Thông tin tuyên truyền
Đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh dự Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Bình và dự Hội nghị sơ kết công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2022
6/28/2022 3:33:10 PMSáng ngày 28/6/2022, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Bình; Hội nghị sơ kết công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2022. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tham dự hội nghị.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Bình

Tại Hội nghị sơ kết công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2022, thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Lại Hợp Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh dự và phát biểu ý kiến.

Báo cáo đánh giá về tình hình tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình tăng và diễn biến phức tạp, nhiều tội phạm mới phát sinh; Viện kiểm sát hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố 545 vụ/1.046 bị can, tăng 52 vụ/105 bị can so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các nhóm tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Về tình hình an ninh nông thôn, việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, phức tạp, kéo dài của công dân cũng cần được các cấp ủy, chính quyền và cơ quan khối nội chính đặc biệt quan tâm. Từ đó đặt ra yêu cầu với ngành Kiểm sát là phải tăng cường công tác nắm, quản lý tình hình, công tác phối hợp giữa các cơ quan khối nội chính để giải quyết kịp thời, có căn cứ, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Đồng chí Lại Hợp Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh dự và phát biểu ý kiến

Về kết quả công tác của Ngành trong 6 tháng đầu năm 2022, đồng chí Viện trưởng đã nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều do tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Quốc hội, chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành; nâng cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị; đề cao kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ; phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất của đội ngũ cán bộ, công chức nên chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương tiếp tục đạt kết quả khá tích cực và đồng đều. Tiến độ, chất lượng giải quyết án hình sự được đẩy nhanh, bảo đảm đúng pháp luật; không có trường hợp nào phải đình chỉ vì không phạm tội hoặc Toà án tuyên không phạm tội; tỉ lệ án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được hạn chế (1,07%,), giảm so với cùng kỳ năm 2021 là 0,52%; hiệu lực, hiệu quả kiểm sát hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực tiếp tục được nâng lên, đã ban hành 11 kháng nghị và 157 kiến nghị (tăng 5 kháng nghị và 14 kiến nghị). Công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành được triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác của Ngành vẫn còn có những hạn chế, tồn tại là: Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có lúc, có việc còn chưa hiệu quả, vẫn còn một số việc có biểu hiện thiếu kiên quyết, xuôi chiều; một số Kiểm sát viên chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả với Điều tra viên đặc biệt là phối hợp đánh giá chứng cứ trước khi kết thúc điều tra nên dẫn đến việc một số vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung; một số Kiểm sát viên chưa thực sự trách nhiệm trong nghiên cứu tài liệu chứng cứ, quy định của pháp luật nên vẫn còn việc án dân sự bị hủy nhưng không phát hiện được vi phạm để kháng nghị.

Sáu tháng cuối năm 2022, ngành Kiểm sát Thái Bình cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế; chủ động, linh hoạt trong quan hệ phối hợp với các ngành nội chính, đặc biệt là bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đề ra các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ, việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm an ninh chính tri, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Nguyễn Đình Phong - Văn phòng tổng hợp

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 376

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5337420