Tin nghiệp vụ
Rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát bản án, phát hiện vi phạm của Tòa án để kháng nghị phúc thẩm
2/16/2022 7:26:57 AMVụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị A, bị đơn là bà Trần Thị B; những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị N, anh Nguyễn Ng. Đều trú tại: xã ĐH, huyện ĐH, tỉnh Thái Bình do Viện kiểm sát nhân dân huyện X kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị sửa bản án sơ thẩm do vi phạm trong việc xem xét công sức quản lý di sản thừa kế, phương pháp chia di sản thừa kế dẫn đến sai về án phí.

Nội dung vụ án

Bà Nguyễn Thị A khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là di sản của bố mẹ bà là cụ Nguyễn Ngọc M (tên gọi khác là T, sinh năm 1928, mất năm 2003) và cụ Lê Thị C (sinh năm 1931, mất năm 2004). Hai cụ chết không để lại di chúc. Các cụ có 03 người con là: Nguyễn Ngọc T(chết năm 2015), Nguyễn Thị A và Nguyễn Thị N. Ông Nguyễn Ngọc T có vợ là Trần Thị B, sinh năm 1962 và 01 con là Nguyễn Ng. Tài sản các cụ để lại gồm:

- 194m2 ­đất ở tại thửa đất số 288, tờ bản đồ số 05, bản đồ 299 (nay là thửa đất số 90, tờ bản đồ số 08 theo đo đạc năm 2007, diện tích là 284,6 m2) tại thôn TL, xã ĐH,  huyện ĐH.

- 1072 m2 đất nông nghiệp (trong đó có 47m2 được quy đổi từ 141m2 đất ao), còn lại đất nông nghiệp ngoài đồng là 1025m2 được chia thành 02 xứ đồng gồm: Xứ đồng Lò Ngói có diện tích là 157m2 và cánh đồng Láng có diện tích là 868m2, hiện nay bà Trần Thị B đang quản lý sử dụng.

Năm1992, bà A đi lấy chồng, sau đó vợ chồng bà ly hôn nên năm 1995 bà về sinh sống cùng bố mẹ đẻ là cụ M và cụ C. Sau khi hai cụ chết năm 2011, bà A đã xây nhà cấp 4 diện tích 68m2 và các công trình phụ, giếng nước, tường bao hiện bà A vẫn đang quản lý sử dụng phần diện tích đất này. Diện tích còn lại bà B trồng chuối, tài sản của các cụ không có gì trên đất. Bà yêu cầu Tòa án giải quyết nội dung sau:

- Bà yêu cầu Tòa án chia di sản của bố mẹ bà để lại gồm 194m2 đất ở và 1.025m2 đất nông nghiệp ở ngoài đồng (đất trồng lúa).

  Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện ĐH quyết định:

1. Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị A

2. Giao cho bà Nguyễn Thị A được quyền quản lý sử dụng 194m2 đất ở là di sản của cụ M và cụ C.

2.1. Buộc bà Nguyễn Thị A phải thanh toán giá trị di sản cho bà Trần Thị B và anh Nguyễn Ng 25.866.000 đồng/2 (mỗi người 12.933.000 đồng), thanh toán cho bà Nguyễn Thị N 25.866.000 đồng

Phần giá trị của bà A được hưởng và của bà Nguyễn Thị N nhường lại cho bà A tổng là: 51.732.000 đồng.

2.2. Buộc bà A phải thanh toán công sức quản lý, tôn tạo đối với 126 m2 đất từ năm 2004 đến nay mà bà B trồng chuối là: 20.000.000 đồng.

2.3. Chấp nhận việc bà Nguyễn Thị A, Trần Thị B và bà Nguyễn Thị Ng và các hộ gia đình sử dụng chung là Nguyễn T, Nguyễn Văn Tr yêu cầu giữ nguyên hiện trạng diện tích 141m2 đất ao. Chấp nhận việc bà B không yêu cầu công sức đôn lấp với 89,3 m2 đất ao này.

2.4. Về đất nông nghiệp 1.025. m2 tại cánh đồng Lò Ngói và đồng Láng.

- Giao cho bà B tiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích đất nông nghiệp 157m2 trị giá 7.065.000 đồng ( chia 3 phần, mỗi phần 2.355.000) tại cánh đồng Lò Ngói. Buộc bà B phải thanh toán giá trị tài cho bà A, Bà N mỗi người 2.355.000 đồng, cho anh Ng 1.177.500 đồng.

- Giao cho bà Atiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích đất nông nghiệp 868 m2 đất nông nghiệp trị giá 41.175.000 đồng. Buộc bà A phải thanh toán giá trị tài cho bà B, anh Ng mỗi người 6.862.500 đồng, thanh toán cho bà N 13.725.000 đồng.

