Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Một số kinh nghiệm giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em
5/25/2021 4:29:43 PMNhững năm gần đây, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Hậu quả của loại tội phạm này gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, làm hủy hoại văn hóa truyền thống dân tộc, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em, các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các vụ án thường xảy ra ở nơi vắng vẻ, chỉ có đối tượng và nạn nhân tại hiện trường, không có người làm chứng trực tiếp, trong khi các đối tượng bị tố giác thường ngoan cố, khai báo quanh co, chối tội hoặc chỉ nhận một phần hành vi phạm tội. Đối với hành vi dâm ô hoặc hành vi quan hệ tình dục khác không để lại chứng cứ vật chất. Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, gia đình biết nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em, dẫn đến trình báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên đã vô tình tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa hết dấu vết. Một số trường hợp, sau khi bị xâm hại tình dục thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn nên rất khó để chứng minh hành vi phạm tội. Thực tế quá trình điều tra, tuy tố xét xử, có vụ án người thực hiện hành vi phạm tội thỏa thuận bồi thường với gia đình bị hại (hoặc vì lý do khác như bị đe dọa, ép buộc; người thực hiện hành vi phạm tội là người thân thích của bị hại...) nên bị hại thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Nhận thức rõ tính phức tạp, đặc thù trong quá trình giải quyết án xâm hại tình dục trẻ em,trong thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình luôn chú trọng quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức hai cấp kiểm sát Thái Bình các Chỉ thị, Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và ngành cấp trên về phòng, chống vi phạm, tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em như: Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chương trình phối hợp số 11/CTPH ngày 26/02/2019 giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022; Chương trình phối hợp ngày 25/02/2020 giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Thái Bình, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân dân và Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022…. Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Thái Bình đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật về điều tra, xử lý các vụ án hình sự liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em như Luật trẻ em 2016; Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - thương binh và xã hội về việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.  Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi….Các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em đều được các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn tin báo đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trên được quan tâm và xử lý nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh.

Từ thực tiễn giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian qua, cá nhân tôi thấy ngoài việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành, cần tập trung làm tốt những nội dung sau:

* Trong kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường và thu thập chứng cứ ban đầu.

Cần có phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay từ khi tiếp nhận thông tin tội phạm hoặc đơn trình báo của bị hại, gia đình bị hại. Kiểm sát viên phải trao đổi với Điều tra viên thực hiện ngay một số hoạt động như: thu giữ dấu vết vật chất đặc biệt là lông, tóc, sợi, dịch, máu, quần áo ... trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; phối hợp với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, cán bộ đã được đào tạo chuyên môn về quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em để xử lý thông tin ban đầu, thăm khám, thu thập dấu vết, vật chứng có liên quan trên thân thể nạn nhân để tiến hành giám định pháp y trong thời gian nhanh nhất nhằm kết luận có hay không dấu hiệu xâm hại tình dục.

Việc kiểm sát khám nghiệm hiện trường phải được tiến hành chặt chẽ, tỉ mỉ, toàn diện.Thực tế, ngay sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan điều tra tiến hành đồng thời các hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường và ghi lời khai. Vì vậy, Kiểm sát viên phải nắm bắt thông tin kịp thời của các tổ điều tra khác nhau để yêu cầu Điều tra viên chủ trì khám nghiệm thu giữ đầy đủ mẫu vật liên quan vụ án, không bỏ sót các dấu vết, đồ vật, vật chứng quan trọng có giá trị chứng minh tội phạm. Từ đó đánh giá lời khai của bị hại có căn cứ hay không và cũng là căn cứ để đấu tranh với đối tượng bị tố giác.

Quá trình điều tra cần khẩn trương lấy lời khai bị hại, đối tượng, nhân chứng; xác định ngày, tháng, năm sinh của người bị hại, người bị tố giác thông qua giấy khai sinh, qua các tài liệu nhân thân hoặc giám định khi cần thiết; làm rõ người bị hại bị xâm hại tình dục một lần hay nhiều lần? thời gian, không gian, địa điểm chính xác, hình thức, thủ đoạn của hành vi xâm hại; vụ án có đồng phạm hay không? Đối tượng có tiền án tiền sự không? Người bị hại có những đặc điểm gì khác biệt về thể chất, về gia đình? Giám định là bắt buộc để xác định tổn hại sức khỏe, về nhóm máu, về việc có thai hay không, có bị nhiễm các bệnh khác như HIV không? … kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử người giám hộ, người đại diện, người thực hiện trợ giúp pháp lý, người bào chữa để tham gia tố tụng đối với bị hại là trẻ em.

