Giải pháp phòng ngừa tình trạng “tội phạm học đường”
2/28/2023 3:36:15 PMThời gian gần đây, tình trạng tội phạm do học sinh thực hiện có chiều hướng tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội; một số vụ án xảy ra ngay trong trường học, hành vi của người phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng, như tội “Giết người”, tội “Cố ý gây thương tích”,…
Một số vụ án xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân, gây tâm lý lo lắng cho các bậc phụ huynh có con em đến trường, như vụ Bùi Ngọc K là học sinh lớp 10 cùng đồng phạm đã dùng dao nhọn đâm bạn học cùng trường dẫn đến hậu quả chết người; vụ Lại Văn T là học sinh lớp 10 dùng dao nhọn đâm vào vùng ngực, gây thương tích nặng cho bạn cùng trường; vụ Bùi Trung Đ dùng dao nhọn đâm vào vùng mạn sường, nách trái, gây thương tích nặng cho bạn học cùng trường cấp 3; vụ Phạm Quốc P là học sinh lớp 10 có hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi;…. Các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Thái Bình đã tập trung điều tra, xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc xảy ra, trong đó có những vụ án đã được đưa ra xét xử với mức hình phạt nghiêm khắc, góp phần răn đe, phòng ngừa chung.
Hình ảnh phiên tòa xét xử có bị cáo là học sinh
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng nêu trên như đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như nhận thức. Đây là đối tượng đang cần được giáo dục về nhận thức, ý thức, đạo đức, trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Nếu không được theo dõi, điều chỉnh kịp thời có thể dẫn đến những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, khi gặp sự việc được coi là mâu thuẫn dù là rất nhỏ cũng bột phát thực hiện hành vi mà thiếu sự điều khiển của lý trí, gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến phạm tội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ, việc tiếp cận nếu không có chọn lọc sẽ dễ bị các phim ảnh, trò chơi trên internet có sử dụng bạo lực, nhiều thông tin, hình ảnh tiêu cực…ảnh hưởng đến nhân cách. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế, môi trường gia đình, cách sống, suy nghĩ của những người sống gần có vai trò rất lớn trong việc hình thành, điều chỉnh tính cách cũng như trang bị kỹ năng xử lý các tình huống cho người chưa thành niên. Tuy nhiên nội dung giáo dục trong nhà trường vẫn nặng về truyền tải kiến thức, chưa dành nhiều thời gian để giáo dục kỹ năng sống và kiến thức pháp luật cơ bản cho học sinh. Mặc dù có nhiều cơ quan cùng có nhiệm vụ thực hiện giám sát quyền trẻ em, nhưng trên thực tế các cơ quan, tổ chức chưa có nhiều các hoạt động tuyên truyền trực tiếp đến các nhà trường, chưa đa dạng về nội dung tuyên truyền.
Để góp phần khắc phục tình trạng tội phạm học đường gia tăng, mỗi gia đình phải tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật, luôn quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái.
Các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần phải tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng học đường, ngoài tăng cường tuyên truyền tại trường học thì tổ chức các buổi tuyên truyền giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên ở các giai đoạn phát triển để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm… Từ đó có biện pháp giáo dục con em mình cũng như tự phòng ngừa để bản thân hoặc con em mình không trở thành nạn nhân của tội phạm, đồng thời tạo ra sân chơi lành mạnh để hướng người chưa thành niên vào môi trường tốt, tránh xa các tệ nạn xã hội…
Cần bổ sung thời lượng giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường để giúp trẻ phát triển toàn diện, vận dụng được những kiến thức đã tiếp cận, ứng xử trong đời sống xã hội. Nhà trường nói riêng cần đề ra biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; duy trì phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.
Các cơ quan chức năng Nhà nước cũng cần quản lý, xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em.
Mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể hãy vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời, cùng chung tay trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, vì một xã hội nói chung, môi trường học đường nói riêng được an toàn và đối tượng học sinh, sinh viên được phát triển một cách toàn diện và lành mạnh.
Nguyễn Lan - Phòng 2 Viện KSND tỉnh Thái Bình