ngày 08/01/2015 để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty tại Ngân hàng.

        2. Tuyên Hợp đồng thế chấp tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất tại thửa đất số 12, tờ bản đồ số 12/DC, được  cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ458112 ngày 25/01/2011 cho ông Th và bà O đã bị Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định thu hồi hợp đồng vô hiệu. Bác yêu cầu phát mại tài sản thế chấp tại hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai số 09101H0762/1/HĐTC ngày 08/01/2015tại văn phòng công chứng.

        3. Nếu số tiền thu được từ việc xử lý tài sản đảm bảo của Công ty không đủ trả nợ cho Ngân hàng thì ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự xử lý bất kỳ tài sản nào thuộc quyền sở hữu của Công ty để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 13/10/2020, Ngân hàng có đơn kháng cáo đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

3.1. Vi phạm về thủ tục tố tụng:

* Vi phạm về việc lấy lời khai của đương sự

Tại đơn khởi kiện ngày 05/01/2019, Ngân hàng yêu cầu Toà án giải quyết buộc:

1. Công ty trả cho Ngân hàng tổng số nợ còn thiếu tính đến ngày 02/ 01/2019 là 4.848.688.550 VNĐ và tiền lãi phát sinh từ ngày 02/01/2019 đến ngày Công ty thực trả hết nợ cho ngân hàng theo lãi suất quá hạn được thỏa thuận theo hợp đồng tín dụng đã ký.

2. Nếu Công ty không thực hiện theo yêu cầu tại điểm 1 thì Ngân hàng được quyền yêu cầu Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát mại các tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

3. Trường hợp tài sản đảm bảo không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Công ty tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng.

4. Công ty phải chịu mọi chi phí phát sinh.

Mặc dù, quá trình giải quyết vụ án, tại các bản tự khai và biên bản hòa giải Ngân hàng vẫn giữ nguyên các yêu cầu trên nhưng không thể hiện nội dung yêu cầu cụ thể về chi phí phát sinh là những chi phí nào, Mức yêu cầu cụ thể là bao nhiêu. Như vậy, nội dung bản khai của Ngân hàng chưa đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên thẩm phán không tiến hành lấy lời khai của đương sự để làm rõ yêu cầu này là vi phạm Điều 98 Bộ luật tố tụng dân sự. Kiểm sát viên không thực hiện quyền yêu cầu đối với vi phạm này của Tòa án. Mặt khác, tại phiên tòa sơ thẩm, hội đồng xét xử và Kiểm sát viên cũng không làm rõ yêu cầu về chi phí phát sinh của ngân hàng. Bản án không nhận định và quyết định đối với yêu cầu này là thiếu sót vi phạm Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự.

* Vi phạm về chi phí tố tụng:

Tại mục [3] của bản án sơ thẩm nhận định: Nguyên đơn tự nguyện chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và không yêu cầu Tòa án giải quyết nên không đặt ra giải quyết. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm Ngân hàng cho rằng Ngân hàng không đưa ra thỏa thuận trên. Hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện quan điểm trên của nguyên đơn, không thể hiện việc thu, chi trả tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Việc làm trên của Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm Điều 155 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Mặt khác, Ngân hàng yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ đối với thửa đất của ông Th, bà O thế chấp cho Ngân hàng theo Hợp đồng thế chấp và đề nghị Ngân hàng có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp này để trả nợ cho Ngân hàng. Yêu cầu này không được tòa án chấp nhận nên nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định thuộc về Ngân hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 157 BLTTDS.

3.2. Vi phạm về nội dung

*  Xác định không đúng thời gian chậm trả và số tiền phải thanh toán.

Tại bản tự khai ngày 24, 25/02/2020 và biên bản hòa giải ngày 17/5/2020, Ngân hàng yêu cầu Công ty phải thanh toán cho Ngân hàng toàn bộ số tiền nợ gốc, nợ lãi, tiền phạt chậm trả và các khoản phát sinh liên quan, tạm tính đến ngày 24/02/2020 là 5.063.500.508 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên không yêu cầu Ngân hàng xác định số tiền nợ gốc, nợ lãi, tiền phạt chậm trả tính đến ngày xét xử sơ thẩm 30/9/2020 và bản án cũng không xác định, nhận định số tiền nợ gốc, nợ lãi, tiền phạt chậm trả tính đến ngày xét xử sơ thẩm 30/9/2020. Bản án sơ thẩm quyết định: Tuyên buộc công ty phải trả nợ cho Ngân hàng với tổng số tiền là nợ gốc 2.676.000 đồng. Lãi quá hạn 2.387.500.508 đồng. Tổng 5.063.500.508 đồng là không đúng quy định của pháp luật vi phạm Điều 6, Điều 8 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP. Do xác định không đúng số tiền phải thanh toán nên việc tính án phí của bản án không đúng làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.

* Xác định không đúng thời điểm chịu lãi.

Ngày 30/9/2020, Tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm lại quyết định: Công ty còn phải tiếp tục trả lãi phát sinh từ ngày 25/02/2020 đến ngày Công ty thực tế thanh toán hết nợ cho Ngân hàng theo lãi suất quá hạn được thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng đã ký.

Bản án Quyết định như trên là không đúng quy định của pháp luật, vi phạm hướng dẫn tại điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Vì vậy cấp phúc thẩm đã sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm do vi phạm về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, số tiền phải thanh toán và thời điểm chịu lãi suất, án phí.

 Minh Hồng - Phòng 9

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1302

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5867431