Rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát Quyết định giải quyết việc dân sự tuyên bố một người đã chết
12/23/2022 3:48:27 PMThông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhận thấy quyết định giải quyết việc dân sự “Tuyên bố một người đã chết” do Tòa án nhân dân huyện V thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm giữa người yêu cầu bà Hoàng Thị H, sinh năm 1951, địa chỉ: thôn T, xã SL, huyện V, tỉnh TB và người bị yêu cầu ông Nguyễn Xuân L, sinh năm 1953, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi cư trú cuối cùng: thôn T, xã SL, huyện V, tỉnh TB có vi phạm cần rút kinh nghiệm
1. Nội dung việc yêu cầu
Bà Hoàng Thị H và ông Nguyễn Xuân L tự nguyện đăng ký kết hôn ngày 19/12/1971 tại Ủy ban nhân dân xã SL, huyện V, tỉnh TB. Quá trình chung sống đến tháng 6/1991 ông L bỏ đi biệt tích, không thông báo cho bà H, bà H đã đi tìm hiểu nhiều nơi nhưng không thấy và cũng không biết ông L hiện nay đang ở đâu. Ngày 30/11/2018, Tòa án nhân dân huyện V đã ra quyết định tuyên bố ông Nguyễn Xuân L mất tích theo đơn yêu cầu của bà H, kể từ đó đến nay gia đình cũng không nhận được thông tin gì của ông L, không biết ông L còn sống hay đã chết. Ngày 16/6/2022, Tòa án nhân dân huyện V thụ lý yêu cầu của bà H về việc tuyên bố ông Nguyễn Xuân L đã chết. Tòa án nhân dân huyện VT đã ra thông báo tìm kiếm thông tin về ông L và đăng trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 392 Bộ luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không nhận được tin tức gì của ông L.
Quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện V:
1. Tuyên bố ông Nguyễn Xuân L đã chết.
2. Lệ phí giải quyết việc dân sự phải nộp: Bà Hoàng Thị H được miễn lệ phí dân sự sơ thẩm
Ngoài ra còn tuyên về quyền kháng cáo, kháng nghị.
2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”, xác định thời điểm chết của một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở, tiền đề làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt các quan hệ pháp luật khác về nhân thân, tài sản như: hôn nhân, thừa kế, thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại...
- Điều 393 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
1. Người có quyền, lợi ích L quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
2. Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.
- Điều 72 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
1. Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.
2. Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án nhân dân huyện V không xác định ngày ông Nguyễn Xuân L chết, không xác định hậu quả pháp lý của việc tuyên bố ông L đã chết là vi phạm quy định tại Điều 393 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 71, Điều 72 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trong quyết định giải quyết, Tòa án nhân dân huyện V phải xác định ngày chết của ông Nguyễn Xuân L thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 71 Bộ luật dân sự và hậu quả của việc tuyên bố ông L chết phải căn cứ vào Điều 72 Bộ luật dân sự.
Trương Thị Huyền – Phòng 9