Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Hiểu thế nào là “hành vi trái pháp luật”?
4/6/2021 2:49:14 PMThời gian gần đây, tội phạm Làm và sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan tổ chức đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các giao dịch mua bán nhà đất hoặc tài sản khác dẫn đến không ít người dân bị chịu thiệt thòi từ hành vi này. Từ tội phạm này dẫn đến một loạt các hành vi phạm tội khác về xâm phạm sở hữu, nhất là tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đấu tranh với loại tội phạm này là yêu cầu tất yếu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật, còn có những quan điểm khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc xử lý.

Quy định của luật

          Trước đây, trong Bộ luật hình sự năm 1999, tại Điều 267 quy định tội Làm giả con dấutài liệu của cơ quan, tổ chức như sau: "Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Như vậy, theo quy định này, tội phạm được thực hiện bởi hai hành vi là “làm” hoặc “sử dụng”. Đặc biệt, với hành vi “sử dụng”, người phạm tội chỉ cần sử dụng con dấu, tài liệu mà mình biết rõ là giả để lừa dối cơ quan, tổ chức, công dân (tức là làm cho cơ quan, tổ chức, công dân tưởng là thật) cũng bị xử lý về tội này.

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 như sau: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Theo quy định mới này, về tên điều luật, mặc dù vẫn ghép chung trong Điều 341, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có sự tách biệt, rành mạch giữa hai hành vi: nếu người nào có hành vi “làm giả” thì bị xử lý về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; còn nếu chỉ sử dụng thì bị xử lý về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” chứ không xử lý chung về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” như trước đây nữa.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất trong cấu thành tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 so với Điều 267 trước đây không phải nằm ở tên điều luật, mà nằm ở “hành vi thứ phát”, hành vi nối theo sau của hành vi “làm, sử dụng”. Nếu như ở quy định cũ, chỉ cần “sử dụng con dấu, tài liệu giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức cá nhân” đã có thể xử lý hình sự, nên rất dễ áp dụng cho các cơ quan tố tụng. Thì hiện nay, để xử lý được tội này, người đó cần sử dụng “thực hiện hành vi trái pháp luật”. Song thực tiễn, không phải vụ án nào cũng có thể xác định rõ việc “thực hiện hành vi trái pháp luật”.

Hiểu thế nào là “hành vi trái pháp luật”?

 Hiện có những quan điểm khác nhau trong việc xác định như thế nào là “hành vi trái pháp luật”, khiến việc áp dụng thiếu thống nhất. Chúng tôi xin đưa ra vài ví dụ cụ thể dưới đây:

Vụ thứ nhất: Tháng 3/2016, mặc dù chưa ly hôn vợ (là bà Trần Thị T., kết hôn năm 1977, ở tỉnh H.T), nhưng Nguyễn Hoà B. đã tìm mua và sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giả của bản thân, lừa dối cán bộ UBND xã Đ. C, huyện Đ. H, tỉnh T.B làm thủ tục đăng ký kết hôn và về sống chung với bà Ngô Thị H. ở xã Đ. C và được UBND xã Đ. C cấp giấy chứng nhận hôn nhân.

TAND tỉnh T.B đã xét xử Nguyễn Hòa B. về tội “Sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của Nguyễn Hòa B. không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cơ quan điều tra đã có công văn đề nghị UBND xã Đ. C xử phạt hành chính. Đồng thời, Cơ quan điều tra có công văn đề nghị Hội liên hiệp phụ nữ huyện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật giữa Nguyễn Hòa B. và bà Ngô Thị H..

Vụ thứ 2: Tháng 11/2019, thông qua mạng xã hội, Trương Văn Thế có hành vi cung cấp thông tin cá nhân của Thế và gửi ảnh Giấy đăng ký mô tô, xe máy của chủ xe Vũ Văn Huy để đặt làm giả 01 Giấy chứng nhận xe mô tô, xe máy mang tên chủ xe Trương Văn Thế với giá 2 triệu đồng. Sau đó, Thế đã mượn xe của anh Vũ Văn Huy và sử dụng giấy tờ giả này bán cả xe cùng giấy tờ với giá 60 triệu đồng.

Trương Văn Thế đã bị đưa ra xét xử về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (do mượn xe của anh Bắc mang đi bán).

