Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Một số vướng mắc, bất cập về biện pháp bảo đảm trong hoạt động tín dụng, ngân hàng
6/21/2021 8:49:33 AMHệ thống pháp luật Việt Nam trong những năm gần đây đã quy định tương đối đầy đủ về biện pháp bảo đảm trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Theo pháp luật quy định, nghĩa vụ đảm bảo bằng tài sản bảo đảm thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm. Giá trị tài sản bảo đảm thông thường sẽ lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Các bên có thể thỏa thuận giá trị tài sản bảo đảm bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Tuy nhiên, đối với các khoản vay của tổ chức tín dụng thì pháp luật quy định giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn số tiền vay (bằng 80% giá trị bảo đảm). Quy định này nhằm hạn chế nợ xấu và rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, Viện kiểm sát nhận thấy vẫn còn một số vướng mắc, bất cập sau:

Thứ nhất, quy định thiếu thống nhất đối với biện pháp cầm cố và thế chấp, gây khó khăn trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm.

Từ sự kế thừa quan điểm của Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 đưa ra khái niệm về biện pháp bảo đảm cầm cố và thế chấp. Theo đó, cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp. Từ đó cho thấy, cầm cố và thế chấp không hề có sự phân biệt về loại tài sản. Vì thế, trong hoạt động vay việc cầm cố  bất động sản là hoàn toàn có thể thực hiện. Tuy nhiên, các luật chuyên ngành lại không quy định điều này. Theo quy định lại Luật Nhà ở, quy định về các quyền sở hữu nhà ở thì không nhắc tới quyền cầm cố nhà ở mà chỉ thấy nhắc đến quyền thế chấp nhà ở. Hay tại Điều 167 Luật Đất đai, quy định quyền của người sử dụng đất cũng không hề nhắc tới cầm cố quyền sử dụng đất. Như vậy, quy định trong các văn bản Luật chuyên ngành lại hạn chế quyền cầm cố bất động sản của người sở hữu các quyền này.

Thứ hai, thiếu quy định của pháp luật và chưa thống nhất đối với một số loại tài sản bảo đảm đặc biệt. Bộ luật dân sự năm 2015  và nghị định số 163/2006 đều không quy định rõ ràng về việc sử dụng thế chấp hay cầm cố, trong đó có các quyền tài sản. Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định về việc sử dụng quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo Điều 322. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bãi bỏ điều luật này. Việc bãi bỏ quy định này gây khó khăn cho khách hàng sử dụng quyền tài sản (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp...) để đảm bảo vay vốn.

Thứ ba, chưa thống nhất trong xác định giá trị tài sản bảo đảm. Tại Khoản 2, Điều 306 Bộ luật dân sự đặt ra yêu cầu “việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường”. Đây là một yêu cầu phù hợp nhằm tránh việc tài sản bảo đảm được định giá dưới mức giá thị trường làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bảo đảm. Tuy nhiên, Điều 306 chưa nêu rõ yêu cầu này có áp dụng cho trường hợp bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hay không, nhất là khi mức giá thỏa thuận rõ ràng thấp hơn mức giá thị trường của tài sản bảo đảm? Hơn nữa, Khoản 3 Điều 306 chỉ nêu chế tài bồi thường thiệt hại áp dụng cho hành vi vi phạm của tổ chức định giá trong quá trình định giá tài sản, nên có thể hiểu là yêu cầu định giá phù hợp với giá thị trường chỉ áp dụng cho việc định giá thông qua tổ chức định giá hay không?

          Những hạn chế, bất cập nêu trên không chỉ gây lúng túng cho Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, mà còn gây khó khăn cho Viện kiểm sát khi thực hiện công tác kiểm sát tuân theo pháp luật đối với việc giải quyết các vụ án đó. Trong thời gian tới, đề nghị các cấp có thẩm quyền cần rà soát, điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định liên quan tới quyền bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Cần quy định chế tài cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân, Công an, Thi hành án dân sự trong quá trình hỗ trợ các tổ chức tín dụng thu hồi tài sản bảo đảm.

Thứ hai, cần thiết phải pháp điển hóa Luật giao dịch bảo đảm. Đăng ký giao dịch bảo đảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, các quy phạm pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định tản mạn tại nhiều luật và văn bản dưới luật, gây khó khăn cho công tác đăng ký giao dịch bảo đảm. Luật giao dịch bảo đảm sẽ thống nhất các quy định tản mạn tại các văn bản pháp luật khác nhau về một mối, giúp thuận tiện hơn trong việc áp dụng. Hơn nữa, việc ban hành Luật giao dịch bảo đảm thay vì các Nghị định hướng dẫn thi hành như hiện nay cũng phản ánh đúng tầm quan trọng của quan hệ bảo đảm trong xã hội, mối quan hệ đầy phức tạp, liên quan đến nhiều thành phần quan trọng cũng như các tài sản có giá trị lớn trong nền kinh tế.

Thứ ba, cần giải thích rõ hơn trong các quy định hướng dẫn Bộ luật dân sự năm 2015 về khái niệm tài sản với pháp luật của các nước vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong việc xác định và lựa chọn tài sản là đối tượng giao dịch bảo đảm.

Quỳnh Huệ- VKS Tiền Hải

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 2914

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5806140