Rút kinh nghiệm về công tác phát hiện bản án có vi phạm
4/28/2023 8:06:25 AMBản án sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 09/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện H giải quyết vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế giữa đồng nguyên đơn ông Phạm Văn A, sinh năm 1954; Phạm Văn B sinh năm 1946; ông Phạm Hải C, sinh năm 1955; ông Phạm Văn D, sinh năm 1959 và bị đơn ông Phạm Xuân E, sinh năm 1966 có một số vi phạm cần rút kinh nghiệm như sau:
I. NỘI DUNG VỤ ÁN
Bố mẹ của các nguyên đơn và ông E là cụ Phạm Văn H (chết năm 2000) và cụ Trần Thị TH (chết 2018) sinh được 6 người con gồm: các ông Phạm Văn B, Phạm Văn N (hi sinh năm 1970), Phạm Văn A, Phạm Văn D, Phạm Văn C, Phạm Xuân E; hai cụ không có con đẻ khác, không có con nuôi; bố mẹ các cụ đã mất từ trước khi hai cụ mất. Ông N có vợ là bà U, không có con.
Hai cụ mất không để lại di chúc, có để lại di sản là đất theo bản đồ 299 là thửa 662 diện tích 560m2 đất thổ và thửa 617 đất ao diện tích 484m2 và 576m2 đất ruộng có tên chủ sử dụng thể hiện trên sổ mục kê là H. Theo bản đồ 1990 thì thửa 662 và thửa 617 gộp lại thành thửa 3914 = 780m2 đất thổ (trong đó 400m2 đất ở và 380m2 đất vườn) mang tên người sử dụng trong sổ mục kê là ông E; thửa 3913 = 120m2 đất ao mang tên ông B; đất ruộng 968m2 của 2 cụ hiện ông C hiện đang sử dụng. Ngoài ra 2 cụ còn để lại 5 gian nhà gỗ lim trên thửa 3914 ông E đang sử dụng.
Theo kết qua đo đạc của Văn phòng quản lý đất đai ngày 04/01/2022 thì tổng diện tích đất ông E đang quản lý sử dụng là 818,1m2 phần tăng lên so với bản đồ 1990 do UBND xã quản lý. Phần đất ao ông B đang quản lý đã nhập chung với đất nhà ông B không xác định được tứ cận cụ thể. Theo cung cấp của UBND xã thì biến động đất thổ tăng từ bản đồ 299 sang bản đồ 1990 là do lấp vào một phần ao. Việc biến động từ tổng diện tích từ 1044m2 thành 780m2 là do tách một phần đất ao thành thửa đất ao của ông B đang quản lý.
Năm 1999, hai cụ có họp gia đình với các con làm văn bản chia đất cho ông E và ông A nhưng vắng mặt ông E và văn bản không có chứng thực của cơ quan quản lý đất đai của địa phương. Tuy nhiên ông E không đồng ý cho ông A nhận đất vì ông E cho rằng ông đã được bố mẹ cho đất và cho đứng tên trên bản đồ từ năm 1990 đến nay. Ông E xác định 380m2 đất vườn địa phương đã tính vào diện tích ruộng cơ bản ngoài đồng của hộ gia đình ông theo Quyết định 652/1993 và Quyết định 948/2000 của UBND tỉnh TB, do đó không còn là di sản. Các nguyên đơn đề nghị Tòa án giải quyết chia thừa kế theo quy định của pháp luật đối với thửa đất 3914 diện tích 818,1m2 và thửa 3913 diện tích 120m2 bằng hiện vật; rút yêu cầu chia ngôi nhà gỗ lim 5 gian, không yêu cầu chia đất ruộng; Bị đơn đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.
II. QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN
Bản án số 05/2022/DS-ST ngày 09/8/2022 Toà án nhân dân H quyết định:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn;
- Xác định thửa 3914 diện tích 780m2 đất thổ và thửa 3913 diện tích 120m2 đất ao là di sản của cụ H và cụ TH;
- Trích trong khối di sản chia cho vợ chồng ông E, ông B công sức tôn tạo, cải tạo đất và gìn giữ di sản bằng 1 kỷ phần thừa kế;
- Chia thừa kế di sản của cụ H và cụ TH cho ông E 618m2 đất trong đó có 266,6m2 đất ở và 351,5m2 đất cây lâu năm trong thửa 3914 (có sơ đồ kèm theo); Giao cho ông B toàn bộ diện tích đất ao thửa 3914; Chia cho ông A 100m2 đất trong đó có 66,7m2 đất ở và 33,3m2 đất cây lâu và chia cho ông C 100m2 đất trong đó có 66,7m2 đất ở và 33,3m2 đất trồng cây lâu năm trong thửa 3914 (có sơ đồ kèm theo); Chia cho ông D giá trị 66,7m2 đất ở và 69,7m2 đất trồng cây lâu năm và 20m2 đất ao.
- Ông A, ông C phải thanh toán cho ông E giá trị tài sản trên đất theo kết quả định giá. Ông B phải thanh toán cho ông A, ông C, ông D giá trị 20m2 ao; Ông E phải thanh toán cho ông C, ông A số tiền trị giá 36,4m2 đất cây lâu năm. Ông E phải thanh toán cho ông B số tiền trị giá 66,7m2 đất ở và 69,7m2 đất vườn;
- Đình chỉ yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế là ngôi nhà gỗ lim. Ngoài ra còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM
- Vi phạm về tố tụng: Trong vụ án này, bà U là vợ của ông N đã hy sinh năm 1970 (chết trước cụ H và cụ TH), hai người không có con chung. Như vậy bà U không thuộc diện được hưởng di sản thừa kế của hai cụ nên không có quyền khởi kiện. Do bà U đã đứng tên trong đơn khởi kiện cùng với các nguyên đơn khác nên khi thụ lý Tòa án cấp sơ thẩm xác định tư cách tố tụng của bà U là nguyên đơn. Tại bản án sơ thẩm đã nhận định bà U không có quyền khởi kiện nhưng lại không đình chỉ giải quyết yêu cầu của bà U là vi phạm.
- Vi phạm về nội dung:
Tại giai đoạn phúc thẩm, Tòa án phúc thẩm đã tiến hành xác minh xác định: Hộ gia đình ông E có 4 khẩu được giao theo Quyết định 652/năm 1993 và 5 khẩu được giao theo Quyết định 948/năm 2000. Tổng diện tích đất nông nghiệp cả trong nhà và ngoài đồng là của hộ ông U là 2.110 m2 sau khi quy đổi theo tỷ lệ 2 đất vườn trong khuôn viên thổ (380m2) bằng 1 đất ruộng ngoài đồng (190m2), khi thực hiện dồn điền đổi thửa và trừ vào giao thông thủy lợi mỗi sào 26m2 nên diện tích thực tế còn 1.910m2 thực giao ngoài đồng. Cụ H và cụ TH mỗi người được giao vào đất của ông C 510m2, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa và trừ diện tích đắp bờ vùng, bờ thửa năm 2012 mỗi người bị trừ đi 26m2 nên còn 968 m2 hiện ông C đang quản lý.
Như vậy, tại Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ việc năm 1993 khi thực hiện Quyết định 652 và năm 2000 khi thực hiện Quyết định 948 địa phương đã xử lý diện tích đất nông nghiệp trong khuôn viên thửa đất 3914 như thế nào và xác định hộ ông E không bị trừ vào diện tích ruộng ngoài đồng là thiếu sót. Dẫn đến việc không đưa những người con của vợ chồng ông E (là người được giao đất nông nghiệp theo hộ gia đình) vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Vì vậy, bản án phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm và giao cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Đỗ Thị Thái- Phòng 9 Viện KSND tỉnh Thái Bình