Phần giá trị của bà A được hưởng và của bà Nguyễn Thị N nhường lại cho bà A tổng bà A được hưởng là: 32.160. 000 đồng.

2.5. Tổng giá trị tài sản bà A được hưởng là 83.892.000 đồng; bà B được hưởng là 42.306.000 đồng; anh Ng là 20.937.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

          Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐH ban hành kháng nghị đề nghị sửa án sơ thẩm do đã bỏ sót công tôn tạo của bà A, tính công tôn tạo của bà B tương đương 01 suất kỷ phần là chưa phù hợp, phương thức chia di sản thừa kế không đúng đồng thời còn kháng nghị về án phí.

           Ngày 26/01/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐH, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Trần Thị B, sửa Bản án sơ thẩm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

         Bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm về nội dung như:       

         - Về xem xét công sức quản lý khi chia di sản thừa kế: Các đương sự đều thống nhất trình bày, cụ M và cụ C để lại di sản diện tích đất nông nghiệp 868m2 đất ruộng tại xứ đồng Láng và 157m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Lò Ngói nhưng không thống nhất về diện tích đất ở 194m2 là di sản của hai cụ. Bà B cho rằng hai cụ đã cho vợ chồng ông bà diện tích 94m2 nhưng bà không cung cấp được hợp đồng tặng cho mà chỉ cung cấp được tờ khai thuế ngày 20/3/1993, sơ đồ mặt bằng mang tên chủ hộ ông Nguyễn Ngọc T. Tuy nhiên tờ khai thuế lại có nội dung người kê khai Nguyễn Văn T tên gọi khác của cụ M,  sơ đồ bằng mặt bằng có xác nhận của UBND xã, có chữ ký của ông T, trong sơ đồ không có chữ ký, không thể hiện ý chí của hai cụ. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm xác định toàn bộ di sản của cụ M, cụ C bao gồm diện tích 194 m2 đất ở và 1025 m2 đất nông nghiệp là đúng quy định pháp luật.

         Năm 1995, bà A ly hôn về sinh sống cùng hai cụ và vợ chồng ông T- bà B trên diện tích đất 194 m2 đất ở. Sau khi các cụ chết, bà A  làm nhà cấp 4 trên diện tích 68m2 đất ở và quản lý sử dụng từ đó đến nay. Phần đất ở còn lại bà B là người quản lý sử dụng để trồng chuối. Như vậy, quá trình sinh sống, vợ chồng T, bà B và bà A đều có công quản lý di sản thừa kế nhưng cấp sơ thẩm lại chỉ xem xét tính công sức bảo quản di sản cho bà B là không đúng quy định pháp luật. Kháng nghị của Viện kiểm sát ĐH về nội dung này được Bản án phúc thẩm chấp nhận sửa án, chia cho bà A, bà B mỗi người được hưởng công sức bảo quản di sản ½  suất thừa kế là phù hợp với Án lệ số 05/2016 ngày 06/4/2016.

         - Về phương pháp chia di sản thừa kế: Xét giá trị di sản của hai cụ M, cụ C để lại mà đương sự yêu cầu chia là 194m2 đất ở trị giá 77.600.00 đồng, diện tích 1025m2 đất nông nghiệp trị giá 46.125.000 đồng, tổng giá trị di sản là 123.725.000 đồng.

         Hai cụ có 3 người con chung là ông T, bà  A, bà N. Khi chia di sản thừa kế Tòa án phải xem xét trừ đi công sức quản lý di sản thừa kế và xác định di sản còn lại để chia thừa kế cho các hàng thừa kế. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định tổng giá trị di sản thừa kế chia đều cho 03 người con được hưởng kỷ phần thừa kế và buộc bà A phải thanh toán công sức quản lý di sản cho bà B là không chính xác bởi lẽ: Bà A là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ M, cụ C, bà A chỉ được 01 suất thừa kế như ông T, bà Ngọt nhưng bản án tuyên bà A phải thanh toán cho bà B công sức bảo quản di sản số tiền 20.000.000 đồng là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà A. Bản án phúc thẩm chấp nhận sửa án theo kháng nghị.

         - Về án phí: Do xác định không đúng về phần di sản được hưởng nên bản án sơ thẩm tính án phí cho các đương sự là không chính xác. Bản án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị và quyết định lại phần di sản các đương sự được hưởng nên đã xác định lại án phí theo khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/11/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án, Kiểm sát viên Viện kiểm sát huyện ĐH đã chủ động nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật đồng thời nghiên cứu kỹ bản án nên khi có quan điểm khác nhau đã kịp thời báo cáo Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Phòng 9 để nắm bắt nội dung vụ án, thống nhất xác định vi phạm trước khi ban hành kháng nghị. Do vậy chất lượng kháng nghị tốt, được Tòa án chấp nhận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Nhâm Huyền - Phòng 9

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 42

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5351460