Những chuyển biến tích cực trong công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Thái Bình
12/21/2022 11:10:05 AMThực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kế hoạch công tác số 01/KH-VKSTB ngày 10/01/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã thực hiện tốt mục tiêu năm 2022 của ngành Kiểm sát Thái Bình là: “Tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao. Tăng cường trách nhiệm công tố,kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu là chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực...” . Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm đột phá “Đề xuất,thực hiện giải quyết các vụ án, vụ việc đảm bảo có căn cứ, trách nhiệm, đúng pháp luật”.
Năm 2022, Viện kiểm sát hai cấp đã kiểm sát 1206 bản án, quyết định hình sự sơ thẩm của Tòa án hai cấp. Thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định, các đơn vị phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử như: đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội chưa đúng không áp dụng đầy đủ điểm của khoản điều luật và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; áp dụng không đúng điểm, khoản của điều luật dẫn đến mức án xử phạt đối với bị cáo không phù hợp, có dấu hiệu của bỏ sót hành vi phạm tội và bỏ lọt tội phạm, … đã ban hành 15 kháng nghị phúc thẩm đối với 15 vụ án/28 bị cáo. Về số lượng kháng nghị, chất lượng kháng nghị đều vượt so với năm 2021; một số đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện đã quan tâm đến công tác kháng nghị phúc thẩm ngang cấp.
Để nâng cao chất lượng, số lượng kháng nghị phúc thẩm án hình sự, toàn ngành kiểm sát Thái Bình luôn xác định công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, từ đó đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện trong kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của đơn vị.
Đơn vị thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy chế của Ngành, đặc biệt là Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự.
Lãnh đạo, Kiểm sát viên đơn vị tăng cường học tập, nâng cao trình độ, năng lực công tác, nắm vững các căn cứ pháp luật, tăng cường trách nhiệm trong kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện. Nắm vững các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn liên quan đến các quy định mới của các Bộ luật, Quy chế số 505/QĐ-VKSTC, ngày 18/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để vận dụng khi kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm.
Kiểm sát viên phụ trách đơn vị cấp huyện theo dõi chặt chẽ lịch xét xử của cấp huyện, kịp thời đôn đốc cấp huyện gửi bản án, quyết định sơ thẩm đúng thời hạn. Đảm bảo 100% bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện được kiểm sát đúng thời hạn. Đối với các bản án có vi phạm, kịp thời yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện chuyển hồ sơ để nghiên cứu báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện kháng nghị.
Công tác đánh giá thi đua khen thưởng được chú ý gắn với công tác kháng nghị phúc thẩm. Phải coi kết quả kháng nghị phúc thẩm là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua. Đối với những đơn vị một năm không kháng nghị phúc thẩm được vụ án nào nhưng có án sửa, huỷ do có kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên thì cần phải xem xét về thành tích thi đua.
Nguyễn Thị Vân Anh- Phòng 7 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình