Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Trao đổi về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án
5/24/2021 10:07:49 AMLuật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 16/6/2020. Luật gồm 4 chương với 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh Thái Bình đã triển khai thi hành luật. Đã có nhiều vụ việc hòa giải thành được chuyển hồ sơ cho Tòa án để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố đã thực hiện việc kiểm sát Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án.

Hiện nay Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác này, trên cơ sở thực tiễn thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian qua, chúng tôi xin trao đổi một số nội dung cần quan tâm trong công tác kiểm sát việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau: 

1. Đối tượng, thời điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định.

Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính.

Hòa giải các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự), theo quy định của Bộ luật Tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Đối thoại đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định Luật Tố tụng hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thời điểm thực hiện hòa giải, đối thoại là sau khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nhưng trước khi Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

2. Các trường hợp phải trả chi phí hòa giải, đối thoại (Quy định tài Điều 9 của Luật)

Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách Nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu:

- Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án;

- Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

- Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

- Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại khi các bên thống nhất chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, trước khi Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Như vậy khi kiểm sát các quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại cần kiểm sát xem có thuộc trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải chịu chi phí hòa giải không.

        3. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại

Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có 07 trường hợp không được tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bao gồm:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

- Những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

- Người khởi kiện, bị kiện… đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng;

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

- Một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại;

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Việc quy định những vụ việc không hòa giải đối thoại tại Tòa án vừa phù hợp với tính chất hòa giải, đối thoại vừa phù hợp với Điều 206, Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 135 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Như vậy khi kiểm sát các quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại cần kiểm sát xem có thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại không.

4. Được xem xét lại Quyết định hòa giải thành, đối thoại thành

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật được thi hành ngay, tuy nhiên, nếu phát hiện quyết định đó vi phạm những điều kiện công nhận, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải có cơ chế khắc phục.

Hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án là hoạt động ngoài tố tụng, nên quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án ban hành không phải là văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Vậy nên không thể xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm mà phải có cơ chế xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo thủ tục riêng.

Từ Điều 35 đến Điều 37 của Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án quy định thủ tục xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Điều 35. Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

1. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

2. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

3. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Điều 36. Đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

1. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

2. Các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà họ không thực hiện được quyền đề nghị theo đứng thời hạn thì thời gian đó không tính vào thời hạn đề nghị.

3. Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xém xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.

Điều 37. Thủ tục đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Người đề nghị, Viện kiểm sát kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải gửi đơn đề nghị, văn bản kiến nghị đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Như vậy khi kiểm sát các quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, nếu có vi phạm, Viện kiểm sát cùng cấp chỉ có quyền kiến nghị Tòa án xem xét lại mà không có quyền kháng nghị.

Trên đây là một số trao đổi về quyền hạn, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong Luật hoà giải, đối thoại tại Tòa án. Mong được sự trao đổi của các đồng chí để có một nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn cũng như có các giải pháp để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong công tác này./.

Hải Bằng- Phòng 9

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 128

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5331243