Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Một số vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện quy định về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự.
6/2/2021 10:35:40 AMQuy định về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là một trong những điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật tố tụng năm 2003. Việc luật hóa quy định này không chỉ khắc phục thiếu sót của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 mà còn nhằm hạn chế việc kéo dài thời hạn giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, là căn cứ pháp lý cho việc tạm dừng xác minh cũng như cơ sở cho việc phục hồi, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau này. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể tại Điều 148.

Tuy nhiên qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho thấy  quy định về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố còn một số vướng mắc, bất cập, trong việc nhận thức và thực hiện khiến cho ý nghĩa của quy định này chưa được đảm bảo và phát huy triệt để. Cụ thể là:

          - Khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định:  Hết thời hạn quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc  giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:

          + Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả

          + Đã yêu cầu Cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.

          Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chỉ quy định 02 căn cứ để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố như đã nêu trên. Tuy nhiên thực tế có những vụ việc Cơ quan điều tra đã thực hiện đầy đủ 02 căn cứ nêu trên và áp dụng tất cả các biện pháp điều tra cần thiết, có thể thực hiện nhưng hết thời hạn xác minh, giải quyết tin báo theo Điều 147 BLTTHS vẫn chưa thu thập đủ tài liệu chứng cứ làm căn cứ để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm. Hiện nay mới chỉ có Thông tư 28/2020/TT/BCA ngày 26/3/2020 của Bộ công an hướng dẫn về nội dung này theo hướng Cơ quan điều tra trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết vụ việc. Trên cơ sở sự thống nhất của hai ngành, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo. Tuy nhiên nội dung hướng dẫn này còn chung chung, thiếu cơ sở pháp lý. Mặt khác có quan điểm cho rằng đây chỉ là văn bản hướng dẫn của nội ngành Công an nên không có giá trị pháp lý để áp dụng chung. Do đó đến nay đây vẫn là khó khăn vướng mắc cần được ủy ban tư pháp quốc hội và liên ngành tư pháp các cấp nghiên cứu hướng dẫn kịp thời để việc giải quyết tin báo được chính xác và thống nhất.

          Còn trong giải quyết các tin báo cụ thể hiện nay đối với các đơn vị thường xuyên vướng mắc nhất vẫn là việc giải quyết đối với các tin báo về cố ý gây thương tích mà người bị hại từ chối giám định. Các vụ việc này đã xác định rõ được đối tượng gây thương tích, thậm chí xác định được việc đối tượng có sử dụng hung khí để gây thương tích, và người bị hại bị thương tích khá nặng. Nhưng quá trình giải quyết tin báo, do nhiều lý do khác nhau người bị hại từ chối giám định thương tích, không chấp hành quyết định của Cơ quan điều tra về việc dẫn giải người bị hại đi giám định thương tích. Do đó không xác định được tỉ lệ thương tích để làm căn cứ khởi tố, cũng không thể ra quyết định không khởi tố vì sẽ bỏ lọt tội phạm. Vì vậy để thận trọng, thông thường các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo. Tuy nhiên việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tin báo theo điểm a hay điểm b khoản 1 Điều 148 BLTTHS thì thực tế vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

          Có quan điểm cho rằng cần phải áp dụng điểm a, khoản 1 Điều 148 BLTTHS vì nội dung “đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả” mà điều luật quy định có thể hiểu theo hai cách. Thứ nhất là Cơ quan điều tra đã trưng cầu , người bị hại đã đi giám định nhưng hết thời hạn giải quyết tin báo Cơ quan được trưng cầu chưa ban hành được kết luận giám định. Thứ hai là Cơ quan điều tra đã trưng cầu nhưng việc chưa có kết quả là do người bị hại từ chối giám định thương tích, không chấp hành quyết định dẫn giải đi giám định của Cơ quan điều tra. Người bị hại và thương tích của người bị hại không thể coi là đồ vật, tài liệu nên không thể áp dụng điểm b, khoản 1 Điều 148 BLTTHS làm căn cứ tạm đình chỉ.

          Quan điểm thứ hai cho rằng chỉ được áp dụng điểm a, khoản 1 Điều 148 BLTTHS nếu Cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu, người bị hại đã đi giám định nhưng hết thời hạn giải quyết tin báo mà cơ quan được trưng cầu chưa ra kết luận giám định. Trong vụ án Cố ý gây thương tích thì thương tích của người bị hại là chứng cứ vật chất quan trọng. Nội dung “đồ vật, tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định” mà điều luật quy định cần được hiểu là các chứng cứ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc khởi tố, không khởi tố vụ án chứ không nên hiểu bó hẹp trong phạm vi nghĩa đen của nội hạm khái niệm “đồ vật, tài liệu”. Do đó trường hợp Cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu nhưng người bị hại từ chối giám định thương tích, không chấp hành quyết định dẫn giải đi giám định thương tích phải được hiểu là Cơ quan điều tra đã yêu cầu cá nhân cung cấp thương tích - vật quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố, không khởi tố vụ án nhưng người bị hại không cung cấp dẫn đến chưa có kết quả và phải áp dụng điểm b, khoản 1 Điều 148 BLTTHS để tạm đình chỉ mới đúng.

          Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, việc nhận thức pháp luật còn có sự khác nhau nên quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn khó khăn, giữa các ngành tư pháp cũng như giữa các cán bộ còn thiếu sự thống nhất trong nhận thức và vận dụng quy định của pháp luật để tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

          Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự. Thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong nhận thức và áp dụng khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Đoàn Thị Sớm- Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiền Hải

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 60

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5334584