Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Những lưu ý khi kiểm sát việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
8/5/2022 8:15:13 AMTừ ngày 01/01/2022, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020); Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Nghị định 116 quy định chi tiết một số điều của luật Phòng chống ma túy, luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện (Nghị định 116) có hiệu lực thi hành, trong đó có một số quy định mới về việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (CSCNBB) cần lưu ý trong quá trình kiểm sát, cụ thể như sau:

1. Về đối tượng, điều kiện áp dụng:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi quy định nêu trên theo hướng không quy định cụ thể đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB mà dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy. Cụ thể, khoản 1 Điều 96 được sửa đổi như sau: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng chống ma túy”.

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 là quy định về điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB  đối với đối tượng là người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định. Quy định mới này đồng nghĩa với việc sẽ không còn sự phân biệt giữa người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Tất cả các đối tượng nêu trên, nếu có đủ các điều kiện theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB.

Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã có 1 điều  riêng quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 34); Nghị định 116 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Như vậy, cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (không coi là biện pháp xử lý hành chính), đây là quy định hoàn toàn mới. Với tinh thần bảo vệ quyền trẻ em, là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe để tiếp tục học tập, lao động, trở thành người có ích cho xã hội,

Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và sẽ xem xét thông qua trong thời gian tới.

2. Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ

Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB hiện nay được quy định tại Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và được hướng dẫn chi tiết tại Mục 1 Chương V Nghị định số 116:

- Theo quy định tại Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi người bị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng tư pháp cấp huyện.

Tuy nhiên theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì thời hạn đọc hồ sơ của người bị đề nghị áp dụng là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo. Đồng thời bãi bỏ việc chuyển hồ sơ cho Trưởng phòng tư pháp cấp huyện. Vì vậy Phòng tư pháp cấp huyện sẽ không có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ mà cơ quan nào lập hồ sơ thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị (Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020).

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì giao cơ quan đã lập hồ sơ tiếp tục thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ.

Tuy nhiên theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã quy định cụ thể, chi tiết và rút ngắn hơn về thời hạn khi xem xét, giải quyết hồ sơ, cụ thể sửa đổi như sauTrong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc hồ sơ, Công an cấp tỉnh gửi hồ sơ cho Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi người bị đề nghị áp dụng biện pháp có hành vi vi phạm; Công an cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ cho Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện chuyển lại cơ quan đã lập hồ sơ để bổ sung hồ sơ; thời hạn bổ sung là 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận lại hồ sơ. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Như vậy theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hạn Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện quyết định chuyển hồ sơ, đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 07 ngàynhưng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì chỉ có 02 ngày làm việc. Đồng thời Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định cụ thể về thời hạn bổ sung hồ sơ là 02 ngày làm việc, trong khi đó Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không quy định nội dung này.    
       Quy định nêu trên cũng nhằm giải quyết thực trạng hiện nay, các cơ quan gặp rất nhiều vướng mắc khi thực hiện thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB do thủ tục theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 phải trải qua rất nhiều bước, hồ sơ phải chuyển qua nhiều cơ quan khác nhau trước khi chuyển sang Tòa án nhân dân cấp huyện để xem xét, quyết định áp dụng, thời hạn nghiên cứu hồ sơ kéo dài. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB nói riêng và các biện pháp xử lý hành chính nói chung tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này.

3. Về hệ thống biểu mẫu sử dụng trong việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB:

Kể từ ngày Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành (01/01/2022) biểu mẫu sử dụng trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB được thực hiện theo hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định 116. Kiểm sát viên khi thực hiện việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB cần lưu ý việc áp dụng các biểu mẫu này của cơ quan đề nghị để kịp thời yêu cầu khắc phục khi phát hiện vi phạm.

Các quy định mới nêu trên về việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB đã kịp thời khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực của đời sống xã hội./.

Lê Thị Thủy, VKSND huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 80

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5335383