Tin nghiệp vụ
Phòng 2 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình chủ động phối hợp đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm mua bán người.
2/15/2023 8:14:27 AMThời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người tại tỉnh Thái Bình mặc dù đã được kiềm chế song vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi, đa dạng; có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với đối tượng nước ngoài; môi giới, dẫn dắt, phạm vi hoạt động rộng liên tỉnh hoặc đưa qua biên giới. Phòng 2, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm chắc tình hình, diễn biến tội phạm, đặc biệt là các tuyến địa bàn trọng điểm hoạt động tội phạm về mua bán người; đồng thời tăng cường trách nhiệm công tố, xử lý nghiêm minh tội phạm mua bán người và tội phạm có liên quan, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân.

Kiểm sát viên xét hỏi tại phiên tòa

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm và công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án về tội Mua bán người và tội Mua bán người dưới 16 tuổi, thấy phương thức, thủ đoạn mà tội phạm thường sử dụng để dụ dỗ nạn nhân và thực hiện hành vi mua bán người như: Các đối tượng mua bán người lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua các tiện ích trên trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… kết nối làm quen, sau đó lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để tiếp cận rủ rê, lôi kéo, lừa gạt dưới hình thức đi làm thu nhập cao ở các thành phố lớn rồi bán cho người môi giới mại dâm hoặc chủ các nhà hàng Karaoke để tổ chức hoạt động mại dâm hoặc cưỡng bức lao động. Lợi dụng chính sách mở cửa phát triển kinh tế và nhu cầu lao động ở nước ngoài, các đối tượng đã tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi ra nước ngoài chúng thu giữ hộ chiếu, visa, giấy tờ tuỳ thân, giao cho người nước ngoài cưỡng bức lao động hoặc báo cho cơ quan chức năng nước sở tại kiểm tra bắt giữ trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc hoặc đưa vào các “khu tự trị” ép làm công việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của người Việt trên không gian mạng.

Nạn nhân của tội phạm mua bán người phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, nhận thức và hiểu biết xã hội có phần hạn chế, thiếu kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Một số nạn nhân tuổi đời còn trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa của đối tượng về việc làm ổn định thu nhập cao, phương tiện và điều kiện làm việc sang chảnh, tiêu tiền ngoại quốc. Khi trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người thì chưa tìm cách thông tin với gia đình, người thân hoặc cơ quan nhà nước sở tại về địa điểm, địa danh của mình để được hướng dẫn, giúp đỡ, giải cứu an toàn.

Để phòng, chống tội phạm mua bán người và các tội phạm liên quan, đề nghị mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy cảnh giác với những người không quen biết, tránh xa mọi cám dỗ và những cạm bẫy của tội phạm; không được tự ý bỏ theo người khác mà không báo cho gia đình; cần cân nhắc và thảo luận với cha mẹ, người thân trước khi đi tìm việc làm và cần được biết địa chỉ, số điện thoại nơi mình đến; phải có cam kết lao động được chính quyền tại địa phương công nhận. Hãy biết tự bảo vệ chính bản thân mình, mỗi gia đình luôn nhắc nhở con em hiểu được phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để phòng ngừa, tránh xảy ra hậu quả không mong muốn; kịp thời báo tin cho Cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc chính quyền nơi gần nhất về các thông tin liên quan đến tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng để điều tra, xử lý./. 

Lê Bình Khánh - Phòng 2 VKSND tỉnh

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 286

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5335565