Tin hoạt động
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tập huấn Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp dân sự sơ thẩm
9/1/2021 4:09:33 PMThực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kế hoạch số 01/KH-VKSTB ngày 11/01/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình về công tác kiểm sát năm 2021; Ngày 01/9/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp dân sự sơ thẩm.

Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lại Hợp Mạnh - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, cùng lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của Viện kiểm sát hai cấp. Hội nghị diễn ra trong 1/2 ngày, bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đến 08 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố.

Đồng chí Lại Hợp Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lại Hợp Mạnh - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhấn mạnh, bài phát biểu Kiểm sát viên là một văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, hành chính. Thông qua phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, hành chính khẳng định được vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, hành chính. Bài phát biểu là nguồn tài liệu quan trọng để Hội đồng xét xử tham khảo, xem xét ra một bản án có căn cứ và đúng pháp luật. Do đó, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ xây dựng chuyên đề để tổng kết thực tiễn, đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc xây dựng Bài phát biểu của Kiểm sát viên từ, đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nâng cao chất lượng Bài phát biểu của kiểm sát viên nói riêng, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự nói chung.

Cũng tại hội nghị đồng chí Nguyễn Xuân Huy - Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị để tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự;

Đồng chí Trưởng phòng 9 trình bày các nội dung của chuyên đề tập huấn

Hội nghị đã nghe Báo cáo chuyên đề Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm giải quyết vụ án hành chính; vụ, việc dân sự, lao động, kinh doanh thương mại và các việc khác theo qui định của pháp luật do đồng chí Đỗ Hải Bằng - Trưởng phòng 9 trình bày. Báo cáo đã chỉ rõ thực trạng chất lượng phát biểu của KSV hai cấp tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, những ưu điểm và tồn tại, hạn chế, đánh giá nguyên nhân và đề ra những giải pháp thiết thực, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp trong công tác chỉ đạo điều hành và cần nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc xây dựng, thực hiện phát biểu tại phiên tòa, phiên họp. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nêu ra những kinh nghiệm để xây dựng một bài phát biểu có chất lượng, đạt yêu cầu. Đây là những nội dung quan trọng để kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự.

Một số hình ảnh đại biểu tham luận

 

Phát biểu Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Huy - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã biểu dương những kết quả và các công việc mà các đơn vị đã nghiêm túc triển khai thực hiện trong quá trình xây dựng nội dung tập huấn và yêu cầu các đơn vị trong thời gian tới thực hiện tốt một số nội dung:

 Đồng chí Nguyễn Xuân Huy – Phó Viện trưởng kết luận Hội nghị

- Cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đã nêu tại hội nghị chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan và cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đề ra những giải pháp tích cực, trong đó quan trọng nhất là giải pháp về quản lý chỉ đạo, điều hành, đồng chí Viện trưởng phải là người trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Nếu trong trường hợp phân công cho Phó Viện trưởng phụ trách thì những vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhạy cảm. Kiến nghị, kháng nghị thì Viện trưởng nghe, cho ý kiến quyết định.

Bố trí cán bộ biết nhiều việc nhưng phải giỏi 1 việc, có cán bộ chủ chốt thực hiện khâu nghiệp vụ này. Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ phải thực sự cầu thị, có nhận thức đúng về công tác này và quyền thực hiên đầy đủ ác quyền của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính như: quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị cũng như bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà, phiên họp.

 - Lãnh đạo, kiểm sát viên các đơn vị phải nghiên cứu, nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuẩn bị bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp vì đó là kết tinh của cả quá trình nghiên cứu hồ sơ, thể hiện năng lực, trình độ của kiểm sát viên và cũng là thể hiện uy tín, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trước nhân dân.

 Trưởng Phòng 9 và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai nghiên cứu, thực hiện chuyên đề, phát huy những ưu điểm đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Phòng nghiệp vụ tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, hướng dẫn việc nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên, đối với những đơn vị có tồn tại, hạn chế đã nêu nhưng không khắc phục, tiếp tục để xảy ra tồn tại cần thông báo rút kinh nghiệm và xem xét để đánh giá thi đua đối với tập thể, cá nhân ở đơn vị đó.  

- Phòng 9 phối hợp với Văn phòng tổng hợp và Thanh tra- Khiếu tố tiếp tục theo dõi, đánh giá chặt chẽ kết quả thực hiện Chuyên đề này cũng như chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự để đề xuất lãnh đạo Viện động viên, khen thưởng. Đối với những cán bộ, Kiểm sát viên làm tốt khâu công tác này cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách ưu tiên để đề bạt quy hoạch, bổ nhiệm theo đúng chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trương Thị Huyền - Phòng 9

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 354

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5337397