Hiện 2 vụ án trên đã được các cơ quan tố tụng địa phương giải quyết dứt điểm, không có vướng mắc gì, do đã xác định rõ “hành vi trái pháp luật” (ở vụ thứ nhất là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và đã được xử lý vi phạm hành chính; ở vụ thứ hai là hành vi phạm tội về xâm phạm sở hữu). Tuy nhiên, bên cạnh những vụ án đã được giải quyết dứt điểm thì hiện có một số vụ án gặp vướng mắc, mà vụ án sau là một ví dụ:

Từ mối quan hệ quen biết, năm 2018, Nguyễn Thị A. có vay (lãi) của Trần Thị B. 2 tỉ đồng để làm ăn, A. trả lãi đầy đủ hàng tháng theo thỏa thuận. Năm 2020, B. thúc giục đòi toàn bộ số tiền gốc song A. do làm ăn thua lỗ không có tiền trả B., B. yêu cầu phải có tài sản thế chấp thì mới cho gia hạn vay tiếp. A. đã nghĩ ra việc đưa cho B. giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) giả để B. tin tưởng đồng ý kéo dài thời gian trả nợ. A. đã lên mạng đặt mua 3 GCNQSDĐ giả rồi đưa cho B. Tin tưởng giấy tờ là thật nên B. tiếp tục cho A. giãn nợ, sau đó A. cũng trả được 300 triệu đồng cho B. rồi mất khả năng thanh toán. Khi B. phát hiện ra 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do A. đưa là giả đã tố cáo hành vi của A.

Hành vi sử dụng 3 GCNQSDĐ giả của A. có cấu thành tội “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hay không, hiện còn có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: A. phạm tội “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” vì đã cố ý sử dụng 3 tờ GCNQSDĐ mà mình biết rõ là giả đưa cho B. để giãn nợ. Mặc dù không cấu thành thêm tội phạm thuộc nhóm tội về xâm phạm sở hữu như lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản..., nhưng A. đã vi phạm về nghĩa vụ trung thực trong giao dịch dân sự, là nguyên tắc chung được quy định trong Bộ luật dân sự, do đó, hành vi gian dối của A trong giao dịch dân sự, làm B lầm tưởng đó là giấy tờ thật để tiếp tục hợp đồng vay mượn đó là “hành vi trái pháp luật”.

Quan điểm thứ hai hoàn toàn trái ngược với quan điểm thứ nhất khi cho rằng: hành vi trái pháp luật ở đây phải được quy định cụ thể trong các văn bản của cơ quan nhà nước và phải bị xử lý hình sự hoặc hành chính. Ví dụ, nếu A. sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì mới xử lý được thêm tội “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Hoặc việc sử dụng giấy tờ giả rõ ràng vi phạm hành chính, bị xử phạt theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc các luật, văn bản khác có quy định về việc bị phạt này, thì mới bị coi là “hành vi trái pháp luật”. Còn với trường hợp nêu trên, A chỉ sử dụng giấy tờ giả để B tin tưởng kéo dài thời gian trả nợ là không vi phạm quy định nào, không phải hành vi trái pháp luật và không cấu thành tội “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo chúng tôi, cả hai quan điểm đều có những điểm hợp lý và bất cập riêng. Ở quan điểm thứ nhất đã chỉ ra việc sử dụng giấy tờ giả của A lừa dối B để B tin tưởng tiếp tục hợp đồng cho vay tài sản, là hành vi trái pháp luật dân sự về nguyên tắc trung thực. Tuy nhiên, giao dịch dân sự là lĩnh vực rộng nhất, phổ biến nhất trong các quan hệ pháp luật, nên lập luận vi phạm nguyên tắc trung thực chính là “hành vi trái pháp luật” ở đây chưa đủ sức thuyết phục. Còn ở quan điểm thứ hai, nếu yêu cầu “hành vi trái pháp luật” phải là hành vi được xử lý hình sự hoặc hành chính mới bảo đảm để xử lý tội phạm này thì dễ dẫn đến việc quá e dè trong xử lý tội phạm và không bảo đảm được yêu cầu đấu tranh phòng, chống với loại tội phạm đang có xu hướng diễn biến phức tạp này. Ngoài ra, đối với tội danh này, việc một người cung cấp thông tin để thuê người khác làm giả giấy tờ, sau đó mang đi sử dụng, định tội “làm giấy tờ, tài liệu giả” hay “sử dụng giấy tờ, tài liệu giả”, hoặc xử lý tội danh ghép cũng là vấn đề còn nhiều quan điểm trái chiều.

Thiết nghĩ trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với tội danh này, trong đó có vấn đề như tác giả đã nêu trên, nhằm xử lý đúng quy định, tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, bảo đảm được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Bùi Thị Thảo- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 3034

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5806248