Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án Tranh chấp về thừa kế và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
2/16/2022 7:25:10 AMPhát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự là thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND theo quy định tại Khoản 4 Điều 27 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Để phát biểu của Kiểm sát viên có hiệu quả chất lượng thì Kiểm sát viên được phân công phải đầu tư, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ, việc. Khi xây dựng bài phát biểu kiểm sát viên cần đánh giá, phân tích, lập luận, viện dẫn căn cứ có tính thuyết phục. Về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được quy định rất rõ và cụ thể theo Hướng dẫn số 20/HD-VKS ngày 23/02/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC ) và Hướng dẫn số 32 ngày 26/8/2021 của VKSNDTC về một số nội dung kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.

Phát biểu của KSV là văn bản mang tính pháp lý, do đó hình thức phải thực hiện theo đúng biểu mẫu và nội dung phải lập luận đầy đủ, đánh giá việc chấp nhận hay không chấp nhận những yêu cầu của đương sự, các vấn đề phát sinh tại phiên tòa. Tuy nhiên do tính chất từng vụ án, tại phiên tòa Kiểm sát viên cần chủ động linh hoạt không tập trung vào phát biểu tố tụng quá dài mà không chú trọng phân tích nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không xem xét đánh giá tính hợp pháp, tính có căn cứ đối với yêu cầu của các đương sự.

*Về bố cục bài phát biểu gồm 3 phần:

1. Phần thủ tục: Ngoài phát biểu về thụ lý, thẩm quyền, xác định tư cách tố tụng, thu thập chứng cứ,  hòa giải tiếp cận công khai chứng cứ như các vụ án khác  thì đối với vụ án Tranh chấp chia di sản thừa kế KSV cần xem xét đến:

- Điều kiện thụ lý vụ án:  Theo Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ- HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì không phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã .

- Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015. Khi nghiên cứu hồ sơ và tại phiên tòa Kiểm sát viên phải xét đến có đương sự nào yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu theo khoản 2 Điều 184 BLTTDS.

2. Phát biểu ý kiến về việc giải quyết nội dung vụ án

2.1. Đối với nội dung tranh chấp thừa kế: Kiểm sát viên cần lập luận, xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là gì? thuộc trường hợp chia thừa kế theo di chúc hay chia thừa kế theo pháp luật? Nếu có di chúc thì xác định hình thức của di chúc), nội dung di chúc có hợp pháp không (Điều 628- 631 BLDS năm 2015). Trường hợp di chúc hợp pháp thì cần lưu ý những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc, gồm con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con thành niên nhưng không có khả năng lao động (Điều 644 BLDS năm 2015).

- Hàng thừa kế và diện thừa kế, có thừa kế thế vị không. Lưu ý những trường hợp từ chối nhận di sản, xem xét việc từ chối này có nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình với người khác không (Điều 620 BLDS năm 2015), những người không được quyền hưởng di sản (Điều 621 BLDS năm 2015).

- Di sản thừa kế gồm những gì? có tranh chấp không, nếu có phải xem xét việc Tòa án có đưa người liên quan vào tham gia tố tụng không. Đối với di sản dùng vào việc thờ cúng, thì lưu ý việc hạn chế phân chia di sản bằng hiện vật.

Lưu ý: Đối với di sản là quyền sử dụng đất phải có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người để lại di sản. Phải xác định đất là di sản thừa kế là loại đất gì (đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp....); diện tích đất đó đã được Nhà nước giao cho người khác, đưa vào tập đoàn, hợp tác xã... trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa trước đây chưa? Đất đó được cấp GCNQSDĐ hay chưa. Nếu có GCNQSDĐ thì phải xác định diện tích được cấp và diện tích thực tế đang sử dụng. Nếu chưa được cấp GCNQSDĐ thì có các loại giấy tờ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 hay không? Xác nhận của UBND về quá trình hình thành, quản lý và sử dụng đất.

 Đối với thừa kế là quyền sử dụng đất chung của vợ chồng khi một phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện: Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng. Vợ, chồng của người chết là người thừa kế theo pháp luật hàng thừa kế thứ nhất; Căn cứ quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để giải quyết như sau:

+ Trường hợp thứ nhất, quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, một bên vợ hoặc chồng chết trước và thời hiệu khởi kiện để chia di sản thừa kế của người này đã hết, còn người vợ hoặc chồng chết sau vẫn còn thời hiệu khởi kiện, Tòa án chỉ chia phần di sản của người chết sau còn thời hiệu và công nhận di sản của người chết trước thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai; nếu không có người đang chiếm hữu thì di sản thuộc về Nhà nước.

+ Trường hợp thứ hai, một bên vợ hoặc chồng chết trước đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, còn một bên vợ hoặc chồng vẫn đang quản lý toàn bộ quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, Tòa án công nhận di sản thuộc quyền sở hữu của người vợ hoặc chồng đang quản lý.

- Thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình: Tùy từng thời điểm mở thừa kế KSV áp dụng Điều 740,744 BLDS 1995, khoản 5 Điều 113 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 735 BLDS năm 2005. Và đến BLDS năm 2015 thì không quy định cụ thể về thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình mà dẫn chiếu đến Điều 179 Luật Đất đai năm 2013. Từ sau khi BLDS 2005 đến nay thì người không có điều kiện sử dụng đất nông nghiệp và người không thuộc thành viên trong hộ gia đình cũng được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất.

- Khi phát biểu Kiểm sát viên cần phân tích đánh giá toàn diện, xem xét nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại, công sức của người bảo quản, tôn tạo di sản thừa kế. Yêu cầu của các bên đương sự có hay không hoặc nhường kỷ phần của mình cho ai và trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của người chết để lại di sản, yêu cầu của đương sự chia di sản bằng hiện vật hay bằng giá trị (tiền); nếu phải chia bằng hiện vật thì diện tích đất tối thiểu được chia có đủ điều kiện để tách thửa, điều kiện xây dựng công trình theo quy định của UBND cấp tỉnh hay không? Nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp, nguyện vọng của đương sự trong việc giải quyết tranh chấp.

2.2. Đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: KSV cần nghiên cứu hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Quá trình kê khai, đăng kí và sử dụng đất, văn bản quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục cấp GCNQSDĐ để xem xét tính hợp pháp của việc cấp GCNQSDĐ. Căn cứ vào quy định pháp luật và thực tế người đang quản lý sử dụng đất mà KSV phát biểu chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu hủy GCNQSDĐ.

Trên đây là một số trao đổi để nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên viên khi tham gia phiên tòa xét xử các vụ án Tranh chấp thừa kế và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” nhằm đáp ứng yêu cầu của Ngành trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt hoạt động kiểm sát các hoạt động tư pháp nói chung và trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự nói riêng.

Nhâm Huyền- phòng 9

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 2248

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5805549