Thông tin tuyên truyền
Phòng 9 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2021, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của Ngành kiểm sát trong năm 2022
1/6/2022 10:39:17 AMNăm 2021, số vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính do Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình thụ lý giải quyết tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính chất các vụ, việc ngày càng phức tạp như các vụ án khiếu kiện quyết định hành chính, các vụ án tranh chấp dân sự có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Chủ tịch UBND các huyện thành phố cấp, các vụ án liên quan đến quản lý đất đai là do phát sinh từ việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tranh chấp kinh doanh thương mại. Đây là các vụ kiện phức tạp, trước khi thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì các đương sự đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên nhiều cấp nhiều ngành, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đã giải quyết nhưng các đương sự không chấp nhận dẫn đến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự trị an ở địa phương. Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Viện phối hợp với Tòa án giải quyết triệt để các vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng thời điểm đồng thời phục vụ được nhiệm vụ chính trị địa phương, góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn địa phương phục vụ cho việc tiến hành Đại hội đảng các cấp và bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

Phòng 9 họp thảo luận giải pháp thực hiện nhiệm vụ

Năm 2021, đơn vị đã xác định việc đột phá là: “Nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp”. Để việc nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp đi vào thực chất, đơn vị đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề: “Nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp”. Sau khi tập huấn, đã có những chuyển biến tích cực cụ thể như nhiều bài phát biểu của Kiểm sát viên được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, đạt chất lượng tốt. Việc đánh giá, phân tích, lập luận có tính thuyết phục cao. Kết quả đã hạn chế được số án bị cấp phúc thẩm hủy có lỗi của Kiểm sát viên, góp phần đảm bảo tốt hơn việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng, hạn chế các vi phạm trong hoạt động tư pháp. Trong năm đã trực tiếp nghe báo cáo và trả lời thỉnh thị 10 vụ án của các Viện kiểm sát huyện, thành phố thỉnh thị.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 và Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị; đơn vị đã chỉ đạo hai cấp tăng cường kiểm sát việc giải quyết của Tòa án kể từ khi thụ lý cho đến khi có kết quả giải quyết, luôn tập trung kiểm sát các bản án và quyết định giải quyết, xử lý vụ việc dân sự của Toà án. Qua đó đơn vị đã ban hành được 05 kháng nghị phúc thẩm ngang cấp và trên cấp, hướng dẫn cấp huyện kháng nghị 5 vụ, trong đó số kháng nghị đã xét xử đều được Hội đồng xét xử chấp nhận; báo cáo Viện kiểm sát cấp cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ.

Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

Quá trình nghiên cứu hồ sơ, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu luôn chú ý phát hiện vi phạm của Toà án để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị. Đơn vị đã ban hành được 04 Kiến nghị, trong đó có 02 kiến nghị phòng ngừa; 02 Kiến nghị yêu cầu Toà án nhân dân khắc phục vi phạm trong công tác giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại. Ban hành 07 thông báo rút kinh nghiệm.Đơn vị đã phối hợp với Toà án tổ chức 11 phiên toà rút kinh nghiệm, 06 phiên toà số hoá hồ sơ để Kiểm sát viên học tập, rút kinh nghiệm.

Có được nhưng kết quả nêu trên là do lãnh đạo phòng phối hợp chặt chẽ với Bí th­ư chi bộ, tổ trưởng công đoàn thường xuyên làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Kiểm sát viên, cán bộ trong phòng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo chư­ơng trình kế hoạch hàng quý đã xây dựng. Đồng thời, khuyến khích Kiểm sát viên, cán bộ đăng ký tham gia các phong trào thi đua ngay từ đầu năm, tạo động lực phấn đấu cho Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đều phải tăng cường nghiên cứu, sáng tạo cách làm mới để đạt hiệu quả công tác. Đơn vị đã ứng dụng sáng kiến như: Thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đổi mới phương pháp nghiên cứu hồ sơ các vụ việc dân sự, nâng cao chất lượng kiểm sát việc xem xét áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa án; Vận dụng Microsoft Office Excel vào quản lý các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính, các chỉ tiêu công tác của Phòng 9; nghiên cứu kỹ để học tập có hiệu quả các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp cao, tối cao. Cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị chủ động, tích cực nghiên cứu các căn cứ pháp luật, nghiên cứu hồ sơ vụ án, kiểm sát bản án, quyết định để phát hiện vi phạm. Nhờ đó, kết quả công tác kiểm sát đạt kết quả cao, đảm bảo việc giải quyết án đúng thời hạn, không để xảy ra án quá thời hạn giải quyết.

