Vướng mắc trong công tác thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm
4/15/2021 2:01:09 PMCông tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, là căn cứ để kịp thời phát hiện hành vi phạm tội xảy ra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm được quy định tại Chương IX Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015(BLTTHS) và được hướng dẫn áp dụng tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Liên ngành Trung ương(TTLT số 01/2017). Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
Nguồn tin về tội phạm được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 BLTTHS gồm: “tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”. Đây cũng là các căn cứ để Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 143 BLTTHS.
Về căn cứ, trình tự thủ tục, chức năng nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm được quy định cụ thể từ Điều 144 đến Điều 152 BLTTHS và TTLT số 01/2017, gồm: Tố giác của công dân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước và Người phạm tội tự thú. Riêng nguồn tin về tội phạm do “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm”, tại Điều 151 BLTTHS chỉ quy định: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì quyết định việc khởi tố vụ án theo thẩm quyền hoặc chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết” mà không quy định rõ về trình tự thủ tục thụ lý và thời hạn giải quyết. TTLT số 01/2017 cũng không hướng dẫn thủ tục thụ lý và thơi hạn giải quyết đối với loại nguồn tin tội phạm này. Vì vậy, khó khăn cho việc thụ lý, giải quyết của Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nói chung(chủ yếu là Cơ quan Cảnh sát điều tra) và Viện kiểm sát nhân dân nói riêng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Đối với trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm qua hoạt động nghiệp vụ trinh sát, mặc dù đã tiến hành kiểm tra, xác minh(triệu tập lấy lời khai của nghi phạm, của người làm chứng…) nhưng không vào sổ thụ lý, không ban hành quyết định phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và không chuyển nguồn tin đến Viện kiểm sát để Viện kiểm sát thụ lý, phân công Kiểm sát viên theo quy định nên có thể có vụ việc giải quyết kéo dài hoặc không triệt để, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân mà Viện kiểm sát cũng không nắm bắt được thông tin. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân biết rõ được thông tin vụ việc thì vướng mắc là: Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định và TTLT 01/2017 không hướng dẫn về trình tự, thủ tục thụ lý và giải quyết nguồn tin này nên Viện kiểm sát không có căn cứ để thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý, giải quyết theo trình tự và thời hạn quy định tại Điều 147 BLTTHS. Sau khi kiểm tra, xác minh loại nguồn tin này thấy có đủ dấu hiệu của tội phạm Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, bị can và chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát đề nghị phê chuẩn theo quy định. Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm và tiến hành phê chuẩn. Tuy nhiên, nguồn tin tội phạm này không được thụ lý, kiểm tra, xác minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì “không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự” (Điều 87 BLTTHS). Nhưng nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì rõ ràng bỏ lọt tội phạm.
Đối với trường hợp, qua điều tra vụ án Cơ quan Cảnh sát điều tra còn phát hiện có dấu hiệu có thêm đồng phạm hoặc có dấu hiệu của tội phạm khác song chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can đồng phạm, cũng chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án đối với tội phạm khác thì thực tế trong bản kết luận điều tra vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát thường lập luận là “Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh xử lý sau”. Song thực tế thủ tục xử lý sau đối với nguồn tin tội phạm này đều lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục thụ lý và thời hạn giải quyết.
Từ thực tiễn nêu trên, đề nghị Liên ngành tư pháp Trung ương cần xem xét trước hết sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 01/2017 nhằm tháo gỡ vướng mắc để công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đảm bảo toàn diện, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.
Nguyễn Thị Kim Oanh-VKSND huyện Đông Hưng