Đa số các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường không thu được chứng cứ vật chất, không có nhân chứng trực tiếp. Vì vậy, Kiểm sát viên phải kịp thời đề ra yêu cầu điều tra hoặc bổ sung yêu cầu điều tra khi có phát sinh tình tiết mới để phối hợp và hỗ trợ Điều tra viên áp dụng các biện pháp điều tra phù hợp đối với từng vụ án như: nhận dạng, thực nghiệm điều tra, truy vết qua các thiết bị giám sát, định vị, lấy lời khai các nhân chứng gián tiếp..., từ đó phối hợp với Điều tra viên đối chiếu tìm ra bất hợp lý trong lời khai của đối tượng với các nguồn chứng cứ khác, tránh tình trạng đánh giá chứng cứ nặng về cảm tính, suy diễn chủ quan, áp đặt.

* Trong kiểm sát hoạt động lấy lời khai của người bị hại và hỏi cung bị can.

Khi giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, Kiểm sát viên cần phải quan tâm làm rõ các đặc điểm riêng biệt như: độ tuổi, đặc điểm tính cách của nạn nhân, hoàn cảnh gia đình. Căn cứ vào đặc điểm của từng bị hại để có những biện pháp tác động cụ thể, kịp thời. Ví dụ trong trường hợp các em do chưa nhận thức đầy đủ đã đồng tình hoặc chủ động trong quan hệ tình dục, khi người lớn phát hiện không động viên, nâng đỡ mà dùng bạo lực với các em, dẫn đến các em sẽ khai báo không đúng sự thật, hoặc khi trẻ em bị xâm hại nhưng do bị đe dọa nên sợ không dám nói ra sự thật,… Những trường hợp này cần có biện pháp phối hợp với gia đình động viên, tôn trọng trẻ em và có biện pháp chia sẻ để các em hiểu, yên tâm trình bày trung thực vụ việc.

Khi hỏi trẻ em, không dùng những từ ngữ mang tính chất chuyên môn, cần hỏi những câu rõ ý để trẻ em trả lời đúng, sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu mà ở nhà ông bà, bố mẹ hay dùng để trao đổi với trẻ.

Đối với trẻ còn quá nhỏ, khi tiến hành lấy lời khai cần phải mời chuyên gia tâm lý tham gia cùng. Trong trường hợp không mời được thì khi tiếp cận trẻ em cần quan sát thái độ, cử chỉ, hành động của các em. Khi lấy lời khai người nhà nạn nhân cần hỏi gia đình về những dấu hiệu bất thường ở trẻ như: có biểu hiện giật mình trong giấc ngủ, tự nhiên khóc thét, ngại tắm, sợ cởi quần áo khi tắm, sợ bị người khác chạm vào người, không thích đến chỗ đông người, không thích ở một mình, thay đổi tính nết, tự nhiên có tiền hoặc quà, phát ngôn những từ mới, vẽ hình ảnh bất thường về tình dục, có hành vi tình dục không phù hợp,… để có phương pháp tiếp cận trẻ phù hợp.

Kiểm sát viên phải tham gia trực tiếp các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại và các hoạt động điều tra khác; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018. Khi hỏi cung bị can, phải ghi âm, ghi hình có âm thanh đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo không để xảy ra tình trạng mớm cung, bức cung, nhục hình, thông cung dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án.

* Về công tác phối hợp chỉ đạo:

Viện kiểm sát cấp huyện sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thì phải kịp thời báo cáo ban đầu đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để chỉ đạo; phân công những Kiểm sát viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường các vụ xâm hại tình dục trẻ em cần đề nghị Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh phân công cán bộ có chuyên môn tham gia khám nghiệm. Thực tiễn cho thấy tất cả các vụ án có cán bộ kỹ thuật hình sự tham gia thì cơ bản đều phát hiện, thu thập đầy đủ dấu vết phục vụ công tác giám định. Qua đó góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Lãnh đạo Viện kiểm sát và lãnh đạo Cơ quan điều tra phải sát sao trong việc hướng dẫn, chỉ đạo Điều tra viên, Kiểm sát viên phối hợp trong các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ ban đầu; thống nhất đánh giá về căn cứ để quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; nếu có căn cứ để bắt, tạm giữ thì khẩn trương thực hiện, tránh việc đối tượng phạm tội thay đổi lời khai, tiêu hủy dấu vết, vật chứng gây khó khăn cho việc xử lý.

 Trên đây là một số kinh nghiệm giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em, tác giả trao đổi cùng các đồng nghiệp tham khảo./.

Vũ Thị Thanh-  Phòng 2 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình.

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 36

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5885872