Năm 2022, dự kiến tình hình khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Để thực hiện có hiệu Chỉ thị công tác số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của ngành kiểm sát Thái Bình và hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ. Phòng 9 tham mưu cho lãnh đạo Viện chỉ đạo hai cấp kiểm sát thực hiện tốt một số giải pháp sau:

+ Lãnh đạo các đơn vị cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá, quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS; Có sự đánh giá, phân công nhiệm vụ đối với KVS tương xứng với tính chất và mức độ công việc cụ thể, phù hợp với sở trường công tác. Chú trọng khuyến khích việc tự đào tạo và đào tạo tại chỗ bằng cách phân công KVS có kinh nghiệm, năng lực công tác hướng dẫn, kèm cặp những KVS còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và đội ngũ Kiểm tra viên, Chuyên viên của đơn vị.

+ Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ của KVS được phân công. Tổ chức họp báo cáo án, duyệt, góp ý đối với văn bản phát biểu ý kiến của KVS trước khi tham gia phiên tòa. Định kỳ quý, năm kiểm tra chất lượng xây dựng hồ sơ, chất lượng báo cáo đề xuất và bài phát biểu của KVS.

+ Tăng cường việc phối hợp tốt với Tòa án cùng cấp trong công tác tổ chức nhiều phiên tòa dân sự sơ thẩm rút kinh nghiệm; sau phiên tòa phải tổ chức họp để nhận xét, đánh giá những ưu điểm, thiếu sót tồn tại của KVS. Cải tiến nội dung cuộc họp nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm của KSV sau phiên tòa. Ngoài việc nhận xét hoạt động của KVS tại phiên tòa, đường lối giải quyết vụ án, cần đánh giá nhận xét hoạt động của KVS trước phiên tòa, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng phát hiện vi phạm, việc thực hiện quyền yêu cầu đối với Tòa án…

+ Xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ án dân sự để nắm bắt được tiến độ giải quyết, tiếp cận sớm được hồ sơ vụ án để kiểm sát hiệu quả việc thụ lý đơn khởi kiện, việc trả lại đơn khởi kiện và nghiên cứu hồ sơ vụ án chuẩn bị cho tham dự phiên tòa. Chú trọng phối hợp với Tòa án tham gia một số hoạt động như thẩm định tại chỗ, nghe phản ánh của các đương sự; chủ động, thường xuyên liên hệ, trao đổi với Thẩm phán để nắm bắt thông tin, yêu cầu sao chụp các tài liệu, chứng cứ. Tạo lập cơ chế để Kiểm sát viên và Thẩm phán chủ động phối hợp với nhau trong suốt quá trình thụ lý, giải quyết các vụ việc dân sự. Đối với những vụ án phức tạp, Kiểm sát viên chủ động nắm lịch của Thẩm phán để tham gia các hoạt động đối thoại, đối chất, xem xét thẩm định tại chỗ. Qua đó Kiểm sát viên nắm chắc được tiến độ; quan điểm của các bên đương sự và các chứng cứ có tại hồ sơ, để có quan điểm chính xác trong quá trình giải quyết vụ án.

+ Đối với những vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm, có khiếu nại, khiếu kiện kéo dài phải thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, xin ý kiến thỉnh thị của VKS cấp trên.

+ Kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm khi tham gia phiên tòa và tuân thủ các quy định pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, không ngừng học tập nghiên cứu nắm chắc các quy định pháp luật về tố tụng và nội dung cũng như các văn bản chuyên ngành có liên quan. Tất cả các đề xuất, phát biểu, kiến nghị, kháng nghị phải có cơ sở pháp lý vững chắc và xuất phát từ yêu cầu bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự mà không được xuất phát từ ý chí chủ quan, cảm tính.

Đỗ Hải Bằng- p9

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 46

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5336371