Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự
1/11/2023 2:53:08 PMCông tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với cấp huyện trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (gọi tắt là Phòng 7).

Thời gian qua, Phòng 7-Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ qua đó đã giúp Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, đảm bảo đúng quy định pháp luật, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành. Tuy nhiên, qua công tác hướng dẫn nghiệp vụ và công tác xét xử án hình sự của cấp huyện còn bộc lộ những thiếu sót, tồn tại, như: Việc áp dụng pháp luật, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa đúng; việc đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hình phạt chưa phù hợp; bản án không áp dụng đầy đủ điểm, khoản của điều luật hoặc áp dụng không đúng điểm, khoản của Điều luật tưng xứng với hành vi phạm tội, Kiểm sát viên cấp sơ thẩm kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án không phát hiện được những vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật trong khi vẫn có vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án do lỗi của Kiểm sát viên; công tác kiến nghị trong hoạt động xét xử đối với Tòa án về chất lượng, số lượng rất hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác của ngành.

Nguyên nhân: Do Kiểm sát viên chưa thực hiện tốt công tác kiểm sát theo quy định; chất lượng công tác hướng dẫn nghiệp vụ của Phòng 7 đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa cấp tỉnh và cấp huyện chưa được thường xuyên, công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện chủ yếu thông qua việc tham gia Đoàn kiểm tra, thanh tra do Viện kiểm sát tỉnh thành lập và Thông báo rút kinh nghiệm đối với những trường hợp vụ án có vi phạm bị Viện kiểm sát tỉnh kháng nghị, vụ án có kháng cáo, Tòa cấp phúc thẩm sửa, hủy do lỗi chủ quan của Kiểm sát viên.

Để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trên và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Trong thời gian tới Phòng 7 cần quan tâm thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Lãnh đạo và Kiểm sát viên chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ khác thuộc Viện kiểm sát tỉnh, thống nhất quan điểm hướng dẫn Viện kiểm sát cấp huyện trong việc áp dụng pháp luật; kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động xét xử, chủ động nắm bắt tình hình, kết quả hoạt động xét xử của Viện kiểm sát cấp huyện đơn vị được phân công theo dõi để tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo viện biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ hai: Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh về việc kiểm tra và tăng cường công tác kiểm tra các bản án do Viện kiểm sát cấp huyện gửi. Trường hợp phát hiện có vi phạm của Tòa án mà Viện kiểm sát cấp huyện không phát hiện thì Kiểm sát viên được phân công kiểm tra bản án có trách nhiệm nghiên cứu và tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành Kháng nghị hoặc Kiến nghị đối với vi phạm của Tòa án trong hoạt động xét xử.

Thứ ba: Kiểm tra công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự qua hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị. Kịp thời tổng hợp những thiếu sót, tồn tại trong quá trình giải quyết vụ án được phát hiện qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và hồ sơ kiểm sát, tham mưu ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung để hạn chế các thiếu sót vi phạm tương tự tái diễn.

Thứ tư: Tăng cường các biện pháp trao đổi nghiệp vụ với Viện kiểm sát cấp huyện, những kinh nghiệm, kỹ năng nhận diện vi phạm của Tòa án trong công tác xét xử hình sự, nghiên cứu thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 05/8/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Công tác kiểm sát bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhằm nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị và thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát; nghiên cứu các dự thảo kiến nghị, kháng nghị do cấp huyện chuyển đến, giúp cấp huyện thực hiện có chất lượng và hiệu quả công tác kiến nghị, kháng nghị của ngành. Đối với Viện kiểm sát cấp huyện cần quán triệt đầy đủ nội dung các thông báo rút kinh nghiệm để hạn chế các thiếu sót vi phạm Viện kiểm sát tỉnh đã nêu trong các Thông báo rút kinh nghiệm. Phòng 7, tham dự một số phiên tòa của cấp huyện, đặc biệt là vụ án phức tạp được dư luận quan tâm, giúp Viện kiểm sát cấp huyện tháo gỡ khó khăn.

Thứ năm: Nâng cao chất lượng nghiên cứu, hướng dẫn các vụ án do Viện kiểm sát cấp huyện báo cáo thỉnh thị, việc trả lời thỉnh thị án của cấp huyện chuyển đến đảm bảo kịp thời đúng thời gian quy định.

Trên đây là một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự; yêu cầu mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Nguyễn Thị Vân Anh-Phòng 7 Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình.

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 184

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5319791