Tin nghiệp vụ
Cuộc chiến chống mua bán người cần sự chung tay của toàn Xã hội
3/16/2023 8:14:18 AMThời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến chống mua bán người vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Tội phạm mua bán người là loại tội phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, làm ảnh hưởng trực tiếp nhiều mặt của an sinh xã hội và là nguyên nhân phát sinh hành vi vi phạm pháp luật khác. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm diễn ra tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên Quốc gia.

Thời gian gần đây, sau khi đại dịch Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, lợi dụng tình trạng nhiều người dân cần tìm việc làm ổn định, thu nhập cao, các đối tượng xấu đã sử dụng mạng xã hội, kết bạn làm quen, hứa hẹn tìm “việc nhẹ lương cao”, giới thiệu đồng hương để tạo niềm tin rồi lừa bán nạn nhân sang các địa phương khác làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, spa, cắt tóc, gội đầu, massage .... Một số đối tượng lập trang web, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) đưa chiêu trò quảng cáo, tuyển dụng người Việt Nam sang nước ngoài (Campuchia, Trung Quốc...) làm việc với mức lương “khủng”. Do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin nên đã có không ít người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu, bị lừa bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cưỡng éphoạt động mại dâm hoặc lừa bán sang nước ngoài, làm việc trong các đường dây tổ chức tội phạm đánh bạc, lừa đảo qua mạng...

Xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, trong thời gian qua lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đẩy mạnh công tác tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án mua bán người; công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”. Điển hình là vụ án Nguyễn Thị Đức Nhân, sinh năm 1962, trú tại phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cùng 05 đồng phạm phạm tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thể hiện: Lê Trung Sơn, Phạm Duy Phúc trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thông qua mạng xã hội Facebook đăng tin tuyển nhân viên bán hàng đã dụ dỗ, lừa gạt cháu Phan Thùy D, sinh ngày 28/7/2007, trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình để bán cho Hà Thị Vân Khánh, Nguyễn Văn Trường, Trần Xuân Thành đều ở tại thành phố Hải Phòng với giá 1.000.000 đồng. Khánh, Trường, Thành bán lại cháu Thùy D cho Nguyễn Thị Đức Nhân với giá 2.000.000 đồng để Nhân sử dụng vào mục đích bán dâm. Ngày 14/3/2023 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã xét xử 06 bị cáo về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” theo điểm a khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự; tổng hình phạt tù đối với 06 bị cáo là 47 năm tù (thấp nhất là 06 năm tù, cao nhất là 10 năm tù).

Phiên Tòa Nguyễn Thị Đức Nhân “Mua bán người dưới 16 tuổi”

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến phát sinh tội phạm mua bán người, song cơ bản là do siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người; tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, mất cân bằng về giới; sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết, nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt. Đặc biệt do việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được coi trọng làm cho một bộ phận dân cư sa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chất pháp luật; công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhân hộ khẩu, biên giới, xuất nhập cảnh, …       

 
 

Để đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người hiệu quả hơn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sự phối hợp, tham gia tích cực và ủng hộ của đông đảo tầng lớp Nhân dân; trong đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, cần thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn. Phòng, chống tội phạm mua bán người phải là một nội dung căn bản của công tác phòng, chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội như hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo….

Cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người… để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Đổi mới công tác giáo dục, truyền thông với nội dung và hình thức phong phú; tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt… không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm.

Thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, cư trú, xuất nhập cảnh… và ứng dụng, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm chủ động từ khâu phòng ngừa, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn tội phạm mua bán người. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình địa bàn, cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng đột xuất và việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, cơ sở sản xuất, dịch vụ ăn uống, kiên quyết xử lý hành vi xâm hại trẻ em và kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống hành vi mua bán người, nhất là trong công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên không gian mạng. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; nhanh chóng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án trên. Rà soát, đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm có nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi phục vụ hoạt động tệ nạn xã hội, mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép nhằm mua bán, cưỡng bức lao động... 

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Tự bảo vệ chính bản thân mình và người thân trước những hành vi phạm tội của tội phạm. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình kịp thời trình báo cho cơ quan Công an, cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Phòng, chống tội phạm mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng. Dù đã rất nỗ lực, song chúng ta vẫn còn nhiều điều cần làm ở phía trước. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người rất cần tới sự chung tay của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và trên hết là sự đề cao cảnh giác từ mỗi người dân./.

Vũ Thị Thanh - Phòng 2 Viện KSND tỉnh Thái Bình

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 288

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5861991