Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Rút kinh nghiệm đối với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có vi phạm dẫn đến phải hủy Quyết định để xét xử lại
1/17/2023 1:33:22 PMThông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng gia công” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH may xuất khẩu V, địa chỉ: xã TD, huyện T, tỉnh Thái Bình với bị đơn là Công ty TNHH S, địa chỉ: xã HB, huyện K, tỉnh Thái Bình, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thấy quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có vi phạm dẫn đến phải hủy Quyết định giải quyết vụ án.

1. Nội dung vụ án

Theo nguyên đơn: Ngày 17/9/2018, công ty TNHH may xuất khẩu V và công ty TNHH S đã ký kết Hợp đồng gia công hàng may mặc xuất khẩu với nội dung: Công ty V nhận gia công hàng may mặc xuất khẩu cho công ty S với số lượng 10.000 sản phẩm, đơn giá là 09 USD/01 sản phẩm, tổng thành tiền là 90.000 USD, ngày giao hàng 20/10/2018. Từ ngày 17/10/2018 đến ngày 12/11/2018, công ty V đã giao hàng cho công ty S thể hiện trong 10 phiếu xuất kho với tổng là 1427 pc (sản phẩm), 8212 sét và 675 khăn. Theo biên bản xác nhận công nợ ngày 12/11/2018 thì công ty S đã nợ công ty V tổng số tiền là 2.390.815.848 đồng, công ty S sẽ phải thanh toán tiền gia công hàng cho công ty V thành 2 đợt, cụ thể đợt 1 thanh toán 1.258.200.200 đồng vào ngày 14/11/2018; đợt 2 thanh toán 1.132.615.648 đồng vào ngày 16/11/2018. Ngày 04/5/2019, công ty S có thông báo về việc đồng ý cho công ty V bán 2.500 set áo (01 set gồm 01 áo jacket dài tay và 01 áo jile) với giá 290.000 đồng/set thành tiền là 725.000.000 đồng. Số tiền còn lại chưa thanh toán là 1.665.815.648 đồng. Công ty V có đơn khởi kiện, yêu cầu công ty S trả tổng số tiền nợ là 2.586.018.010 đồng bao gồm nợ gốc 1.665.815.648, lãi 920.202.362 đồng. Tiền lãi được tính tiếp tục đến ngày tòa án tuyên án. Tại phiên tòa nguyên đơn giao nộp công văn số 01 ngày 04/4/2022 và Công văn số 02 ngày 14/9/2022 của công ty S xác nhận đã chuyển nguyên phụ liệu của 10.000 sản phẩm cho công ty V.

Bị đơn không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì công ty S và Công ty V không ký kết hợp đồng gia công ngày 17/9/2018, nghĩa vụ thanh toán số tiền gia công nguyên đơn đang yêu cầu là của công ty A có trụ sở tại Hàn Quốc. Khi công ty S nhận hợp đồng gia công cho công ty A không đảm bảo tiến độ nên công ty A có cử ông Lee đàm phán với công ty V để gia công. Công ty A chỉ định cho công ty S chuyển giao nguyên phụ liệu cho công ty V. Sau khi hoàn thành, do hàng của công ty V không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của công ty A nên không được thanh toán. Vì vậy công ty S ký thông báo đồng ý cho công ty V bán 2500 set áo với giá 290.000 đồng/set theo chỉ định của công ty A nên trong thông báo này có chữ ký của ông Lee. Chữ ký người nhận hàng ở trong các phiếu xuất kho là người của công ty S vì trước khi xuất hàng, hàng của công ty V được tập kết và đóng ghép cùng hàng của công ty S theo số lượng và quy cách đóng gói của công ty A chỉ định, trong đó có một phiếu xuất kho ngày 29/10/2018 người nhận hàng chính là người của công ty A. Bị đơn không cung cấp được địa chỉ của công ty A. Đối với ông Lee bị đơn cung cấp địa chỉ hiện nay đang ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên bị đơn không yêu cầu lấy lời khai cũng không nộp chi phí tố tụng do vậy Tòa án không tiến hành được.

Tại phiên tòa bị đơn đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật và đề nghị công bố hết thời hiệu đối với vụ án này.

        2. Kết quả giải quyết của cấp sơ thẩm

        Ngày 29/9/2022, Tòa án nhân dân huyện K đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự. Hậu quả của việc đình chỉ: Trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho công ty V, công ty V không có quyền khởi kiện lại vụ án.

3. Những vi phạm của cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm

  Ngày 02/12/2021, nguyên đơn nộp đơn khởi kiện đến Tòa án. Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn xuất phát từ hợp đồng gia công hai bên đã ký kết là hợp đồng kinh doanh thương mại, tại thời điểm thụ lý vụ án ngày 27/12/2021 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại đã hết. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại công văn số 89 ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao, mặc dù vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng tòa án không được phép giải thích cho đương sự để bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, Tòa án nhân dân huyện K thụ lý vụ án kinh doanh thương mại, xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là Tranh chấp hợp đồng gia công là đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, bị đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định do thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại đã hết nên đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, việc xác định loại án và quan hệ pháp luật tranh chấp không phải do đương sự xác định mà là do Tòa án căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, các tài liệu chứng cứ làm căn cứ khởi kiện để xác định. Việc bị đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu không làm thay đổi quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp hợp đồng gia công”. Công ty V khởi kiện đòi tiền công (nợ gốc) mà công ty cho rằng đã bỏ ra để thực hiện việc gia công hàng hóa cho công ty S.  Đây là yêu cầu khởi kiện để bảo vệ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của công ty V theo quy định tại khoản 1 Điều 221 Bộ luật dân sự. Do đó, mặc dù Điều 319 Luật thương mại quy định chung về thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm nhưng theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu đối với “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”, nên trong trường hợp này Tòa án vẫn phải  thụ lý, giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp gia công” theo thủ tục chung để giải quyết yêu cầu kiện đòi tiền công (nợ gốc) của công ty V. Việc tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, tuyên hậu quả của việc đình chỉ về việc công ty V không có quyền khởi kiện lại vụ án là không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn được pháp luật bảo vệ.

Vũ Thị Kim Dung - Phòng 9

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 166

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5885689