Thông tin tuyên truyền
Phòng 9 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2022, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của Ngành kiểm sát trong năm 2023
12/12/2022 9:57:22 AMNăm 2022, tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình đều tăng, tính chất vụ việc ngày càng rất phức tạp, trong cùng một vụ án nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp, một số vụ có giá trị tranh chấp rất lớn, trong đó các tranh chấp phổ biến là tranh chấp về hợp đồng dân sự; về thừa kế tài sản; về quyền sử dụng đất. Tranh chấp về hôn nhân gia đình vẫn tiếp tục gia tăng, năm 2022 tăng 206 vụ (11%) và 74 việc (21%). Viện kiểm sát hai cấp đã kiểm sát việc giải quyết mới 2.374 vụ, việc. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên ký kết hợp đồng vi phạm về hình thức và nội dung; do giá trị quyền sử dụng đất tăng nên phát sinh nhiều tranh chấp mà đương sự chủ yếu là người trong gia đình, anh chị em; bên cạnh đó công tác quản lý về đất đai tiếp tục phát hiện nhiều bất cập, thiếu sót dẫn đến tranh chấp dân sự phức tạp, kéo dài. Các yếu tố xã hội tác động, mặt khác điều kiện kinh tế khó khăn, bạo lực gia đình... là nguyên nhân chính dẫn tới ly hôn.

Về khiếu kiện hành chính, năm 2022 thụ lý mới 279 vụ, tăng 237 vụ (564%) và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, việc khởi kiện chủ yếu là quyết định hành chính trong việc thực hiện chế độ trợ cấp chất độc hóa học, các chính sách khác liên quan đến người lao động và các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai phát sinh từ việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

Đây là các vụ kiện phức tạp, trước khi thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì các đương sự đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên nhiều cấp nhiều ngành, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đã giải quyết nhưng các đương sự không chấp nhận dẫn đến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự trị an ở địa phương. Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo Viện phối hợp với Tòa án giải quyết triệt để các vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng thời điểm đồng thời phục vụ được nhiệm vụ chính trị địa phương, góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn địa phương.

                       Phòng họp thảo luận giải pháp thực hiện nhiệm vụ

          Năm 2022, đơn vị đã xác định việc đột phá là: “Tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ, bản án, quyết định, phát hiện vi phạm, đề xuất kiến nghị, kháng nghị đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật”. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, đơn vị đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, HNGĐ, KDTM, LĐ”. Đơn vị đã chỉ đạo hai cấp tăng cường kiểm sát việc giải quyết của Tòa án kể từ khi thụ lý cho đến khi có kết quả giải quyết, luôn tập trung kiểm sát các bản án và quyết định giải quyết, xử lý vụ việc dân sự của Toà án. Qua đó đơn vị đã ban hành được 03 kháng nghị phúc thẩm ngang cấp và trên cấp, hướng dẫn cấp huyện kháng nghị 7 vụ, trong đó số kháng nghị đã xét xử đều được Hội đồng xét xử chấp nhận.

                  Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

Quá trình nghiên cứu hồ sơ, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu luôn chú ý phát hiện vi phạm của Toà án để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị. Đơn vị đã ban hành được 04 Kiến nghị, trong đó có 01 kiến nghị phòng ngừa; 03 Kiến nghị yêu cầu Toà án nhân dân khắc phục vi phạm trong công tác giải quyết án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại. Ban hành 08 thông báo rút kinh nghiệm. Đơn vị đã phối hợp với Toà án tổ chức 15 phiên toà rút kinh nghiệm, 12 phiên toà số hoá hồ sơ để Kiểm sát viên học tập, rút kinh nghiệm.

Có được nhưng kết quả nêu trên là do lãnh đạo phòng phối hợp chặt chẽ với Bí th­ư chi bộ, tổ trưởng công đoàn thường xuyên làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Kiểm sát viên, cán bộ trong phòng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo chư­ơng trình kế hoạch hàng quý đã xây dựng. Đồng thời, khuyến khích Kiểm sát viên, cán bộ đăng ký tham gia các phong trào thi đua ngay từ đầu năm, tạo động lực phấn đấu cho Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị. Cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị chủ động, tích cực nghiên cứu các căn cứ pháp luật, nghiên cứu hồ sơ vụ án, kiểm sát bản án, quyết định để phát hiện vi phạm. Nhờ đó, kết quả công tác kiểm sát đạt kết quả cao, đảm bảo việc giải quyết án đúng thời hạn, không để xảy ra án quá thời hạn giải quyết.

Năm 2023, dự kiến tình hình khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Để thực hiện có hiệu Chỉ thị công tác số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của ngành kiểm sát Thái Bình và hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ. Phòng 9 tham mưu cho lãnh đạo Viện chỉ đạo hai cấp kiểm sát thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Thủ trưởng các đơn vị trong ngành quan tâm lựa chọn, bố trí, đào tạo, tự đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên có bản lĩnh, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm khâu công tác này. Có kế hoạch xây dựng đội ngũ công chức bảo đảm đáp ứng được yêu cầu công việc, ổn định, có tính kế thừa. Từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trong công tác này.

Kiểm sát viên, công chức được phân công làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự trước hết phải có kiến thức nền tảng về pháp luật tố tụng và nội dung thuộc lĩnh vực công tác; sau đó phải nắm được quy định cụ thể của pháp luật trực tiếp điều chỉnh các quan hệ trong vụ việc đang giải quyết. Trong thực thi nhiệm vụ phải luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật, có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành; dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi Kiểm sát viên, công chức phải có tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ nhưng phải đúng phạm vi, phận sự của mình, không ngừng tự nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, không những phải làm tốt công việc của mình mà còn có trách nhiệm góp phần đào tạo cán bộ trẻ, kế cận.

Lãnh đạo các đơn vị quan tâm phân công Kiểm tra viên (ở cấp huyện), Kiểm tra viên và kiểm sát viên sơ cấp (ở cấp tỉnh) giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa để học tập, rút kinh nghiệm.

- Phòng 9 tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo dõi, quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố; lãnh đạo các đơn vị có cơ chế khuyến khích, động viên Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến; đồng thời phát hiện hạn chế, khó khăn để có giải pháp khắc phục. Phòng 9 tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh định kỳ sơ kết, tổng kết hoạt động thực tiễn; tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ; rút kinh nghiệm cả những việc làm tốt và tồn tại, hạn chế trong nội bộ đơn vị và Viện kiểm sát cấp huyện.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và hoạt động nghiệp vụ, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu theo “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Áp dụng ngay phương pháp sơ đồ tư duy trong nghiên cứu hồ sơ, báo cáo án.

- Viện kiểm sát hai cấp chủ động phối hợp với Tòa án, các cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ ban hành các quy chế phối hợp. Tham mưu tích cực, có chất lượng cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai hoặc các việc khác khi được đề nghị. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ, việc chủ động phối hợp với Thẩm phán được phân công giải quyết vụ, việc đó trong suốt quá trình giải quyết để kịp thời nắm bắt được tiến độ, diễn biến, thực hiện các quyền của Viện kiểm sát khi cần thiết.

Đỗ Hải Bằng- Phòng 9

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1642

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5811569